Kịch bản nào cho nền kinh tế Việt Nam?

15/04/2020 - 07:06

PNO - Một giáo viên người Anh cầm tấm bảng xin tiền; nhiều người chạy xe tay ga đến những điểm phát đồ từ thiện để nhận đồ ăn… Dù có những nghi hoặc về những người phải cầu đến sự viện trợ nhưng cũng có thể thấy, COVID-19 đang tác động xấu đến kinh tế của nhiều đối tượng trong xã hội.

Cần quan tâm đến dân nghèo ở đô thị 

Khi mới xảy ra dịch bệnh, người ta chỉ nghe nông dân các nơi than khó vì nông sản làm ra không thể tiêu thụ, phải kêu gọi giải cứu, thì nay, lại nghe thị dân kêu ca nhiều hơn.

Hàng quán, dịch vụ đóng cửa, việc đi lại hạn chế khiến nhiều người phải ngừng việc hoặc mất việc làm, trong khi vẫn phải chi tiêu. Khi xảy ra khủng hoảng kinh tế, người dân sống ở thành thị bị tác động nhanh hơn vì không thể tự cung, tự cấp thực phẩm như ở vùng nông thôn. 

Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2020 chỉ đạt 3,82%, thấp nhất trong vòng 10 năm qua. Tăng trưởng quý II dự kiến còn thấp hơn nhiều
Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2020 chỉ đạt 3,82%, thấp nhất trong vòng 10 năm qua. Tăng trưởng quý II dự kiến còn thấp hơn nhiều

Phó giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Đức Thành - người sáng lập Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) - cho rằng, ở Việt Nam, nơi vẫn còn nhiều vùng nông thôn rộng lớn, đại bộ phận người dân vẫn có khả năng chống chọi trong cuộc khủng hoảng kinh tế. Nhiều người ra thành phố làm việc, gặp biến cố dịch bệnh, có thể quay về nông thôn.

Nhóm dễ tổn thương nhất là nhóm dân nghèo thành thị. Họ không có nhiều cơ sở chống đỡ như ở nông thôn, cơ hội làm việc không nhiều. Điều này có thể gây ra những khó khăn trực tiếp cho họ và có thể nảy sinh những vấn đề tiêu cực trong xã hội, như vi phạm an ninh trật tự. 

Ở những đô thị lớn của Trung Quốc, Mỹ, chính quyền cấp hẳn tiền mặt cho người dân. Biện pháp cứu trợ như vậy mới “đủ liều” khi nền kinh tế “ngã bệnh”. Việt Nam cũng có ba gói cứu trợ nền kinh tế, trong đó có gói hỗ trợ tiền tệ, an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng.

Nhiều người đặt câu hỏi, sao không dùng gói này phát tiền mặt cho dân nghèo dùng. Tiến sĩ Thành cho rằng, Việt Nam khó áp dụng cách hỗ trợ này vì ngân sách còn hạn chế. Ngoài ra, rất dễ nảy sinh tệ nạn nhũng nhiễu, tham nhũng hoặc hỗ trợ sai đối tượng khi phát tiền trực tiếp tới người dân, doanh nghiệp vừa và nhỏ. 

Kinh tế đã “ngã bệnh”

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tăng trưởng kinh tế Việt Nam quý I/2020 chỉ đạt 3,82%, bằng một nửa so với mục tiêu và là mức tăng thấp nhất trong 10 năm qua. Phó giáo sư - tiến sĩ Phạm Thế Anh - chuyên gia về kinh tế của VEPR - cảnh báo, quý II năm nay, mức tăng trưởng còn tệ hơn do hiện nay, mọi người đang phải cách ly toàn xã hội.

Những tác động mạnh từ chính sách chống dịch COVID-19 với nền kinh tế rơi vào quý II khi nhiều ngành nghề phụ thuộc vào xuất khẩu hoặc xuất khẩu tại chỗ như du lịch, hàng không, khách sạn, nhà hàng… gần như ngừng hoạt động.

Hầu hết các dự báo đều cho rằng, quý II/2020 kinh tế sụt giảm mạnh hơn khi nhiều ngành hàng xuất khẩu ngưng trệ
Hầu hết các dự báo đều cho rằng, quý II/2020 kinh tế sụt giảm mạnh hơn khi nhiều ngành hàng xuất khẩu ngưng trệ

Không ai phủ nhận, Việt Nam đang làm rất tốt công tác chống dịch COVID-19, nhiều quốc gia coi Việt Nam là hình mẫu chống dịch hiệu quả. Mức tăng trưởng 3,82% trong quý I thấp, nhưng cũng là con số đáng mơ ước của nhiều quốc gia ở thời điểm này.

Chính phủ đã công bố các gói hỗ trợ tín dụng như gói 250.000 tỷ đồng và gói hỗ trợ tài khóa 30.000 tỷ đồng (còn gọi là gói gia hạn thuế và tiền thuê đất, hiện đã nâng lên thành 180.000 tỷ đồng), gói hỗ trợ tiền tệ, an sinh xã hội khoảng 62.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cho rằng, điều này chưa đủ, cần có những kịch bản cho nền kinh tế ngay cả trong thời điểm cả nước dồn sức chống dịch.

Tiến sĩ Phạm Sỹ Thành - Giám đốc chương trình nghiên cứu kinh tế Trung Quốc của VEPR - cảnh báo, kinh tế Việt Nam và thế giới đang đối mặt với đợt khủng hoảng mới, nguy hiểm hơn. Nếu như đợt khủng hoảng tài chính hơn 10 năm trước bắt đầu từ lĩnh vực tài chính, lan dần sang bất động sản, chứng khoán thì lần này, mọi lĩnh vực, ngành nghề đều bị ảnh hưởng.

Theo tiến sĩ Thành, bản chất của nền kinh tế Việt Nam là gia công, phụ thuộc rất nhiều vào nguồn nguyên phụ liệu từ Trung Quốc, Hàn Quốc, ASEAN… rồi sản xuất, chế biến để xuất khẩu sang châu Âu, Mỹ, Nhật. Dịch COVID-19 khiến 14 tỉnh thành lớn nhất của Trung Quốc (chiếm 70% GDP của Trung Quốc) ngưng trệ sản xuất, ảnh hưởng nặng đến đầu vào các ngành nghề của Việt Nam.

Trung Quốc, Hàn Quốc dần khống chế được dịch bệnh, khó khăn đầu vào cũng nhẹ bớt nhưng đầu ra là các thị trường nhập khẩu lớn như châu Âu, Mỹ, Nhật đều đang là tâm dịch COVID-19 của thế giới nên nhiều doanh nghiệp Việt Nam không thể xuất khẩu.

Theo tiến sĩ Thành, Việt Nam hầu như lo tập trung vào đối phó với dịch bệnh mà thiếu đi các chính sách rõ ràng để khôi phục kinh tế. Dù Chính phủ có nhiều kế hoạch về tài khóa, tiền tệ, xuất khẩu, nhưng các chính sách này đều không có trọng tâm. Rất khó để nhận biết Chính phủ sẽ tập trung vào lĩnh vực, ngành nghề nào.

Đại dịch đã bước vào tháng thứ tư, nhưng các chính sách được triển khai khá chậm. Chúng ta mới lên phương án hỗ trợ tài chính nhưng chưa gói nào thực sự được giải ngân, các chính sách tài khóa cũng chưa triển khai, chính sách hỗ trợ vẫn nằm trên giấy. “Quy mô, tốc độ, đích ngắm, chúng ta đều rất thiếu” - tiến sĩ Thành đánh giá.

Ba kịch bản tăng trưởng kinh tế

VEPR đưa ra ba kịch bản kinh tế năm 2020 dựa trên khả năng kiểm soát dịch bệnh. Kịch bản lạc quan nhất là chúng ta khống chế hoàn toàn được dịch COVID-19 vào giữa tháng Năm. Khi đó, kinh tế bắt đầu phục hồi vào nửa cuối quý II và bắt đầu từ cuối quý III cho đến hết năm, các ngành có thể quay lại mức tăng trưởng như những năm trước đây. Tăng trưởng quý II có thể là -3,3%, nhưng các quý sau sẽ tăng mạnh, quý III là 7,2%, quý IV là 7,4% và cả năm đạt 4,2%. 

Kịch bản thứ hai là, dịch bệnh kéo dài và chỉ được khống chế hoàn toàn vào nửa sau quý III/2020, hoạt động kinh tế trở lại bình thường ngay sau đó. Mức tăng trưởng quý II sẽ là -4,9%, quý III là -1,1%, quý IV là 7% và cả năm là 1,5%. 

Các nhóm ngành nhập khẩu nguyên liệu về gia công bị ảnh hưởng cả đầu vào lẫn đầu ra.
Các nhóm ngành nhập khẩu nguyên liệu về gia công bị ảnh hưởng cả đầu vào lẫn đầu ra. Ảnh chế biến hạt điều tại Đồng Nai.

Kịch bản xấu nhất là dịch bệnh kéo dài và chỉ được khống chế hoàn toàn vào cuối năm, kinh tế bắt đầu phục hồi từ nửa cuối quý IV/2020. Với kịch bản này, tăng trưởng kinh tế quý II là -5,1%, quý III là -5,3%, quý IV là 2,8% và cả năm là -1%. 

Để ứng phó với các tình huống này, các chuyên gia VEPR cho rằng, các chính sách đưa ra phải theo cấp độ về dịch bệnh (chia thành các cấp độ chính sách “hỗ trợ” và “cứu trợ”). Tuy nhiên, trong mọi hoàn cảnh, phải tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp còn khả năng hoạt động. Đồng thời, có phương án thích ứng, vừa sản xuất, vừa phòng chống dịch bệnh, tránh ngăn sông cấm chợ cực đoan ở một số địa phương hay đột ngột ngừng xuất khẩu gạo như mới đây. 

Tiến sĩ Phạm Thế Anh cho rằng, cần ưu tiên các chính sách an sinh xã hội và không nên vội vã khuyến khích tín dụng. Ưu đãi vốn vay phải đảm bảo phương án kinh doanh khả thi để tránh nợ xấu. Bên cạnh đó, cần thúc đẩy đầu tư công đi kèm tiết kiệm chi thường xuyên tối thiểu 10%. 

Trước lo ngại lượng tiền từ các gói hỗ trợ có thể gây ra lạm phát, nhóm nghiên cứu của VEPR cho rằng, khả năng có lạm phát mạnh trong năm nay không nhiều, vì lượng cung tiền giảm do nhiều hoạt động kinh tế phải tạm dừng. Khi qua dịch, nền kinh tế tái hoạt động, sẽ làm lưu chuyển tiền tệ tăng lên. Khi đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ có cách rút tiền cơ sở lại hoặc có các biện pháp kiểm soát tổng lượng cung tiền nên lạm phát có thể kiểm soát được. 

Nếu cứu trợ một cách cực đoan, tiền sẽ chảy vào các lĩnh vực như bất động sản, thị trường tài sản, chứng khoán, có thể gây ra lạm phát về giá cả của những thị trường đó một cách cục bộ rồi lan ra. Đó là những hệ lụy mà chúng ta đã từng gặp năm 2012 khi bơm tiền tương đối cực đoan để đối phó với cuộc khủng hoảng vài năm trước đó. 
Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia kinh tế - cho rằng, tất cả các chính sách tiền tệ và tài khóa phải đồng bộ, có kế hoạch, biện pháp giải quyết. Nếu chỉ tung một lượng tiền ra rồi yêu cầu các ngân hàng khoanh nợ, giãn nợ, giúp doanh nghiệp có tiền… là chưa đủ. Cần phải giải quyết vấn đề từ yếu tố con người. Doanh nghiệp phải sản xuất, kinh doanh, tìm kiếm đơn hàng để duy trì hoạtđộng, phải giữ được người lao động, giúp họ vượt qua khó khăn để trở lại làm việc. 

Đăng Thư

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI