Sau bàn tròn Bỏ rơi sân khấu thiếu nhi - trách nhiệm thuộc về ai? do Báo Phụ Nữ TP.HCM tổ chức cuối tháng 5/2019, Sở Văn hóa và Thể thao (VH-TT) TP.HCM đã đánh giá lại các hoạt động văn hóa nghệ thuật phục vụ thiếu nhi, đồng thời cùng Thành Đoàn TP.HCM rà soát kết quả phối hợp giữa hai cơ quan trong việc chăm lo cho thiếu nhi. Sở cũng đưa ra nhiều kế hoạch, giải pháp dài hơi nhằm đáp ứng nhu cầu giải trí lành mạnh của thiếu nhi.
Phóng viên Báo Phụ Nữ TP.HCM đã trao đổi với bà Nguyễn Thị Thanh Thúy - Phó giám đốc Sở VH-TT TP.HCM - về hướng đi của sân khấu (SK) dành cho lứa tuổi này.
|
Bà Thanh Thuý- Phó giám đốc Sở VH-TT TP.HCM |
* Phóng viên: Qua rà soát thực tế về SK dành cho thiếu nhi, Sở VH-TT TP.HCM nhận định ra sao về thực trạng SK thiếu nhi hiện nay?
- Bà Nguyễn Thị Thanh Thúy: Hằng năm, các đơn vị nghệ thuật công lập và ngoài công lập đã xây dựng các chương trình nghệ thuật gồm nhiều thể loại phục vụ cho thiếu nhi như chương trình nghệ thuật tổng hợp, xiếc, rối, kịch, cải lương, hát bộ, đờn ca tài tử, biểu diễn tại SK Sen Hồng, rạp xiếc Công viên Gia Định, biểu diễn tại các quận huyện ngoại thành, trường học. Các khu vui chơi giải trí như Đầm Sen, Lê Thị Riêng, Suối Tiên... cũng thường xuyên thực hiện các chương trình nghệ thuật cho khán giả nhỏ tuổi.
Nội dung chương trình nhìn chung phong phú, lành mạnh phù hợp với lứa tuổi trẻ thơ nhưng do hạn chế về kinh phí, chưa có sự nghiên cứu, đầu tư nên những chương trình nghệ thuật đặc sắc chưa nhiều. Bên cạnh đó, hoạt động sáng tác cho thiếu nhi còn nhiều hạn chế, các đơn vị khó khăn trong việc tìm kiếm kịch bản hay để dàn dựng. Một hạn chế nữa là cơ sở vật chất chuyên nghiệp, đảm bảo cho những sản phẩm nghệ thuật chất lượng cao dành riêng cho thiếu nhi hiện còn rất thiếu.
* Các đơn vị công lập có điều kiện tài chính lẫn cơ sở vật chất nhưng nhiều năm vẫn đứng ngoài cuộc. Sắp tới, sở có những giải pháp nào để các nhà hát không bỏ quên thiếu nhi?
- Tăng sức hút cho các sản phẩm SK thiếu nhi là nội dung được chỉ đạo đẩy mạnh trong năm 2019. Các chương trình nghệ thuật do Trung tâm Tổ chức biểu diễn và Điện ảnh thực hiện trước sảnh Nhà hát TP.HCM được xây dựng hướng nhiều đến thiếu nhi với các loại hình: âm nhạc dân tộc kết hợp trình diễn võ nhạc, ca múa nhạc thiếu nhi phối hợp xiếc, ảo thuật, hòa tấu kèn đồng.
Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang đã lên kế hoạch phục dựng vở cải lương đề tài lịch sử Lê Công kỳ án để vừa biểu diễn tại nhà hát, vừa đưa vào chương trình SK học đường. Vở cải lương thiếu nhi đề tài dân gian Gạo vẫn là gạo cũng dự kiến ra mắt đầu quý III/2019. Cùng thời điểm, Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam sẽ công diễn chương trình xiếc Kỳ tích phương Nam.
Từ đầu tháng 7/2019, Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam phối hợp với Thành Đoàn TP.HCM thực hiện 10 suất diễn chương trình nghệ thuật tổng hợp tại nhà thiếu nhi của năm huyện ngoại thành, trong khuôn khổ chương trình phục vụ nông thôn mới. Cũng trong kế hoạch phối hợp với Thành Đoàn TP.HCM, sẽ có chương trình nghệ thuật được xây dựng để biểu diễn ở Nhà Thiếu nhi TP.HCM, sau đó luân phiên biểu diễn phục vụ tại nhà văn hóa thiếu nhi các quận, huyện.
|
Aladin lạc vào xứ sở Đầm Sen - vở nhạc kịch dành cho thiếu nhi biểu diễn suốt mùa hè tại công viên Đầm Sen |
* SK Sen Hồng từng là điểm hẹn cuối tuần của thiếu nhi, nhưng càng về sau, các chương trình càng đơn điệu, thiếu hấp dẫn. Khi có điểm diễn mới, Sen Hồng sẽ có gì khác trước?
- Sở đang đề xuất UBND TP.HCM đầu tư cải tạo rạp Công Nhân, di dời SK Sen Hồng về địa điểm này. SK Sen Hồng sẽ tập trung xây dựng các chương trình đa dạng, thường xuyên thay đổi để phục vụ thiếu nhi và biểu diễn đan xen với các hoạt động của Nhà hát Kịch TP.HCM. Về lâu dài, các chương trình của SK Sen Hồng sẽ luân phiên biểu diễn hằng tuần tại nhà thiếu nhi các quận, huyện chứ không chỉ tập trung tại rạp Công Nhân.
* Liệu các chương trình phục vụ miễn phí cho thiếu nhi có rơi vào tình trạng làm cho đủ chỉ tiêu?
- Từ đầu năm 2019, sở đã triển khai kế hoạch đổi mới hoạt động biểu diễn phục vụ ngoại thành, tập trung nâng cao chất lượng các chương trình nghệ thuật phục vụ nhân dân vùng sâu, vùng xa. Công tác tổ chức, tuyên truyền, quảng bá và nội dung chương trình nghệ thuật có nhiều thay đổi để vừa phục vụ nhiệm vụ chính trị, vừa mang tính giải trí, gần gũi với các đối tượng khán giả. Qua ba tháng thực hiện, các chương trình dù kinh phí không quá cao nhưng nhận được sự hưởng ứng của các nghệ sĩ tên tuổi, đã thu hút rất đông khán giả và được lãnh đạo các cơ quan, ban ngành địa phương đánh giá tốt. Chúng tôi tiếp tục xây dựng các chương trình mới cho từng quý từ đây đến cuối năm.
* Trong bàn tròn do Báo Phụ Nữ TP.HCM tổ chức, có ý kiến đề nghị sở đề xuất kinh phí để tổ chức biểu diễn phục vụ thiếu nhi. Sở tiếp thu ý kiến này thế nào và liệu có thể làm ngay?
- Để bổ sung đề mục kinh phí, cần phải có đánh giá toàn diện thực tiễn, bổ sung nội dung hoạt động mới. Khi hoạt động biểu diễn đã đi vào trọng tâm, phục vụ đúng đối tượng và đạt được kết quả bước đầu khả quan như đã nói ở trên, tôi cho rằng, việc cần làm lúc này là linh hoạt, năng động trong cách tổ chức biểu diễn để tăng số lượng và chất lượng các suất diễn cho thiếu nhi mà chưa cần tính đến giải pháp tăng kinh phí.
* Ngoài những việc cần làm ngay trong mùa hè này, sở có kế hoạch nào mang tính chiến lược?
- Sở đang nghiên cứu, trao đổi với các đơn vị liên quan để xây dựng đề án “SK thiếu nhi”, tập trung đầu tư lĩnh vực SK (kịch, cải lương, nhạc kịch). Chúng tôi mong muốn đề án này sẽ có sự hợp tác của nhiều đơn vị với các loại hình nghệ thuật đa dạng, phong phú.
* Xin cảm ơn bà.
Thảo Vân (thực hiện)