Kịch bản giảm môn thi THPT quốc gia liệu có ổn?

17/04/2020 - 07:36

PNO - Bộ GD-ĐT vừa trình Chính phủ phương án thi THPT 2020. Một trong hai phương án là nếu học sinh đi học trước ngày 15/6 thì kỳ thi THPT quốc gia vẫn có thể được tổ chức, trong đó xem xét giảm độ khó đề thi và giảm số môn thi.

Tuy nhiên, từ học sinh, giáo viên đến chuyên gia giáo dục đã có những ý kiến trái chiều.

Xét đại học môn nào chọn thi môn đó?

Từ mấy tuần nay, cả ngày, Nguyễn Phương Anh, học sinh Trường THCS - THPT Lương Thế Vinh (TP.Hà Nội), học trực tuyến theo thời khóa biểu trên lớp, tối tranh thủ luyện các đề thi năm trước để củng cố kiến thức. “Đề thi thì vô số, nhưng sợ nhất là dùi mài đủ các môn để mong thi đạt điểm cao mà Bộ GD-ĐT lại công bố giảm bớt trúng môn mình đã ôn thì... tiếc”, Phương Anh nói. 

Học sinh lớp 12 mong mỏi Bộ GD-ĐT sớm có phương án thi THPT quốc gia năm nay - Ảnh: Thanh Thanh
Học sinh lớp 12 mong mỏi Bộ GD-ĐT sớm có phương án thi THPT quốc gia - Ảnh: Thanh Thanh

Lo lắng về kỳ thi sắp tới, Phương Anh chia sẻ, nếu có thể thì thí sinh chọn khối nào để xét tuyển đại học sẽ đăng ký dự thi khối đó và lấy điểm ba môn thi cùng với học bạ để xét tốt nghiệp. Còn nếu yêu cầu thí sinh thi đủ ba môn văn, toán, ngoại ngữ thì những thí sinh dự thi khối D sẽ có lợi thế nhất, những thí sinh thi khối A (toán, lý, hóa) mà bắt thi thêm văn, tiếng Anh cũng khó. Hay những thí sinh dự thi khối C (văn, sử, địa) mà yêu cầu thi thêm toán, tiếng Anh thì cũng làm khó thí sinh.

Về vấn đề giảm môn thi, thầy Hà Thái Bình, Hiệu trưởng Trường THPT Bình Sơn (H.Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc), nhận định: “Nếu để nói giảm môn thi thế nào hợp lý nhất và đảm bảo quyền lợi cho 100% thí sinh thì khó vì sẽ tồn tại sự bất công giữa các khối thi”.

Theo thầy Bình, phương án khả quan nhất là bắt buộc thi ba môn văn, toán, ngoại ngữ, đưa vào cùng với điểm học bạ để xét tốt nghiệp. Còn về tổ hợp môn khoa học tự nhiên và khoa học xã hội có thể giảm một môn trong mỗi tổ hợp, thí sinh chỉ phải ôn bảy môn thi thay vì chín môn như năm ngoái. Tất nhiên, thí sinh sẽ được đăng ký giảm môn nào vì còn liên quan đến tổ hợp môn xét tuyển đại học.

Có một số ý kiến cho rằng, nên cho thí sinh được lựa chọn ba môn bất kỳ để thi, dùng điểm ba môn đó xét tốt nghiệp cũng là tổ hợp để xét tuyển đại học thì học sinh sẽ đỡ áp lực. Về vấn đề này, thầy Hà Thái Bình cho rằng: “Học theo sở thích và học để thi là một chuyện, bên cạnh đó học sinh phải có một lượng kiến thức cơ bản tối thiểu ở các môn học để đảm bảo yêu cầu giáo dục toàn diện. Tôi không tán thành việc cho học sinh chọn ba môn thế mạnh nhất để thi lấy kết quả xét tốt nghiệp và tuyển sinh đại học”.

Nên giảm tải kiến thức trong đề thi

“Tôi nghĩ việc giảm môn thi trong tình hình hiện nay không tối ưu và đảm bảo quyền lợi cao nhất cho thí sinh bằng việc giảm tải kiến thức trong đề thi”, tiến sĩ Lê Viết Khuyến, Trưởng ban Hỗ trợ chất lượng đại học Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, nêu quan điểm. 

Ông phân tích, từ đầu năm học sinh khối 12 đã mặc định là thi chín môn trong kỳ thi THPT quốc gia như năm trước, bây giờ nếu bỏ sẽ làm mất động lực học tập của học sinh. Đó là chưa kể đến sự thiếu công bằng giữa các khối thi, nếu bỏ thì bỏ thi môn nào là hợp lý và dựa trên tiêu chí nào? Dù tiêu chí nào đi nữa, giảm bớt môn thi THPT quốc gia cũng tạo nên sự bất công nhất định giữa các thí sinh thi các khối khác nhau.

Theo Bộ GD-ĐT, hiện nay, chương trình học kỳ II của lớp 12 đã được tinh giản. Nội dung phần tinh giản sẽ không có trong đề thi. Về vấn đề xem xét giảm số môn thi, bộ đang giao Cục Quản lý chất lượng xây dựng các tiêu chí và phương án giảm môn thi nên thời điểm này chưa có quyết định cụ thể. Tuy nhiên, về phía thí sinh, Phương Anh cho hay: “Dù có thi THPT quốc gia hay không, giảm môn hay giữ nguyên môn thi như những năm trước, hay giảm môn nào thì điều tôi mong nhất là Bộ GD-ĐT đưa ra quyết định sớm”.

Đại Minh

 

 
Học sinh lớp 12 mong mỏi Bộ GD-ĐT sớm có phương án thi THPT quốc gia năm nay - Ảnh: Thanh Thanh

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI