Kích cầu - giảm thuế VAT 2% là chưa đủ

21/04/2023 - 06:36

PNO - “Khách đến chợ chủ yếu mua rau, thịt, cá, đồ dùng thiết yếu. Có những ngày, các quầy bánh kẹo, quần áo, đồ gia dụng không bán được sản phẩm nào” - một tiểu thương chợ truyền thống ở quận 1, TPHCM than. Các chuyên gia cho biết để có thể kích cầu, cần thêm nhiều giải pháp bên cạnh việc giảm thuế.

Người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu 

Chị Thu Hiền - chủ sạp Hiền Lan ở chợ Tân Định (quận 1, TPHCM) - cho biết, các sạp ế khách là do người dân lúc này rất tiết kiệm chi tiêu. Các sạp chỉ mong gặp khách Việt kiều bởi họ mạnh tay mua sắm, nhưng loại khách hàng này chỉ đông vào dịp tết Nguyên đán và dịp hè. Theo chị, ở chợ này, chỉ các quầy bán rau, thịt, cá, đồ dùng thiết yếu mới bán được, còn những quầy khác đều ế ẩm. 

Sau gần 2 năm kể từ đợt cao điểm dịch COVID-19 (tháng 8/2021), chợ An Đông (quận 5, TPHCM) đã có khách nước ngoài mua sắm trở lại nhưng cũng chỉ ghé khu kinh doanh thực phẩm, quà lưu niệm. Các khu kinh doanh quần áo, đồ trang sức hầu như chỉ có chủ sạp và nhân viên bán hàng ngồi tán gẫu. 

Chủ sạp bánh kẹo Thiên Thiên trong chợ An Đông nói, du khách cũng ít mua sắm hơn so với trước đây. Họ đắn đo rất lâu mới chịu mua và chỉ mua với số lượng ít. Còn theo chủ sạp quần áo Bình Dung trong chợ này, sức mua tại sạp giảm hơn 70%. Theo chị, các tiểu thương cũng chịu khó bán hàng online, cải tiến mẫu mã, giảm giá nhưng vẫn không có khách. 

Ông Nguyễn Thanh Phước - Trưởng ban quản lý chợ Minh Phụng (quận 6, TPHCM) - thông tin, sức mua sắm ở toàn chợ giảm hơn 40% so với trước đây. Do kinh doanh ế ẩm nên số tiểu thương đóng sạp, nghỉ kinh doanh ngày càng nhiều. Chợ có 318 sạp nhưng chỉ hơn 200 sạp còn kinh doanh. 

Sức mua ở các chợ, siêu thị… đều đang giảm thấp. Các chuyên gia nhận định cần nhiều biện pháp kích cầu đồng bộ mới có thể tạo được hiệu quả (ảnh chụp tại siêu thị Emart Phan Văn Trị, quận Gò Vấp, TPHCM) - ẢNH: N.CẨM
Sức mua ở các chợ, siêu thị… đều đang giảm thấp. Các chuyên gia nhận định cần nhiều biện pháp kích cầu đồng bộ mới có thể tạo được hiệu quả (ảnh chụp tại siêu thị Emart Phan Văn Trị, quận Gò Vấp, TPHCM) - Ảnh: N.Cẩm

Chợ Bàu Cát (quận Tân Bình, TPHCM) có 551 sạp, cũng chỉ 280 sạp còn kinh doanh, trong đó có 80-90 sạp kinh doanh thực phẩm. Bà Nguyễn Thị Xuân Mai - Trưởng ban quản lý chợ này - nói: “Vô chợ, chỉ thấy người bán, không thấy người mua. Sức mua giảm là do thu nhập của người dân giảm nhưng giá hàng hóa không giảm, kể cả khi có chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) 2% trong năm 2022”.

Giảm VAT là chưa đủ 

Ông Nguyễn Hữu Nam - Phó giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh TPHCM - nhận định, việc Chính phủ đồng ý giảm VAT từ 10% xuống còn 8% theo đề xuất của Bộ Tài chính áp dụng đến hết năm nay sẽ góp phần giảm giá thành sản phẩm, nhưng trong bối cảnh hiện tại, cần mức giảm sâu hơn nữa mới đủ sức kích thích tiêu dùng. Đồng thời, cần phải giám sát xem có giảm thực sự không, người tiêu dùng có được hưởng lợi hay không? Việc hoàn thuế VAT cũng cần nhanh chóng để tạo dòng tiền cho doanh nghiệp tái sản xuất. 

Theo ông, giá hàng hóa, thực phẩm đang có sự chênh lệch quá lớn từ nơi sản xuất đến tay người tiêu dùng. Giá heo tại chuồng chỉ 50.000-60.000 đồng/kg nhưng giá bán ở chợ lên 180.000 đồng/kg, ở siêu thị hơn 200.000 đồng/kg. Trong khi sức mua chắc chắn không cao. Do đó, cần phải thiết lập, quản lý các chuỗi cung ứng, giảm bớt các khâu trung gian để giảm giá bán xuống.

Ông Nguyễn Hữu Nam cho rằng, chính quyền TPHCM nên tập trung kích cầu tiêu dùng ở phân khúc có thu nhập trung bình trở xuống bởi đây là nhóm khách hàng đắn đo nhiều trong tiêu dùng và cũng chiếm số đông (90% tổng số người tiêu dùng). Nên có giải pháp mạnh mẽ để hàng hóa của doanh nghiệp Việt đến tận khu công nghiệp, khu nhà trọ công nhân, thay thế hàng ngoại không rõ nguồn gốc. Phải làm tốt khâu kiểm soát thị trường để giảm hàng gian, hàng nhập lậu, tạo môi trường cho doanh nghiệp nội địa kinh doanh bình đẳng, giải quyết hàng tồn.

“Một bộ phận giới trẻ hiện nay có xu hướng hoạt động về đêm, thích la cà quán xá vào buổi tối hơn là vào các siêu thị, trung tâm thương mại. Việc phát triển kinh tế đêm một cách phong phú, đặc sắc như Thái Lan sẽ vừa kích thích tiêu dùng ở nhóm khách trẻ, vừa thu hút khách du lịch quốc tế” - ông Nguyễn Hữu Nam đề xuất. 

Còn theo tiến sĩ Nguyễn Thanh Trọng - Phó hiệu trưởng Trường đại học quốc tế Miền Đông - cần kích cầu đầu tư ở cả khu vực công lẫn tư để tạo ra nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Đó sẽ là chìa khóa để thúc đẩy tăng trưởng. Để thúc đẩy đầu tư công, cần có cách tiếp cận mới và tạo ra đột phá, trong đó chú trọng thể chế, chính sách và con người. Để kích cầu đầu tư tư nhân, phải có giải pháp giúp doanh nghiệp giảm chi phí vốn. 

Chi phí vay vốn giảm không chỉ kích thích đầu tư của doanh nghiệp mà còn tạo điều kiện thuận lợi để người dân vay tiêu dùng, đầu tư vào nhà ở, qua đó tác động tích cực lên thị trường bất động sản, ngành xây dựng và nhiều ngành sản xuất khác.

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Trọng cho rằng, xu hướng tiêu dùng ở nhiều nước đã có những thay đổi theo hướng chú trọng tiêu dùng xanh, sản phẩm thân thiện với môi trường, tiêu dùng vừa phải, hạn chế phát thải và lãng phí, giao dịch và thanh toán trên không gian mạng. Xu hướng chung này tạo ra khó khăn, thách thức nhất định cho các doanh nghiệp duy trì mô hình sản xuất và kinh doanh truyền thống. 

“Doanh nghiệp và ngành nào bắt kịp xu hướng, đi đúng hướng thì sẽ phát triển và mở rộng thị trường. Do đó, cần có những chính sách, hoạt động khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp chuyển đổi mô hình sản xuất, kinh doanh, tiếp cận và mở rộng thị trường phù hợp với xu hướng mới” - tiến sĩ Nguyễn Thanh Trọng nói. 

Các siêu thị tại TPHCM đồng loạt khuyến mại dịp lễ 30/4 - 1/5

Hầu hết các hệ thống siêu thị và một số doanh nghiệp thực phẩm tại TPHCM công bố giảm giá hàng hóa, khuyến mại… trong dịp lễ Giỗ tổ Hùng Vương và 30/4 - 1/5.

Chương trình do Sở Công Thương TPHCM phát động nhằm thu hút đông đảo người tiêu dùng, du khách trong và ngoài nước mua sắm, tiêu thụ hàng hóa; tăng cường kết nối giữa các doanh nghiệp sản xuất với các hệ thống phân phối nhằm góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh. Theo đó, từ 20/4 - 10/5, gần 800 điểm bán của Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TPHCM (Saigon Co.op) tổ chức nhiều chương trình giảm giá, tặng quà… ở đại siêu thị Co.opXtra, chuỗi cửa hàng thực phẩm an toàn Co.op Food, Co.op Smile và các mô hình bán lẻ khác. Trong đó, hệ thống Co.opmart dự kiến giảm giá hơn 27.000 mặt hàng nhân dịp sinh nhật của hệ thống này. Các nhóm hàng thực phẩm tươi sống, thực phẩm công nghệ, thức ăn nhanh, nước giải khát, mì gói… được khuyến mại, giảm giá với số lượng lớn. 

Hệ thống MM Mega Market áp dụng chương trình giá sỉ (mức giá ưu đãi như giá tại các chợ đầu mối), bình ổn giá cho hơn 40 mặt hàng tươi sống như các loại thịt heo, thịt gà, thịt bò, hải sản và đa dạng rau củ, trái cây… 

Hệ thống LOTTE Mart từ 19/4 đến 3/5 sẽ triển khai chương trình khuyến mãi “Mừng đại lễ giảm vô kể”, giảm giá nhiều mặt hàng nhu yếu phẩm thiết yếu. Những khách hàng là thành viên của hệ thống siêu thị này có hóa đơn từ 700.000 đồng còn được mua các sản phẩm giảm giá khác như trái cây (nho xanh không hạt Úc, xoài cát chu xanh, xoài cát Hòa Lộc…), thịt heo…

Các doanh nghiệp thực phẩm nằm trong chương trình bình ổn thị trường của TPHCM cũng giảm giá trực tiếp trên nhiều sản phẩm bán ra. Chẳng hạn, mặt hàng trứng gà size S (hộp 10 quả) đang được Công ty Ba Huân áp dụng giảm giá 20% trong thời gian từ tháng 4 đến tháng 6/2023. Trong tháng Năm tới, công ty giảm giá cánh gà (500g/vỉ) 30%; đùi gà góc tư (500g/vỉ) giảm 25%. Công ty cổ phần Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt giảm giá từ 10 - 20% một số sản phẩm trứng gia cầm. Công ty cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ Súc Sản (VISSAN) giảm giá 20% cho một số sản phẩm thịt heo tươi như nạc đùi vai, cốt lết; chân/bắp giò heo (mỗi tháng giảm giá 1 sản phẩm) áp dụng trong 3 tháng (từ tháng 4 - 6/2023). Công ty TNHH San Hà giảm giá từ 7-15 sản phẩm chân gà công nghiệp, gà ta Ngọc Hà trong tháng Tư này.

Quang Bình

Thanh Hoa

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI