Kích cầu tiêu dùng để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh

30/09/2023 - 06:18

PNO - Các chương trình kích cầu, giảm thuế của Nhà nước là tốt nhưng cần triển khai nhanh chóng bởi DN phải có tiền mới tạo công ăn việc làm, thu nhập cho người lao động.

 Theo ông Nguyễn Thanh Tuấn - Giám đốc Công ty gỗ VAM Furniture - khi người dân mua hàng hóa nhiều, hoạt động sản xuất ổn định, DN mới dám vay vốn. Do đó, giải pháp hiện nay là kích cầu thị trường nội địa. 

Ông cho rằng, để kích cầu thị trường, nên tạo điều kiện cho thị trường bất động sản phân khúc bình dân khởi sắc trở lại, kéo theo các ngành gỗ, nhựa, xây dựng khởi sắc theo: “Đừng vì một số DN có nợ xấu mà ngại cho các DN khác vay vốn. Lãnh đạo ngân hàng nên tăng cường tiếp xúc với DN để thẩm định, cho vay đúng đối tượng. DN nào có đơn hàng thì ngân hàng nên xem xét, thẩm định, tạo điều kiện cho họ hoạt động”. 

Ông Phạm Hải Long - Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm nông sản xuất khẩu Sài Gòn (Agrex Sài Gòn) - đề nghị các cơ quan nhà nước tiếp tục cải cách hành chính mạnh mẽ hơn. Hiện nay, DN muốn xin giấy phép xây dựng, giấy phép về phòng cháy, chữa cháy, định giá đất… nhưng cơ quan quản lý còn né tránh, đùn đẩy trách nhiệm thẩm định, phê duyệt, gây khó cho DN, từ đó khiến dòng tiền khó lưu thông, ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của nền kinh tế.

Còn theo ông Phạm Quang Anh - Giám đốc Công ty May mặc Dony - DN không có nhu cầu vay nhưng có nhu cầu giảm bớt nợ, giãn nợ. Vay ngân hàng cũng giống như mua sản phẩm tiêu dùng, lãi suất thấp chắc chắn sẽ kích thích DN mạnh dạn vay để đầu tư. Ông cũng đồng tình với giải pháp kích cầu tiêu dùng để thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh. Thái Lan kích cầu thông qua việc sẽ chi 16 tỉ USD cho 55 triệu người trưởng thành trong 6 tháng tới (282 USD/người) để thúc đẩy chi tiêu và đầu tư trong nước. Chính phủ nước này cũng sẽ cắt giảm giá năng lượng, giãn nợ cho nông dân và DN nhỏ, miễn phí thị thực cho du khách và cấp thị thực nhanh cho khách nhập cảnh tham gia các sự kiện quốc tế. 

Ông Nguyễn Ngọc Hòa - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM (HUBA) - thông tin, đơn hàng xuất khẩu chỉ mới có lại nhưng là đơn hàng ngắn hạn nên đa phần DN không có nhu cầu vay vốn để mở rộng sản xuất. Một số DN được đối tác yêu cầu “xanh hóa” hoạt động sản xuất, cần vay vốn để đổi mới công nghệ, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số nhưng đang chờ được hỗ trợ từ chính sách. Hiện HĐND TPHCM đã đưa chương trình chuyển đổi xanh, chuyển đổi số vào danh mục được vay từ nguồn quỹ kích cầu đầu tư, có hỗ trợ lãi suất nhưng muốn tham gia chương trình, các DN cần xây dựng dự án khả thi, có kế hoạch sản xuất, kinh doanh hiệu quả. 

Để “xanh hóa”, DN phải chuyển từ năng lượng hóa thạch sang năng lượng tái tạo bằng cách đầu tư hệ thống mặt trời áp mái. Theo ông Nguyễn Ngọc Hòa, để DN mạnh dạn vay vốn đầu tư, tối ưu hóa nguồn vốn thì Nhà nước phải có kế hoạch mua lại nguồn năng lượng mặt trời này. Ông cho rằng, các chương trình kích cầu, giảm thuế của Nhà nước là tốt nhưng cần triển khai nhanh chóng bởi DN phải có tiền mới tạo công ăn việc làm, thu nhập cho người lao động.

Thanh Hoa 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI