Nhiều đỉnh cao
|
"Chén thuốc độc" của nhà viết kịch Vũ Đình Long (1896 - 1960) được xem là vở kịch nói đầu tiên, khai sinh sân khấu kịch Việt Nam. |
Theo chân người Pháp vào Việt Nam từ cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX, thoại kịch phương Tây đã có những bước đi không hề dễ dàng ở một đất nước tuy nhỏ bé nhưng có chiều sâu văn hóa và nhất là nền sân khấu dân tộc phát triển từ sớm.
Từ những “gánh hát Tây” sang biểu diễn phục vụ người Pháp, những trí thức Tây học một lòng muốn “cải lương” mọi lĩnh vực nhằm “chấn dân trí, hưng dân khí” đã tìm thấy một “vũ khí mới” – kịch nghệ kiểu Pháp với thế mạnh truyền tải trực diện thông điệp đến người xem.
Những vở diễn cải biên từ kịch Pháp đã xuất hiện rải rác nhưng phải đến khi “Chén thuốc độc” ra đời thì mới xác lập “kịch nói của người Việt dành cho người Việt”.
|
Kỷ niệm 100 năm sân khấu kịch Việt Nam, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam phục dựng vở kịch "Chén thuốc độc" (đạo diễn Bùi Như Lai) với sự tham gia của nhiều nghệ sĩ đến từ các đơn vị nghệ thuật khác nhau, như là công trình chung chào mừng cột mốc ý nghĩa của kịch nghệ Việt Nam - Ảnh: Nhà hát Kịch Việt Nam. |
Giữa buổi giao thời “gió Âu mưa Á”, những cây bút chủ lực của nền văn nghệ mới xuất phát từ Tự lực văn đoàn hay phong trào Thơ Mới, như: Vũ Đình Long, Thế Lữ, Vi Huyền Đắc, Vũ Hoàng Chương, Nguyễn Nhược Pháp, Nguyên Hồng, Đoàn Phú Tứ, Vũ Đình Liên… là những người đầu tiên góp công gầy dựng nền kịch nghệ Việt Nam. Đặc biệt, Thế Lữ còn là một trong những người Việt Nam đầu tiên “làm bầu” khi thành lập các ban kịch Thế Lữ, Tinh hoa, Anh Vũ… quyết tâm “chuyên nghiệp hóa” kịch nghệ Việt Nam.
|
Thế Lữ là người tiên phong ở nhiều vai trò trên sân khấu kịch Việt Nam, như tác giả, đạo diễn, diễn viên và cả "bầu gánh" - Ảnh: Trần Văn Lưu. |
Từ những vở kịch đề tài xã hội đầu tiên phản ánh những xung đột cũ - mới, khẳng định sự thắng thế của những quan điểm tiến bộ với hệ tư tưởng phong kiến xưa cũ, những vấn đề lớn lao hơn cũng được đặt ra qua những bi kịch lịch sử như: “Vũ Như Tô” (Nguyễn Huy Tưởng - 1941), “Cột đồng Mã Viện” (Nguyễn Huy Tưởng - 1944), “Lệ Chi Viên” (Vi Huyền Đắc - 1943), “Nguyễn Thái Học” (Vũ Hoàng Chương - 1944)…
Trước cột mốc lịch sử năm 1945, những người làm sân khấu nước nhà đã dần bắt kịp bước chuyển mình của thời đại, thông qua tác phẩm mà khơi gợi lòng yêu nước, hướng về lịch sử dân tộc. Tất cả tạo đà cho nền sân khấu cách mạng phát triển rực rỡ xuyên suốt qua 2 cuộc kháng chiến mà vở kịch “Bắc Sơn” (Nguyễn Huy Tưởng - 1946) được xem là mở đường cho nền sân khấu mới.
|
Trích đoạn "Vũ Như Tô" được thể hiện lại trong chương trình kỷ niệm 100 năm kịch nói Việt Nam của Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam. |
|
Đoàn kịch Tổng cục chính trị trên đường phục vụ chiến trường miền Nam. Vở kịch "Chị Nhàn" (1961) của tác giả Đào Hồng Cẩm do Đoàn kịch Tổng cục chính trị biểu diễn là một trong những tác phẩm tiêu biểu về đề tài kháng chiến chống Pháp. |
|
Ra mắt năm 1985, vở kịch "Tôi và chúng ta" của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ được xem như một trong những tác phẩm tiên phong của nền sân khấu đổi mới gắn liền với công cuộc mở cửa, đổi mới của đất nước từ năm 1986. Giai đoạn này, sân khấu nhộn nhịp những tác phẩm "nhìn thẳng, nhìn thật", như: "Tôi và chúng ta", "Khoảnh khắc vô tận", "Nhân danh công lý", "Mùa hè ở biển"..., là đỉnh cao mới của nền kịch nghệ cách mạng Việt Nam. |
|
Với những "Tôi và chúng ta", "Trái tim trong trắng", "Khoảnh khắc vô tận", "Ai là thủ phạm?", "Lời thề thứ 9", "Bệnh sĩ", "Hồn Trương Ba - Da hàng thịt", "Hoa cúc xanh trên đầm lầy"..., cố tác gia Lưu Quang Vũ đã gầy dựng nên thương hiệu riêng cho mình mà đến nay kịch Lưu Quang Vũ vẫn thường xuyên được dựng lại và vẫn mang những giá trị vượt thời đại. Năm 2018, Nhà hát Tuổi Trẻ tái dựng vở kịch "Hoa cúc xanh trên đầm lầy" và đạt huy chương vàng Liên hoan sân khấu kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc 2018. |
|
Sau nhiều năm có phần nhạt nhòa, đề tài chiến tranh cách mạng đã được quan tâm khai thác trở lại. Vở "Bão tố Trường Sơn" của Nhà hát Kịch Việt Nam đã tạo ấn tượng đẹp với nhiều khán giả trẻ. |
|
Lực team với sự dẫn dắt của đạo diễn Trần Lực là một trong những sân khấu xã hội hóa thành công ở khu vực phía Bắc với những vở diễn mang đậm chất thể nghiệm và cả hiện thực gai góc. |
Một dòng chảy riêng
Trong khi đó, mặc dù đến Sài Gòn sớm hơn nhưng kịch nghệ phương Tây vẫn khó “bén rễ” trên quê hương cải lương. Từ thập niên 1950 - 1960 đã có ban kịch Dân Nam hoạt động chuyên nghiệp, rồi đến ban Kịch Kim Cương, Thẩm Thúy Hằng, Đen Trắng, Sống… nhưng chủ yếu diễn hỗ trợ chương trình chiếu phim và quay kịch truyền hình.
Trong đó, Kịch Kim Cương đã gầy dựng cho mình một phong cách riêng với những vở kịch tâm lý xã hội khai thác sâu về thân phận người phụ nữ, về người mẹ như: “Trà hoa nữ”, “Nước mắt con tôi”, “Sắc hoa màu nhớ”, “Cuối đường hạnh phúc”, “Huyền thoại mẹ”, “Bông hồng cài áo”, “Dưới hai màu áo”… Đặc biệt, vở kịch kinh điển “Lá sầu riêng” như “đóng đinh” thương hiệu Kịch Kim Cương trong lòng khán giả yêu kịch miền Nam suốt bao năm qua.
|
"Lá sầu riêng" là vở diễn kinh điển góp phần làm nên thương hiệu Kịch Kim Cương. |
|
Kịch Kim Cương với phong cách đặc trưng về nội dung lẫn phương thức biểu diễn là một dòng chảy đầy nữ tính góp thêm sắc màu cho sân khấu Nam bộ trong bức tranh chung của kịch nghệ Việt Nam. |
Sau ngày đất nước thống nhất, sân khấu kịch nói 2 miền có dịp giao thoa khi các chuyến lưu diễn qua lại giữa nghệ sĩ hai miền Nam - Bắc tạo cơ hội cho người làm nghề thấy được đời sống sân khấu phong phú và đặc trưng riêng giữa các vùng miền, từ đó tiếp thu tinh hoa lẫn nhau bồi đắp kịch nghệ nước nhà.
NSND Trần Minh Ngọc cho biết chính sự giao lưu và học hỏi lẫn nhau giữa nghệ sĩ hai miền Nam Bắc, dung hòa được hình thức biểu diễn bài bản, học thuật của kịch miền Bắc với lối diễn chân phương, mộc mạc của kịch miền Nam đã góp phần tạo nên phong cách biểu diễn hiện đại và đầy cảm xúc của sân khấu kịch Việt Nam hôm nay.
|
Đoàn Kịch Nam bộ từ miền Bắc trở về làm nòng cốt xây dựng Đoàn Kịch Cửu Long giang, tiền thân Nhà hát Kịch TPHCM, đã mang nhiều vở diễn hay như: Chuông đồng hồ điện Kremlin, Hòn đảo Thần Vệ Nữ, Nhà Búp bê... đến với khán giả TPHCM. |
Đặc biệt, sau năm 1975, sân khấu kịch nói TPHCM đã có bước chuyển mình mạnh mẽ. Với sự hội tụ lực lượng từ Đoàn kịch Nam bộ từ miền Bắc trở về, các nghệ sĩ từ chiến khu ra cùng lực lượng nghệ sĩ tại chỗ và sự thành lập Trường Đại học Sân khấu II (tiền thân của Đại học Sân khấu - Điện ảnh TPHCM hiện nay). Những giảng viên chủ đạo đã được đào tạo ở các nền sân khấu tiên tiến, như: Bích Lân, Tường Trân, Ca Lê Hồng, Đoàn Dũng, Trần Minh Ngọc…bồi dưỡng nên lớp diễn viên tinh hoa là: Thành Lộc, Minh Hoàng, Thanh Hoàng, Việt Anh, Hữu Châu, Hồng Vân, Quốc Thảo, Thanh Thủy, Phương Linh…
Chính từ sự năng động của lực lượng nghệ sĩ mới này, CLB Sân khấu thể nghiệm 5B (sau này là Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ) ra đời, mở đường cho hoạt động xã hội hóa sân khấu của TP (ra đời trước cả Nghị quyết 90-CP của Chính phủ về phương hướng và chủ trương xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa ban hành vào 21/8/1997) với hàng loạt thương hiệu sân khấu được khẳng định về sau, như: IDECAF, Hồng Vân, Hoàng Thái Thanh, Thế giới Trẻ, Kịch Sài Gòn…
|
Địa chỉ 5B Võ Văn Tần được xem là "cái nôi" của sân khấu xã hội hóa TPHCM. |
|
Nhà hát Kịch Sân khấu Nhỏ nỗ lực giữ tôn chỉ khuyến khích các hình thức thể nghiệm, sáng tạo trong dàn dựng. | |
|
Kịch Hồng Vân cố gắng cân bằng giữa yếu tố thị trường và chất lượng nghệ thuật trong nhiều tác phẩm. |
|
Sân khấu Kịch Trịnh Kim Chi tích cực tạo cơ hội làm nghề cho các diễn viên trẻ. |
|
Sân khấu Hoàng Thái Thanh được đánh giá là sân khấu hoạt động chất lượng với thế mạnh là những vở diễn tâm lý - xã hội đi sâu vào nội tâm con người. |
|
Vở diễn "Tiên Nga" của Sân khấu IDECAF - một trong những sân khấu kịch xã hội hóa đầu tiên của TP vẫn còn hoạt động hiệu quả đến nay - đã đạt giải Nhất Giải thưởng Văn học nghệ thuật TPHCM 5 năm - lần 2 là sự công nhận xứng đáng đóng góp của sân khấu xã hội hóa cho nền văn nghệ TP nhiều năm qua. |
Trải qua giai đoạn phát triển đỉnh cao mà Liên hoan Sân khấu xã hội hóa toàn quốc 2006 là sự ghi nhận cao nhất đối với người làm sân khấu xã hội hóa, chủ yếu là sân khấu kịch, thì sân khấu TPHCM lại dần rơi vào khủng hoảng với sức ép ngày càng lớn của cơ chế thị trường.
Chưa kịp tìm thấy lối ra qua cơn khủng hoảng thì sân khấu kịch TP lại đứng trước nguy cơ “mất trắng khán giả” vì “tắt đèn” quá lâu do ảnh hưởng đại dịch COVID-19 suốt 2 năm qua.
Chờ “trời cứu” chi bằng tự cứu lấy mình, gượng dậy qua những tổn thương, lại thấy những Nhà hát Sân khấu Nhỏ, Sân khấu Hoàng Thái Thanh, Kịch Hồng Vân… chiêu sinh tiếp tục tìm kiếm, đào luyện những tài năng diễn xuất cũng như nuôi dưỡng tình yêu sân khấu cho những người có lòng, chuẩn bị sẵn sàng ngày trở lại thật vững vàng mừng tuổi bách niên của sân khấu kịch Việt Nam.
Chào mừng kỷ niệm 100 năm sân khấu kịch nói Việt Nam, hòa cùng không khí Tuần lễ kịch nói Việt Nam tại Hà Nội, Hội Sân khấu TPHCM tổ chức tọa đàm nghệ thuật ôn lại những dấu ấn đặc biệt của sân khấu kịch nói Việt Nam nói chung và sân khấu kịch nói TPHCM nói riêng. Đảm bảo các nguyên tắc phòng dịch, tọa đàm được quay hình trong các ngày 20 và 22/10 và được phát trên các nền tảng số của Sở Văn hóa, Thể thao TPHCM, Trung tâm Ca nhạc nhẹ TPHCM và Tổ hợp sản xuất truyền thông số - Dugital Media Hub vào 20g ngày 26/10 tới. | Các khách mời sẽ trao đổi về nhiều chủ đề góp phần làm rõ diện mạo kịch nói Việt Nam cũng như kịch nói TPHCM qua 100 năm |
Tham gia tọa đàm, NSND Kim Cương, NSND đạo diễn Trần Minh Ngọc và NSƯT Thành Lộc đã ôn lại sự kiện vở kịch “Chén thuốc độc” của nhà văn - nhà viết kịch Vũ Đình Long ra mắt tại sân khấu Nhà hát Lớn Hà Nội 100 năm trước đây, tạo bước ngoặt lịch sử cho nền sân khấu Việt Nam. Sự kiện đánh dấu công cuộc “Việt hóa” một loại hình sân khấu hiện đại tiếp nhận từ phương Tây và qua quá trình phát triển, tiếp thu chọn lọc cùng những sáng tạo riêng đã hình thành nên kịch nói Việt Nam – loại hình sân khấu vừa hiện đại vừa mang đậm dấu ấn văn hoá dân tộc. Ngoài ra, còn có các khách mời là NSND Trần Ngọc Giàu, NSƯT Ca Lê Hồng, Giám đốc Sân khấu IDECAF Huỳnh Anh Tuấn, NSƯT Mỹ Uyên - Giám đốc Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ TPHCM, NSƯT Thành Hội, tác giả Trần Văn Hưng, Phó giám đốc Nhà hát kịch TPHCM Trần Quý Bình cùng bàn luận về thực trạng, đề ra giải pháp và thể hiện niềm tin vào sân khấu kịch nói Việt Nam trở lại mạnh mẽ sau đại dịch, tiếp tục là người đối thoại thân thiết và đáng tin cậy của công chúng Việt Nam thế kỷ XXI. |
Đông A