Kịch TP.HCM nhộn nhịp đón Liên hoan

06/03/2018 - 13:22

PNO - Liên hoan sân khấu kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc 2018 sẽ diễn ra tại TP.HCM từ ngày 11/4 đến 26/4.

Trở lại TP.HCM sau chín năm với khá nhiều thay đổi trong cách tổ chức, tiêu chí chấm giải… liên hoan đang được nhiều người làm nghề đặc biệt quan tâm. 

Kich TP.HCM  nhon nhip don Lien hoan

Châu về hợp phố - tác phẩm về những con người ở hai chiến tuyến trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968

Đây là năm đầu tiên, Liên hoan sân khấu kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc (Liên hoan) không đặt ra những tiêu chí, định hướng về đề tài…. cho các tác phẩm dự thi. Thay vào đó là khuyến khích các sáng tạo mang tính thời sự, phản ánh đa chiều đời sống; không giới hạn hình thức, phong cách thể hiện. Thay đổi này, cộng thêm giải thưởng dành cho vở Vũ nữ ở kỳ Liên hoan năm 2015, như một làn gió mới, giúp các sân khấu hào hứng hơn khi Liên hoan năm nay được tổ chức ngay trên “sân nhà”.

Hai đơn vị được trông chờ nhất ở Liên hoan sân khấu kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc 2018 là Idecaf và Hoàng Thái Thanh gần như chắc chắn sẽ không tham gia kỳ liên hoan này.

“Ông bầu” Huỳnh Anh Tuấn của sân khấu Idecaf thẳng thắn bày tỏ quan điểm: “Chúng tôi sẽ không tham gia Liên hoan cho đến khi nào Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch hoặc Cục Nghệ thuật biểu diễn có những buổi hội thảo, gặp gỡ, để thẳng thắn nhìn nhận về những tiêu cực trong cách chấm giải ở các cuộc liên hoan”. 

Bức xúc của ông Huỳnh Anh Tuấn là có cơ sở, bởi trong các kỳ liên hoan, hội diễn sân khấu gần đây, nhiều ý kiến về “mưa giải thưởng”, về những tiêu cực trong thi thố, chấm giải, trao giải đã được giới làm nghề nêu ra, nhưng dường như vẫn chưa được giải đáp thỏa đáng.

Riêng các tác phẩm của sân khấu Hoàng Thái Thanh lại có thời lượng trên 150 phút, trong khi quy định về thời lượng các vở tham gia Liên hoan bị giới hạn từ 90 - 120 phút

Từng để lại nhiều ấn tượng đặc biệt cho đồng nghiệp ngay trong lần “ra trận” đầu tiên ở Liên hoan năm 2012 và tiếp tục thành công ở mùa 2015, ngay sau khi kết thúc đợt diễn tết, sân khấu Thế Giới Trẻ đưa lên sàn tập vở kịch để thi thố. Tác phẩm do Khương Ngọc viết kịch bản, dựa trên những thông tin được đăng tải trên báo chí, về cuộc sống trên biển với những hiểm nguy và lòng dũng cảm của ngư dân Việt Nam.

Dựng vở mới để tham gia Liên hoan là tin khá bất ngờ về đơn vị này, bởi thời gian gần đây, Thế Giới Trẻ có nhiều vở kịch được công chúng và cả giới chuyên môn đánh giá khá tốt. Đạo diễn Ngọc Hùng, người đồng thời là quản lý sân khấu, lý giải: “Dù sân khấu đã có những vở được đánh giá cao, nhưng đó vẫn là những tác phẩm mang nhiều tính giải trí. Chúng tôi muốn góp mặt ở Liên hoan bằng một tác phẩm có những sáng tạo mới và mang tính nghệ thuật nhiều hơn. Ba năm mới có một đợt liên hoan sân khấu nên Thế Giới Trẻ muốn có tiếng nói riêng của mình trong ngày hội chung của những người làm sân khấu”.

Sân khấu Trịnh Kim Chi cũng đã hoàn tất kịch bản Rặng trâm bầu để kịp lên sàn tập vào đầu tháng Ba. Câu chuyện kịch dựa theo bộ phim cùng tên của đạo diễn Bùi Đình Thứ, kể về nữ tướng anh hùng lực lượng vũ trang, Bà mẹ Việt Nam anh hùng Đoàn Thị Nghiệp (huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang). Song song đó, “bà bầu” Trịnh Kim Chi cũng triển khai tập luyện vở Một thời để nhớ để có sự lựa chọn tốt nhất cho sự xuất hiện lần đầu của đơn vị mình ở Liên hoan.

Bên cạnh những tác phẩm sắp lên sàn, một số đơn vị đã đưa tác phẩm dự Liên hoan vào kế hoạch dựng vở của mình từ cuối năm 2017, đầu năm 2018. Tác phẩm hoành tráng nhất có thể kể là Châu về hợp phố của sân khấu kịch Hồng Vân. Tác phẩm nằm trong kế hoạch dàn dựng những chương trình kỷ niệm 50 năm cuộc tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 do UBND TP.HCM đầu tư kinh phí. Châu về hợp phố quy tụ khoảng 70 diễn viên, ra mắt vào tháng 1/2018 và đã có ba suất diễn phục vụ khán giả.

Kich TP.HCM  nhon nhip don Lien hoan
Hẻm nhỏ Sài Gòn

Vì có hai sân khấu đang hoạt động là SuperBowl và sân khấu Phú Nhuận, kịch Hồng Vân sẽ có hai vở tham dự Liên hoan. Tuy nhiên, tác phẩm thứ hai vẫn đang trong quá trình chọn kịch bản theo “tiêu chí” phù hợp với lớp diễn viên trẻ của sân khấu. Trong trường hợp không thể tìm được kịch bản ưng ý hoặc không đủ thời gian tập luyện, Hồng Vân sẽ đưa Gió vườn ngọc lan (tác phẩm gây ấn tượng tốt thời gian qua) ra tranh tài ở Liên hoan năm nay.

Một vở diễn khác cũng được Thành ủy TP.HCM đầu tư theo quy chế tác phẩm loại A từ các trại sáng tác kịch bản là Kỳ án xứ mặt trời (tác giả: Vương Huyền Cơ; đạo diễn: Thái Kim Tùng) của Hội sân khấu TP.HCM, đã phúc khảo trước tết Mậu Tuất. Vở hài kịch châm biếm phác họa hình ảnh những con người chính trực, đau đáu nỗi niềm trước thế sự và sẵn sàng đương đầu với bọn tham quan, bảo vệ những điều tốt đẹp cho cuộc sống. Không chỉ có các diễn viên của sân khấu kịch nói, tác phẩm còn có sự góp mặt của nghệ sĩ cải lương Võ Minh Lâm.

Hẻm nhỏ Sài Gòn (tác giả: Vương Huyền Cơ; đạo diễn: NSND Trần Ngọc Giàu) của Nhà hát Kịch TP.HCM, ra mắt dịp tết Mậu Tuất cũng đã được lên lịch dự Liên hoan, cho thấy sự chuyển biến ở một đơn vị nghệ thuật công lập. Hẻm nhỏ Sài Gòn không khô khan, cứng nhắc với những lời hô khẩu hiệu, hướng đến việc tìm lối đi an toàn ở các cuộc liên hoan, hội diễn mà đặt một góc nhìn nhiều cảm xúc về Sài Gòn nghĩa tình, hào sảng và nỗi khát khao được giữ lại những nét văn hóa tốt đẹp của Sài Gòn trong thời hội nhập.

Hai tác phẩm từng công diễn ở Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ trước đây là Gương mặt kẻ khácĐêm vượn hú đã lên lịch tập để kịp có mặt ở Liên hoan. Vai Lan của Nguyệt Ánh trong Gương mặt kẻ khác phải thay đổi do cô bận việc riêng, không thể tham gia biểu diễn. Hai vai quan trọng trong Đêm vượn hú là Sinh và Liễu Phố đều có sự thay đổi. Diễn viên Kim Khánh sẽ thay vai Liễu phố của Trang Trần và Lê Vinh sẽ thay thế Sinh của NSƯT Hữu Quốc.

Kich TP.HCM  nhon nhip don Lien hoan
Kịch Đêm vượn hú

Với mong muốn có thể biểu diễn ngay tại sân khấu nhằm tận dụng lại phần trang trí sân khấu đã có sẵn, thay vì phải đưa quân đến Nhà hát Quân Đội - địa điểm chính diễn ra Liên hoan, Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ đã có kế hoạch sửa chữa từ đầu tháng 3/2018. Dự kiến, nhà hát sẽ sáng đèn vào cuối tháng và có một số suất diễn trước khi Gương mặt kẻ khác Đêm vượn hú chính thức ra thi thố. Gương mặt kẻ khác là tác phẩm của Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ, còn Đêm vượn hú do đơn vị đầu tư là Saigon Live đứng tên đăng ký tham gia Liên hoan. 

Giành được huy chương bạc tại  Liên hoan sân khấu kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc 2015 với vở Vũ nữ, nhóm Buffalo đã sẵn sàng đưa kịch bản Sống ra tranh tài. Tác phẩm đặt góc nhìn về cuộc sống, suy nghĩ và nỗi khắc khoải của những người đồng tính nam ở đoàn lô tô Năm Phượng.

Tuy nhiên, kế hoạch bị động vào giờ chót do mọi việc chuẩn bị đều tập trung cho hình thức nhạc kịch - thế mạnh của nhóm, nhưng Liên hoan lại chỉ dành cho loại hình kịch nói.

Vũ Hoàng Quân, đồng sáng lập nhóm Buffalo, chia sẻ: “Sau nhiều biến động về nhân sự, chúng tôi hiểu Buffalo chỉ mạnh ở thể loại nhạc kịch nhờ sức trẻ và lợi thế ca hát, nhảy múa của các thành viên. Giờ, nếu phải chuyển sang dựng kịch nói, ngoài việc bị động về kịch bản, công tác dàn dựng, chúng tôi còn vướng chuyện nội lực diễn xuất của nhiều thành viên trong nhóm. Có tham gia Liên hoan đợt này không vẫn là điều chúng tôi chưa thể khẳng định được”.

Thảo Vân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI