PNO - Khi ở trong một thảm họa như đại dịch mà thế giới đang phải đối mặt, người ta vẫn luôn có lòng tin một ngày nào đó con người sẽ được giải thoát, nếu biết hướng về các giá trị căn bản của lòng vị tha.
Vào thời điểm bộ phim ra đời năm 1997, có lẽ ai cũng đã biết về sự kết thúc của con tàu “không thể chìm” trên chuyến hải hành duy nhất của nó. Thế nhưng, Titanic theo James Cameron có lối kể chuyện và hiệu ứng bậc thầy, khiến khán giả không che giấu sự tò mò từ những thước phim khởi đầu cho đến khung hình cuối cùng, để kết thúc câu chuyện mà người ta đã biết chính xác cái gì sẽ xảy ra.
Tàu Titanic rời cảng Southampton (Anh) trước sự tưng bừng cổ vũ của đám đông mang theo hơn 2.200 hành khách hướng về New York (Mỹ). Con tàu có kích thước bằng ba sân bóng đá, cao 18 tầng đã bị gãy đôi rồi chìm vào rạng sáng 15/4/1912 ở mạn bắc Đại Tây Dương, do đâm phải một tảng băng trôi.
Ngoài lộng khung và giải thích toàn bộ hành trình của con tàu “đen lộng lẫy” nhất trong lịch sử nhân loại, đạo diễn đã “cứu độ” bi kịch của nó bằng mối tình gần gũi nhất mọi thời đại. Tuy nhiên, sự lãng mạn ấy rất dễ trở thành một sáo ngữ mệt mỏi nhằm lồng ghép vào truyền thuyết Titanic, nếu bộ phim không chứa đựng những khoảnh khắc hùng vĩ, phấn khích, hài hước, kịch tính, bệnh hoạn theo cách riêng của từng nhân vật. Họ đều to lớn hơn chính cuộc sống, nhưng vẫn đủ con người để thận trọng tái tạo lại cái chết của con tàu với tất cả sự bi tráng nhưng ngập tràn hy vọng.
Có lẽ sau hơn 22 năm, chuyện phim đã quá “giáo khoa” với các tín đồ điện ảnh, chúng ta sẽ không bao giờ ngừng quan tâm đến Jack Dawson (do Leonardo DiCaprio thủ vai) và Rose DeWitt Bukater (Kate Winslet). Trong khi Jack tự do như gió, phóng khoáng hệt như những bức vẽ khỏa thân cô điếm cụt chân, người đàn bà trang sức hay chính người tình mang “trái tim đại dương” của anh, thì Rose là một linh hồn bị nhốt. Nàng oằn mình dưới sức nặng của lòng tham, hợm hĩnh từ người mẹ và vị hôn phu. Chàng họa sĩ lang thang nắm giữ chìa khóa và giải thoát cô tiểu thư trong sáng để cả hai dang tay “bay cao” ở mũi con tàu vĩ đại, trong tiếng nhạc đệm My heart will go on, tất cả trở thành biểu tượng tình yêu muôn thuở.
DiCaprio và Winslet có sức hấp dẫn khủng khiếp với các thế hệ người xem, khi họ bị cuốn vào giữa các giá trị thực thụ của tình yêu, lòng quả cảm với phía còn lại là sự hợm hĩnh khó ưa của thế giới đầy “thứ bậc” quanh mình. Không chỉ giành lấy sự cuồng loạn thường thấy trong những bộ phim thảm họa, Titanic đặc biệt tinh tế khi có nhiều nhân vật phụ như những họa tiết bày ra nhằm đề cao phẩm giá, hoặc nhổ toẹt vào cái cách chúng ta lựa chọn sống và chết như thế nào.
Đặc biệt, khi sự kinh hoàng kéo đến, tôi tin chắc mỗi người cũng sẽ chìm vào con tàu sắp lao thẳng xuống đại dương, để thấy ai đó chính là mình. Sự tái hiện cái chết khủng khiếp của con tàu - mà phải mất hai giờ rưỡi để chìm hẳn - theo tôi, chỉ để từng người tự hỏi mình sẽ là ai, sẽ làm gì trong hoàn cảnh đó?
Khi sự lãng mạn chuyển sang hành động, các nhân vật phải uốn cong mọi cơ bắp, xuất hiện những tên dù lên tàu với tư cách khoang hạng nhất hay hạng bét, cũng đều bắt đầu tranh giành chỗ trên xuồng cứu sinh với phụ nữ và trẻ em, những người chọn đối diện cái chết như một quý ông…
“Trong một tiếng nữa, tất cả những điều này sẽ ở dưới đáy Đại Tây Dương”, ta thấy ánh mắt tuyệt vọng của nhà đóng tàu lừng danh Thomas Andrew, người đã tạo ra Titanic tráng lệ. Dù bàng hoàng khó tin, ông cũng như thuyền trưởng Smith nhìn chằm chằm vào “sự sụp đổ của thế giới” nhưng không hề bỏ chạy. Họ chọn chết cùng với con tàu sau khi đã cố gắng duy trì trật tự hòng giúp nhiều người thoát thân nhất có thể. Những thanh niên trước đó bị phân ranh giới rõ ràng thuộc tầng lớp xã hội thấp kém, đã can đảm phá cửa bị chặn bởi các vệ sĩ có vũ trang, để giúp hàng trăm hành khách ở khoang dưới lên boong.
Khi những bức tường nước bủa vây, dù là khán giả vô tâm nhất cũng cảm thấy nghẹn ở cổ họng với những đứa trẻ lạc cha mẹ, bà mẹ cố ru hai con vào giấc ngủ để chúng ra đi êm ái cùng mình, bất chấp ngoài kia sự chết đang chực chờ...
Vẫn trong những giây phút cuối cùng của Titanic, sự hoảng loạn được dỗ dành bởi bốn nhạc sĩ vĩ cầm vẫn chơi nhạc. Bản nhạc họ cùng hòa âm trước khi tạm biệt nhau để chào đón cái chết là Nearer my god to thee, thường được đánh trong những lễ nghi được cử hành tôn kính. Ngụ ý họ đang chuẩn bị thấy thánh nhan của thiên đường, chứ không phải là bóng đêm. Đồng thời, hình ảnh ban nhạc vẫn chơi đến cùng, là ân huệ và ẩn dụ thích hợp với mọi thời đại, rằng ngay cả khi ở trong một thảm họa như đại dịch mà thế giới đang phải đối mặt, người ta vẫn luôn có lòng tin một ngày nào đó con người sẽ được giải thoát, nếu biết hướng về các giá trị căn bản của lòng vị tha, và luôn chu toàn mọi bổn phận của mình cho đến giây phút cuối cùng của cuộc đời. Để dù có bất ngờ hay tàn khốc, cái chết vẫn không đánh gục được phẩm hạnh cũng như niềm tin và hy vọng của chúng ta.
Ẩn dụ này rất truyền thống theo văn hóa Tây phương của James Cameron. Người ta vẫn kể cho con trẻ nghe câu chuyện trong một lớp học. Người thầy đặt ra tình huống cho học sinh: “Nếu ngày mai con phải chết, con sẽ làm gì?”. Có em nói con sẽ đi hòa giải với mọi người, có trẻ bảo con sẽ xin lỗi cha mẹ, con sẽ đi trả hết những món đồ chơi đã mượn của bạn bè… Vị thầy dừng trước một cậu bé, lặp lại câu hỏi, và câu trả lời của cậu khiến cả lớp đều bất ngờ: “Con sẽ vẫn chơi!”. Người ta biết, đó là cách tốt nhất để đối diện với mọi thảm họa.
Jack, Rose và những nhân vật tử tế không e dè trên chuyến tàu của mình. Họ đến và ở lại cùng nhau, vì họ đã chuẩn bị sẵn sàng hành trang tốt nhất cho cuộc đời rồi...
NSƯT Thoại Mỹ đã có trải nghiệm đặc biệt khi lần đầu trở thành Thiên Hậu trong chương trình "Táo Xuân 2025", Đài truyền hình Vĩnh Long (THVL) sản xuất.
Chiều 17/12, BTC Hoa hậu Quốc gia Việt Nam 2024 công bố các vật phẩm đăng quang dành cho tân hoa hậu gồm: vương miện, hoa cầm, cúp đăng quang, băng đeo.