Kịch giới tính hay trò câu khách?

18/09/2014 - 15:33

PNO - PN - Không chỉ có tên nghe khá "hot": Mùi da người (TG: Đăng Duy-Thùy Dương, ĐD: Đăng Duy) - vở diễn mới nhất này ở sân khấu (SK) sao Minh Béo lập tức gây chú ý bởi những hình ảnh quảng cáo khá mát mẻ và thông tin “kịch giới tính có...

edf40wrjww2tblPage:Content

Kich gioi tinh hay tro cau khach?
Mùi da người khiến nhiều người lo ngại bởi quá nhiều hình ảnh nóng từ tờ rơi quảng cáo đến sàn diễn

Vở diễn có cách đặt vấn đề khá tốt, là lời cảnh tỉnh cho giới trẻ về tác hại của lối sống sa đọa, đồng thời nhắc nhở người lớn không chỉ cần dành thêm thời gian để quan tâm, chăm sóc, giáo dục con cái mà còn phải biết cung cấp cho con những bài học về giới tính đầy đủ và chính xác. Tiếc rằng, với ý tưởng đó, cách dẫn dắt của tác giả, đạo diễn lại sa đà, lệch lạc.

Vở diễn xây dựng các nhân vật chính là một nhóm học sinh “còn một tuổi nữa mới đến tuổi vị thành niên” (theo lời thoại của nhân vật Quỳnh Chi). Thế nhưng, ngoài một Quỳnh Chi trong sáng, hồn nhiên đến… ngớ ngẩn thì tất cả những người bạn khác lại sành sõi đến bất ngờ. Đó là Cường - không chỉ quan hệ với một cô gái giang hồ mà còn biết mua thuốc kích dục pha vào nước để âm mưu hãm hại bạn gái trong một lần đi cắm trại. Là Phi Anh đầy mưu mô.

Để chia rẽ Tài và người yêu, Phi Anh đã khéo léo sắp đặt cuộc hẹn, nhờ người quay clip nhằm đưa Tài vào tròng để khống chế Tài bằng những clip nóng giữa chính cô và Tài. Cách Phi Anh “mồi chài” Tài, những động tác hình thể mô tả cảnh nóng giữa Phi Anh và Tài ở ngay SK hay khuất sau tấm phông cảnh trí… có nằm mơ cũng không thể nghĩ đó là trẻ vị thành niên!

Thắc mắc không có lời giải xuyên suốt vở diễn: nhóm trẻ này là ai? Nếu là bạn cùng lớp thì những người như Tài và Quỳnh Chi khó có thể kết thân với những người như Cường, Phi Anh và nhóm của họ để lúc nào cũng xuất hiện cùng nhau. Có lẽ ngay từ khi đặt bút viết kịch bản, tác giả đã bỏ qua những yếu tố về thời gian, không gian, xuất thân, độ tuổi… của các nhân vật. Thay vào đó, đích nhắm lại là làm sao có thể tạo ra những tình huống kịch ăn khách.

Không xác định chính xác nhân vật, tác giả khó có thể phân tích một cách thấu đáo đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi, suy nghĩ, cảm xúc, hành động… để đưa ra những tình huống, hành động phù hợp, thuyết phục người xem. Chính điều này khiến vở diễn vừa thiếu tính nhất quán, vừa diễn giải một cách thô vụng, thiếu logic, thậm chí rơi vào lối câu khách đơn thuần bằng cảnh nóng, bằng lối ăn mặc hở hang của các nhân vật được cho là tuổi teen!

Vở diễn gần như chỉ xoay quanh những cuộc ăn chơi trác táng, những mưu toan chiếm đoạt bạn gái của một nhóm bạn trẻ, những mối tình tay ba… Hai nhân vật được cho là đại diện cho người lớn để cảnh tỉnh lớp trẻ cũng làm người xem ngờ ngợ với những cái tên: cô giáo Thảo và chú Kim! Lớp diễn cho cô Thảo trong bộ bikini, quấn khăn tắm xuất hiện trên SK nói những điều nhảm nhí, thậm chí trèo xuống hàng ghế khán giả càng làm không ít người giật mình vì độ bình dân quá mức của vở diễn.

Bày ra quá nhiều thứ trên sàn diễn, Mùi da người khép lại bằng cái kết vội vàng, nhất là sự thay đổi từ ác quỷ thành thiên thần chỉ trong... “hai nốt nhạc” của Phi Anh. Những điều phi lý nối tiếp suốt vở diễn khiến lời kêu gào "xin người lớn hãy cứu chúng con, hãy quan tâm đến chúng con…" ở cuối vở rơi tõm vào hư vô.

Vẫn biết SK Sao Minh Béo được xây dựng nhắm đến đối tượng là khán giả bình dân, do vậy yêu cầu về kịch bản và dàn dựng cũng không đòi hỏi quá cao. Trên thực tế, một số vở diễn ở đây ít nhiều đã đáp ứng được tiêu chí này như Bóng ma nhà họ Mãn, Đổi vợ đổi chồng, Một xác hai mạng… Tuy nhiên, đừng quên rằng bình dân không có nghĩa là hạ thấp thị hiếu của khán giả hay cố tình câu khách bằng những chiêu trò “dưới mức bình dân”! Ranh giới này rất mong manh, đòi hỏi những người thực hiện phải hết sức tỉnh táo.

 Thảo Vân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI