Sự nở rộ của hàng loạt lớp dạy kỹ năng sống theo kiểu chém gió, phát động phong trào, đã ngốn không ít tiền bạc của phụ huynh và thời gian của học sinh. Nay, lại nở rộ những lớp “kích hoạt não” với học phí trên trời dưới đất và hàng loạt những đứa trẻ ngồi trong những phòng học kín bưng, tối, lạnh với những trò mò mẫm đoán màu, đọc chữ trong khi mắt bị bịt kín mít.
Chuyện vớ vẩn đến buồn cười, và nhiều rủi ro đến mức gây nguy hiểm cho trí óc non nớt của trẻ thơ, vậy mà nhiều bậc cha mẹ vẫn chuyền nhau thông tin, vẫn đưa con đến để được “kích hoạt não giữa”! Không biết bao nhiêu đứa trẻ đã qua những khóa học này, và có ai theo dõi xem những thiên tài tội nghiệp ấy đã học, đã sống như thế nào sau những ngày bị “kích hoạt”?
Công bằng mà nói, nghe bảo con mình là một thiên tài, con mình có những khả năng siêu nhiên, chỉ cần “kích hoạt” một cái là thiên tài ấy sẽ bừng nở, ai mà không thích. Những lời quảng cáo có cánh đã đánh vào lòng thương con của cha mẹ, đánh vào mơ ước nuôi con giỏi giang, tài năng. Bởi vậy, nhiều cha mẹ đã bỏ ra gần chục triệu bạc cho một khóa học hai ngày nhằm biến con mình thành một thần đồng.
Xét cho cùng, sự đầu cơ tình cảm, đầu cơ tương lai của trẻ như vậy là độc ác, không chỉ ở chỗ cha mẹ tốn kém, mà còn ở chỗ tạo một ảo tưởng cho cả cha mẹ và trẻ, ảo tưởng về năng lực vượt trội hơn chúng bạn, ảo tưởng về thiên tài đã thức dậy trong mình.
Mà rồi hãy xem, những thiên tài ấy, được “kích hoạt não giữa” bởi các chuyên gia của trung tâm huấn luyện này, có thể làm được những gì? Theo các quảng cáo nổ tung trên mạng, thì sau khóa học này những đứa trẻ từ 6 đến 15 tuổi có thể “dịch chuyển đồng xu, xúc xắc, uốn cong dây điện bằng năng lượng não bộ”, có thể “bịt mắt mà vẫn nhìn thấy, cảm nhận đầy đủ mọi vật chung quanh, thực hiện nhiều hoạt động như làm toán, đánh cờ, đi xe đạp”, có thể “đọc và hiểu sách cực nhanh, khoảng sáu phút cho một quyển sách 300 trang...”.
|
Lớp học kích hoạt não giữa. Ảnh minh họa. |
Đó là những tài năng sao? Tại sao lại phải phí phạm năng lực của não bộ vào những việc như dịch chuyển con xúc xắc, hay uốn cong dây điện - những việc mà bất cứ đứa trẻ bình thường nào cũng có thể phẩy tay một cái là xong? Tại sao không dùng bàn tay một cách tự nhiên, lại phải dùng não để làm những việc vốn đã được cơ thể mặc định là dùng sức mạnh của cơ bắp?
Không hề có một cơ sở khoa học, một sự hợp lý cơ bản nào cho những chuyện này, ngoại trừ những câu chữ, lời lẽ chém gió được vay mượn thêm cho ra vẻ khoa học, khó hiểu, đánh lừa những bậc cha mẹ cả tin, ít hiểu biết.
Sâu xa, động cơ, và cả quán tính của những chuyện này, có lẽ là tâm lý “đi tắt”, “ăn xổi”, đang bắt rễ ngày một sâu trong xã hội. Người ta hoa mắt trước những hiện tượng có tiền một cách nhanh chóng, có tiền mà không cần lao động tích lũy cực nhọc trong thời gian dài. Cái giàu xổi đó đang biến tướng thành “giỏi xổi”, giỏi mà không cần bỏ công sức ý chí ra để học tập, rèn luyện. Đi đường nào ngang tắt, nhưng nhanh hơn người khác là đi, làm việc gì không chính đáng, nhưng có tiền nhanh là làm, lòng hám lợi khiến người ta bất chấp tất cả.
Edison tổng kết cuộc đời bác học của mình rằng “thiên tài là 1% thiên phú và 99% mồ hôi, công sức lao động”. Nay chỉ cần hai ngày kích hoạt phần não giữa nào đó trong não bộ của trẻ con, là thành những nhà bác học đoạt giải Nobel. Kể ra thiên tài cũng rẻ!
Xã hội đã nếm nhiều đòn đau, và hiện đang quá sức chịu đựng đối với các loại thuốc tăng trọng, tăng trưởng, kích thích được bơm vào, nhồi vào thực phẩm, nhu yếu phẩm qua mọi con đường. Nay, có thể coi đây cũng là một loại kích thích tăng trưởng, để nếu có xảy ra thật, cũng khiến đứa trẻ bỗng lớn vọt lên, những khả năng nào đó bị nở phồng đột biến, sau đó có thể bị thối rữa, xẹp xuống, bị trở thành bất bình thường. Xin hãy tỉnh táo.
Phần lớn những người tin vào chuyện vớ vẩn này là các bà mẹ. Ông bà dạy “dục tốc bất đạt”. Thương con kiểu này cũng như hại con. Trẻ ở trong lớp là để học hành, chơi với bạn, học hỏi từ giáo viên, cần gì trẻ ở trong lớp mà phải biết bố mẹ ở nhà đang làm gì? Sao phải hành tội con mình phân chia trí não? Trời cho con mắt biết đọc chữ, biết nhìn màu, nhưng tri thức trong chữ nghĩa ấy, trang sách ấy, phải tích lũy qua bồi dưỡng từng ngày, qua suy luận, cảm nhận, phân tích, thì mới có thể thành hiểu biết của mỗi người. Sao phải bắt trẻ đọc một cuốn sách 300 trang trong vòng sáu phút? Rồi đứa trẻ sẽ nhận được gì từ cuốn sách ấy?
Cơ quan chức năng rõ ràng đang lỏng lẻo trong quản lý, dù có lên tiếng ở đây ở kia về việc không cấp phép cho các lớp học này, không có nghiên cứu khoa học cho các loại kích hoạt này. Thêm vào đó là sự hoang tưởng của cha mẹ. Và đáng lên án nhất là sự hám lợi của công ty đào tạo: chỉ trong một thời gian ngắn, bốn thành phố lớn trên cả nước đã có mạng lưới của các lớp học này, và công ty vẫn đang thông báo “nhượng quyền toàn quốc” - một phương pháp được quảng cáo là dày công nghiên cứu, rất khoa học và bí ẩn, lại được nhượng quyền dễ dàng như một nồi nước phở!
Dưới những trò ảo thuật, những lời quảng cáo rủ rê đường mật, những đứa trẻ của chúng ta đang bị hóa thành chuột bạch. Ai định đem con mình ra làm vật thí nghiệm, xin hãy kịp thời dừng lại. Đừng kích thích não trẻ tăng trưởng đột biến, hãy để trẻ được lớn lên một cách bình yên, não bộ, trí tuệ và cơ thể được phát triển đồng bộ. Đừng vì lòng tham tối tăm của người lớn mà nhẫn tâm khai thác trẻ em, tận thu đến hết những năng lực đã được tự nhiên để dành cho cả cuộc đời con người.
Lập Phương