Trên thực tế, dù người trong cuộc dành rất nhiều quyết tâm và nỗ lực, hành trình ấy luôn vất vả, bởi các tác phẩm rất kén người xem.
|
Tác phẩm My sister’s keeper của các sinh viên vẫn đủ sức hấp dẫn khán giả |
Nỗ lực không mệt mỏi
Gần 10 năm trước - tháng 6/2010, vở kịch tiếng Anh Ngựa người - người ngựa (chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của Nguyễn Công Hoan) do nghệ sĩ Đức Thịnh dàn dựng trên sân khấu Kịch Phú Nhuận đã để lại ấn tượng tốt trong lòng khán giả.
Một năm sau đó - tháng 10/2011, vở The importance of being earnest (tạm dịch: Tầm quan trọng của sự nghiêm túc) của Oscar Wilde được nhóm Dragonfly đầu tư và công diễn tại nhà hát Thế Giới Trẻ, với những thay đổi khá bất ngờ, thú vị.
Chất hài kịch được giữ nguyên ở các đoạn thoại dài, nhưng dí dỏm và sắc sảo của các nhân vật. Phục trang bắt mắt, diễn xuất tập trung vào sự cường điệu của giọng nói và hình thể là những điểm đặc trưng của tác phẩm.
Nhờ có lực lượng diễn viên từ các nước nói tiếng Anh, Dragonfly tiếp tục dựng vở The last 5 years (tạm dịch: 5 năm vừa qua) của Jason Robert Brown vào tháng 6/2012, trên sân khấu kịch 5B. Đạo diễn, đồng thời là diễn viên thủ vai chính trong vở này chính là nhạc trưởng Brian Riedlinger - một trong những nghệ sĩ thành công nhất của cộng đồng người nước ngoài sống và làm việc tại TP.HCM.
Tháng 10/2012, Dragonfly và đạo diễn Jaime Zuniga tiếp tục công diễn vở kịch Hoàng tử bé. Nữ diễn viên Lan Phương được chọn đóng vai chàng hoàng tử mộng mơ, còn Aaron Toronto (Mỹ) được chọn vào vai phi công. Aaron Toronto là một nhân tố tích cực của làng kịch và phim Việt gần 10 năm qua.
Ca sĩ Thanh Bùi mang vở The secret garden về sân khấu Soul Live Project vào năm 2016. Sau đó là liên tiếp các vở Love song, Lend me a tenor, The run… được dàn dựng với chất lượng tốt, hướng tới đúng đối tượng khán giả.
Đến nay, chương trình Theater in Education - English Literature của Trường đại học Mở TP.HCM đã có tuổi đời gần 10 năm, ngày càng mở rộng và chuyên nghiệp hơn với sự tham gia của các giảng viên, sinh viên nhiều trường đại học.
Các vở kịch được dàn dựng và biểu diễn là các tác phẩm văn chương Anh - Mỹ nằm trong chương trình dạy và học tiếng Anh. Mỗi đợt công diễn tại sân khấu Kịch Sài Gòn, chương trình đều thu hút một lượng lớn khách du lịch nước ngoài đến xem. Qua mạng xã hội, họ bày tỏ sự thích thú đặc biệt khi được xem kịch bằng tiếng Anh tại Việt Nam.
Đường tương lai còn dài
Dù mỗi sân khấu có mục đích riêng khi dựng kịch tiếng Anh, các tác phẩm đều hướng tới xây dựng những giá trị nghệ thuật cho người xem. Nhiều vở mang lại sự cảm thông, tình yêu thương và sự thay đổi nhận thức về những phận người đặc biệt như The Danish girl, Brokeback mountain, Forrest Gump…
“Sân khấu học đường giúp bồi dưỡng và phát triển những giá trị nhân văn thông qua sự hóa thân, trải nghiệm của nghệ thuật kịch, tạo điều kiện phát triển kỹ năng và những giá trị khác nhau cho từng sinh viên” - giảng viên Lê Quang Trực nhận định.
Có thể còn yếu nhiều chỗ, nhưng nếu không có các sân khấu “học đường” này, khán giả sẽ khó có dịp thưởng thức những The happy prince, Agnes Grey, Wuthering heights, My sister’s keeper… Việc Soul Live Project mang tác phẩm kinh điển như The secret garden, Love song, The run… về với khán giả Việt không chỉ bắc nhịp cầu giữa khán giả với kịch kinh điển mà còn giúp kéo gần khoảng cách giữa sân khấu Việt Nam và thế giới.
“Chúng tôi hy vọng khán giả TP.HCM sẽ cảm thấy tự tin hơn khi xem kịch tiếng Anh và có thể thưởng thức trọn vẹn được tác phẩm, nhất là giới sinh viên học sinh. Chúng tôi cũng mong sẽ dựng được vài vở kịch mỗi năm, mỗi vở trụ rạp được nhiều tuần, giống như các sân khấu lớn khác” - đạo diễn Jaime Zuniga chia sẻ.
“Trong bối cảnh hạ tầng cho sân khấu tiếng Anh còn yếu, chúng tôi không dám ước đoán gì nhiều, chỉ cố gắng bước từng bước, vừa đi vừa lắng nghe, để đi tiếp” - Trà Nguyễn, người khởi tạo dự án The run, tâm sự. Giảng viên Lê Quang Trực cho biết, sẽ tiếp tục đồng hành cùng các sinh viên mang kịch tiếng Anh lên sân khấu kịch 5B để sáng đèn thường xuyên hơn.
Trên thực tế, đối tượng quan tâm đến kịch tiếng Anh chưa nhiều. Các vở diễn chủ yếu xuất hiện ở những sân khấu nhỏ, ít suất diễn và không liên tục. Sân khấu Superbowl của NSND Hồng Vân từng đặt mục tiêu thu hút khách du lịch nước ngoài qua các vở kịch tiếng Anh nhưng không thành công, do đa số diễn viên còn yếu ngoại ngữ.
Các vở kịch của sinh viên Đại học RMIT, British International School… đạt chất lượng ngôn ngữ, nhưng mục đích chính là giáo dục chứ không phải khán giả. Đại học Mở TP.HCM xem việc diễn kịch là cách để thực hành, vận dụng tiếng Anh. Kết quả: hiện chỉ còn Dragonfly và Soul Live Project nuôi mộng trở thành những sân khấu kịch tiếng Anh chuyên nghiệp tại TP.HCM.
Thái Bình
“Về năng lực ngôn ngữ, sinh viên được rèn luyện kỹ năng phát âm đúng và rõ, kỹ năng nói tiếng Anh trước công chúng, cách diễn đạt ý tưởng đúng ngữ pháp, cách nói tiếng Anh phối hợp với giao tiếp bằng mắt, cử chỉ, biểu hiện trên gương mặt”.
Giảng viên Lê Quang Trực (Đại học Mở TP.HCM)
|
“Những nhà hát nổi tiếng, những vở nhạc kịch kinh điển, tư duy thẩm mỹ và văn hóa thưởng thức nghệ thuật trong cộng đồng, ở các nước trên thế giới, không phải tự nhiên mà có. Tất cả mọi thứ đều phải được xây dựng, bắt đầu từ cái nhỏ, để tạo ra những cái lớn. Soul Live Project mong muốn trở thành một sân khấu tiếng Anh chuyên nghiệp. Hy vọng, trong tương lai không xa, chúng tôi có thể dựng thêm những vở nổi tiếng khắp thế giới như Les miserables, The lion king, Phantom of the opera…”.
Ca sĩ Thanh Bùi
|