Kịch nói TP.HCM: Cần những tác phẩm chạm đến vấn đề công chúng quan tâm

27/06/2022 - 19:27

PNO - "Vấn đề của sân khấu hiện nay là chưa chinh phục được khán giả, ngay từ khâu đầu tiên là sáng tác".

Trước tình hình khó khăn của sân khấu kịch nói thành phố, Ban Lý luận Phê bình Hội Sân khấu TP.HCM đã tổ chức tọa đàm chủ đề “Sân khấu TP.HCM - Nội lực sân khấu kịch nói hiện nay" vào ngày 24/6, nhằm đánh giá thực trạng và quan trọng hơn tìm hướng đi cho sân khấu kịch trong tương lai. 

Vở nhạc kịch Tiên Nga của sân khấu IDECAF thuộc số ít tác phẩm sân khấu được đầu tư công phu từ kịch bản, đạo diễn đến công tác tổ chức biểu diễn
Vở nhạc kịch Tiên Nga của sân khấu IDECAF thuộc số ít tác phẩm sân khấu được đầu tư công phu từ kịch bản, đạo diễn đến công tác tổ chức biểu diễn

Tháo gỡ từ vấn đề kịch bản

“Cách đây vài ngày, tôi được xem vở báo cáo thi tốt nghiệp ngành diễn viên của học trò cố đạo diễn Vũ Minh, càng nhận ra nguồn nội lực biểu diễn của thành phố rất dồi dào. Diễn viên bây giờ không chỉ diễn xuất tâm lý, mà còn làm được nhiều thứ (ca hát, nhảy múa, hoạt náo…). Nhưng vấn đề của sân khấu (SK) hiện nay là chưa chinh phục được khán giả, ngay từ khâu đầu tiên là sáng tác” - NSND Trần Minh Ngọc nói.

Theo NSND Trần Minh Ngọc, các tác giả hiện nay dường như vẫn đi tìm sự an toàn, mà an toàn thì không ăn khách. Rất cần những tác giả đủ dũng cảm vượt qua mốc an toàn để mang đến những kịch bản bứt phá, đối thoại được với công chúng về những vấn đề công chúng quan tâm, chứ không chỉ mãi quanh quẩn hài kịch sinh hoạt, quăng bắt mảng miếng.

Đạo diễn Quốc Thảo cho rằng người làm SK  hiện nay rất dễ bị “bào mòn” tình yêu và đam mê. Trở lại sau đại dịch, SK Quốc Thảo có khởi sắc, nhưng cũng chỉ là những vở diễn thị trường vui vui, chứ cũng không dám đầu tư dựng vở nghệ thuật. “Mà đầu tư rồi thì diễn ở đâu, và liệu có được duyệt không nếu đánh thẳng vào những vấn đề gai góc của xã hội?” - đạo diễn Quốc Thảo cho rằng chế độ duyệt vở hiện nay không phù hợp với thực tiễn phát triển của SK. 

“Có cảm giác nghệ sĩ phải luôn đối phó, làm mà cứ sợ động cái này chạm cái kia, thành ra cứ thỏa hiệp cho “đúng định hướng”. Một thời khán giả say mê kịch Lưu Quang Vũ vì những vấn đề mang tầm thời đại được nêu ra và thẳng thắn nhìn nhận, mổ xẻ. Nghệ thuật thì phải đi trước, chứ cứ lẽo đẽo theo sau thời đại thì không thể phát triển” - đạo diễn Quốc Thảo nêu suy nghĩ.

Vở Công lý như mặt trời được sân khấu 5B dựng từ kịch bản Kỳ án xứ mặt trời của tác giả Vương Huyền Cơ được xếp loại A tại trại sáng tác của Hội Sân khấu TP.HCM năm 2016
Vở Công lý như mặt trời được sân khấu 5B dựng từ kịch bản Kỳ án xứ mặt trời của tác giả Vương Huyền Cơ được xếp loại A tại trại sáng tác của Hội Sân khấu TP.HCM năm 2016

Tác giả Vương Huyền Cơ cũng nhiều lần chia sẻ việc “đổi mới tư duy” từ các cấp quản lý. “Ở trên có thoáng thì ở dưới sẽ thông. Cần tạo điều kiện cho tác giả tự do viết điều mình nghĩ, điều mình muốn truyền đạt đến mọi người. Công cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay là “không có vùng cấm”, thì tác giả cũng cần được như vậy, chứ không phải “tự kiểm duyệt” như hiện nay…”, tác giả Vương Huyền Cơ nói. 

Tác giả Vương Huyền Cơ chia sẻ: “Đơn cử như viết kịch bản tuyên truyền. Mà tuyên truyền không có nghĩa là tô hồng một màu, là lên gân hô khẩu hiệu. Tuyên truyền hiệu quả nhất là thể hiện thông điệp một cách ý nhị, sâu sắc và tác động trực tiếp đến cảm xúc, nhận thức người xem. Phải làm cho người xem tin câu chuyện mình đang kể. Một người lính lập nhiều chiến công thì cũng là con người, cũng có những phút yếu lòng, có vài tật xấu nào đó. Chứ lúc nào cũng một hình tượng không tỳ vết thì đó là tượng đài rồi, không còn là nhân vật SK nữa”.

Nhà báo Nguyễn Chương cho rằng cần có cơ chế mới cho việc hỗ trợ lực lượng sáng tác, để có kịch bản đáp ứng thị hiếu khán giả. Cụ thể là một quỹ đầu tư kịch bản, hoạt động theo cơ chế thị trường có định hướng. Quỹ đầu tư này sẽ làm việc với từng SK, thành lập ban tuyển chọn kịch bản (gồm các ông bà bầu SK, người phụ trách nghệ thuật của đơn vị và đại diện quỹ), để chọn lựa đề cương kịch bản và góp ý tác giả hoàn thành kịch bản. Theo nhà báo Nguyễn Chương, hiệu quả của cách làm này là kịch bản được nghiệm thu, đồng nghĩa sẽ được dựng ngay sau đó, do có sự phối hợp với đơn vị SK nên nắm bắt được thị trường, thị hiếu đối với từng đơn vị.

Cậu đồng là một trong những vở diễn ăn khách nhất trên Sân khấu IDECAF hơn 20 năm qua mà kịch bản là một trong những yếu tố thu hút nhất - Ảnh: Linh Đoan.
Cậu đồng là một trong những vở diễn ăn khách nhất trên Sân khấu IDECAF hơn 20 năm qua mà kịch bản là một trong những yếu tố thu hút nhất - Ảnh: Linh Đoan.

Cần sự chung tay

Nhiều năm qua, có những sự mâu thuẫn âm ỉ trong giới làm nghề. Các ông bà bầu vẫn than thở về chuyện khó kiếm kịch bản hay, trong khi trại sáng tác vẫn được tổ chức đều đặn hằng năm. Chưa bàn đến kịch bản từ trại sáng tác có đáp ứng được yêu cầu của các SK hay không, thì nỗ lực kết nối hai bên dường như đã bị bỏ qua. Phó Chủ tịch Hội SK TP.HCM Tôn Thất Cần cho biết: Hội đã nhiều lần mời đại diện các SK tham gia các trại sáng tác và ban tuyển chọn kịch bản để tìm tiếng nói chung, tạo điều kiện trao đổi kết nối cung - cầu giữa các SK và lực lượng sáng tác, nhưng phần lớn đều từ chối tham gia.

Theo tác giả Vương Huyền Cơ, dường như các đơn vị mặc định rằng kịch bản từ trại sáng tác thường theo chủ đề tuyên truyền khó biểu diễn kiếm doanh thu nên không mấy mặn mà. Nhưng thực tế, ngoài một số trại sáng tác đặc thù của các đơn vị công an, quân đội, hoặc có định hướng sáng tác cho các dịp kỷ niệm lớn, còn lại gần như không giới hạn đề tài, và kịch bản thu hoạch được cũng khá phong phú nội dung. Nhưng ngay cả khi tác giả chủ động gửi kịch bản đến các SK cũng không dễ kết nối. 

“Tôi không ngại ai chê kịch bản của mình, nhưng cần một sự phản hồi rõ ràng. Rằng kịch bản đạt hay không đạt, có phù hợp với đơn vị không, có yêu cầu chỉnh sửa gì không? Cứ trao đổi thẳng thắn, chứ bặt vô âm tín, rồi khi tác giả hỏi lại thì vòng vo từ chối khéo, thậm chí còn chưa đọc qua, thì cớ gì cứ than thiếu kịch bản hay?” - tác giả Vương Huyền Cơ nói.

Nhiều người cho rằng, các sân khấu nên có một tác giả thường trực - kết hợp với một tác giả hợp gu đơn vị mình. Như kịch bản của tác giả Lê Hoàng thường được dựng và thành công ở Sân khấu IDECAF mà mới đây nhất là vở Alô! Lộ hàng.
Nhiều ý kiến cho rằng, các sân khấu nên có một "tác giả thường trực" - kết hợp với một tác giả "hợp gu" đơn vị mình. Như kịch bản của tác giả Lê Hoàng thường được dựng và thành công ở Sân khấu IDECAF mà mới đây nhất là vở "Alô! Lộ hàng".

Ngoài ra, giữa đạo diễn và tác giả kịch bản cũng có những khúc mắc khó nói. Nhiều vở công diễn trên SK đã khác xa kịch bản ban đầu, đôi khi chỉ còn lại tên nhân vật và chủ đề chính. Tác giả thì trách “không còn nhìn ra đứa con tinh thần của mình”, nhưng đạo diễn cũng có nỗi khổ riêng khi “không sửa thì không thể dựng được”. “Có những vở, đạo diễn gần như sửa lại toàn bộ kịch bản, nhưng khi ra mắt, được khen thì là do kịch bản của tác giả đó hay, tên tác giả trước nhất, thù lao cũng cao hơn, còn không như mong đợi thì thành đạo diễn phá kịch bản” - một đạo diễn chia sẻ và mong muốn có một sự thấu hiểu, thông cảm lẫn nhau giữa đạo diễn và biên kịch trong mỗi dự án, để tìm tiếng nói chung cho một tác phẩm chất lượng nhất.

“Lực lượng làm nghề của chúng ta dồi dào nhưng chưa đoàn kết” - NSƯT Lê Thiện nhận định, và cho rằng khi thực sự đoàn kết, chung tay phát huy trí tuệ, sức sáng tạo, thì SK TP.HCM sẽ lại tìm được đường đi đúng. 

Đông A

Cần đổi mới phương thức hoạt động trại sáng tác

Trả lời câu hỏi về việc trại sáng tác có hiệu quả hay không, NSND Trần Ngọc Giàu - Chủ tịch Hội SK TP.HCM - cho biết: Các trại sáng tác đã có lịch sử hàng 50 - 70 năm kể từ khi có nền nghệ thuật cách mạng. Rất nhiều kịch bản hay đã ra đời từ trại sáng tác. Những năm gần đây, chất lượng trại sáng tác không cao như trước là vì đội ngũ sáng tác mỏng hơn, điều này cũng phản ánh thực trạng SK hiện nay (những năm qua gần như vắng bóng tác giả cải lương tham gia trại sáng tác).

Theo ông Trần Ngọc Giàu, các trại sáng tác vẫn cần thiết, chỉ là cần đổi mới hoạt động làm sao thiết thực, gần gũi hơn, khơi gợi sự sáng tạo, dấn thân của đội ngũ sáng tác nhiều hơn. Thực tế, đầu tư cho trại không cao, chỉ là tạo điều kiện cho các tác giả có thể thoải mái sinh hoạt, trao đổi nghiệp vụ, góp ý cùng nhau để hoàn chỉnh kịch bản. “Và chỉ có ở trại sáng tác là tác giả có thể viết mà “không bị đặt hàng”. Các tác giả có thể viết thoải mái, ôm ấp một đề tài nào đó và viết thỏa mãn chính mình. Những kịch bản đó có thể chưa dựng được ở thời điểm hiện tại, mà chờ cơ hội phù hợp để đến với công chúng. Có cả những kịch bản giá trị văn học rất cao, nhưng để dàn dựng thì lại rất khó, thậm chí gần như không dựng được, nhưng vẫn tồn tại như một tác phẩm văn học…” - ông Trần Ngọc Giàu nói.

Từng tham gia nhiều trại sáng tác và có các kịch bản từ trại được dàn dựng, tác giả Vương Huyền Cơ cho rằng trại sáng tác là sự nỗ lực lớn nhằm hỗ trợ tác giả viết. Nhưng tác phẩm có thành công hay không, thì phải là sự tự thân chất lượng kịch bản, và cả cơ duyên gặp nhau giữa kịch bản và ê-kíp phù hợp. "Chỉ là rất cần một sự công tâm trong lựa chọn kịch bản dự trại. Đừng để kiểu văn hóa xin cho, ban phát, vị nể ảnh hưởng đến chất lượng trại sáng tác” - tác giả Vương Huyền Cơ thẳng thắn chia sẻ

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI