Diễn đàn: Sinh con - chuyện không phải của riêng phụ nữ

Khuyến sinh không thể nóng vội

16/08/2024 - 17:49

PNO - Không thể đơn giản kêu gọi người dân hãy sinh con thêm mà không tính tới hàng loạt vấn đề các gia đình phải băn khoăn, cân nhắc. Đó là ý kiến của giáo sư, tiến sĩ Giang Thanh Long - giảng viên cao cấp, Khoa Kinh tế học, Trường đại học Kinh tế Quốc dân - gửi đến diễn đàn.

Giáo sư, tiến sĩ Giang Thanh Long - Ảnh do nhân vật cung cấp
Giáo sư, tiến sĩ Giang Thanh Long - Ảnh do nhân vật cung cấp

Những chính sách “cho có” sẽ khó hiệu quả

Mức sinh của Việt Nam đang có chiều hướng suy giảm khi 2 năm liên tiếp đều ở dưới mức sinh thay thế (2,1 con/bà mẹ trong độ tuổi sinh đẻ 15-49). Dù tốc độ suy giảm mức sinh này không quá nhanh, nhưng nhìn những bài học từ Nhật Bản và Hàn Quốc, nếu như không can thiệp một cách đồng bộ mà để tình trạng này kéo dài thì Việt Nam cũng có thể phải đối diện với những hậu quả nặng nề.

Theo dữ liệu của Cơ quan Thống kê Hàn Quốc, mức sinh năm 2023 của nước này là 0,72 - giảm xuống từ mức 0,78 ở năm 2022 và có thể sẽ tiếp tục giảm xuống mức 0,65 trong năm 2024, nếu tình hình tiếp tục duy trì như hiện nay.

Việt Nam được dự báo là 1 trong 10 nước có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới.

Câu hỏi đặt ra là: Có phải 2 nước này “khoanh tay” nhìn mức sinh giảm hay không? Thực tế, cách đây khoảng 20 năm, Nhật Bản đã bắt đầu áp dụng nhiều chính sách đồng bộ để khuyến sinh. Hàn Quốc thực hiện chậm hơn, nhưng có những biện pháp mạnh.

Cả 2 nước đều có những chính sách khá tương đồng, như: tạo điều kiện cho nam giới nghỉ việc để chăm sóc con, hỗ trợ trực tiếp bằng tiền cho các cặp vợ chồng sinh con… Dù thế, mức sinh của 2 nước vẫn tiếp tục giảm, thậm chí có những học giả còn gọi tình huống của Hàn Quốc như “bờ vực thẳng đứng” với hàm ý là đang bị trượt dốc quá nhanh và khó có cơ hội để leo ngược trở lại.

Đã có nhiều nghiên cứu ở các góc độ kinh tế, xã hội, văn hóa để tìm nguyên nhân.

Thứ nhất, kinh tế ngày càng khó khăn, nhiều cặp vợ chồng vất vả mới tìm được việc làm và thu nhập ổn định. Đặc biệt, sự tham gia của phụ nữ vào lực lượng lao động ở cả 2 nước ngày càng lớn nên việc sinh con đôi khi trở thành gánh nặng, ảnh hưởng tới hiệu suất công việc cũng như những kế hoạch sự nghiệp của phụ nữ.

Thứ hai, ở những “vựa kinh tế” lớn như Tokyo, Osaka (Nhật Bản) hay Seoul, Busan (Hàn Quốc)… giá nhà ở, giá thuê nhà tăng lên rất mạnh nên việc mua nhà, thậm chí thuê nhà của nhiều cặp vợ chồng trẻ trở nên khó khăn hơn.

Cùng lúc đó, các nhu cầu về số lượng cũng như chất lượng cho việc giáo dục, chăm sóc sức khỏe con cái ngày càng lớn, với phí dịch vụ cao cũng là trở ngại dài hạn với nhiều cặp vợ chồng.

Thứ ba, ở cả 2 nước hiện nay có một thế hệ người cao tuổi mới. Họ là những người có tính độc lập về kinh tế, sức khỏe cao hơn. Dù tuổi già, họ vẫn có những hoạt động phục vụ cuộc sống của cá nhân như làm việc, giải trí…

Họ không còn là những thế hệ truyền thống với trách nhiệm chăm con chăm cháu như trước. Khi sự hỗ trợ không công trong gia đình giảm đi, trong khi các dịch vụ trông trẻ sau giờ làm việc không sẵn có hoặc có nhưng với mức phí cao cũng khiến cho việc sinh thêm con gặp trở ngại lớn.

Nếu tham chiếu các nguyên nhân ở nước bạn, có thể thấy đó cũng chính là tình trạng mà người dân ở các đại đô thị của Việt Nam như Hà Nội và TPHCM đang phải đối diện.

Việc vận động hoặc chính sách “gọi là cho có” sẽ không thật sự cải thiện được mức sinh. Không thể đơn giản kêu gọi người dân hãy sinh con thêm mà không tính tới hàng loạt vấn đề mà các gia đình phải cân nhắc về kinh tế, về sự tự do cũng như các cơ hội trong cuộc sống khi có thêm con.

Cần một bộ chính sách toàn diện, đồng bộ

Khuyến sinh thế nào, lộ trình thực hiện ra sao… đòi hỏi phải có một bộ chính sách rất toàn diện, với những thay đổi căn cơ mới có thể khuyến sinh và giữ tỉ suất sinh ở mức hợp lý với điều kiện phát triển kinh tế, xã hội, chăm sóc sức khỏe.

Ở các đại đô thị như Hà Nội và TPHCM, tỉ suất sinh thấp hơn so với mức trung bình của cả nước, nhưng tỉ suất di cư thuần dương - nhập cư lớn hơn xuất cư. Do đó, dân số của các đại đô thị này ngày càng tăng. Dịch vụ đô thị như giáo dục, y tế, nước sạch, vệ sinh… không đáp ứng hết được nhu cầu, gây ra vấn đề nhức nhối, nhất là nhà ở và điều kiện sống cho các cặp vợ chồng. Thu nhập chỉ đủ sống, mục tiêu “an cư, lạc nghiệp” dường như ngày càng xa vời, vậy sinh thêm con thì sống ra sao?

Người dân cũng rất đau đầu với vấn đề giáo dục. Dễ thấy, năm nào cũng “đến hẹn lại lên”, việc tìm suất để trẻ học trường công luôn gay gắt ở Hà Nội và TPHCM. Chúng ta đang quy hoạch dịch vụ không theo kịp với xu hướng thay đổi của dân số tại các vùng đô thị.

Một quận có thể mọc lên hàng chục tòa chung cư cao tầng với hàng ngàn hộ gia đình sinh sống nhưng hầu như không có thêm trường học. Nếu có trường mới thì lại là những trường tư, với mức học phí không phải hộ gia đình nào cũng với tới. Tôi đã từng có thời gian sinh sống ở một trong những khu vực đông dân cư nhất ở Tokyo - quận Shinjuku.

Lúc đó, con tôi bắt đầu đi mẫu giáo. Khi đem hồ sơ xin cho con học ở trường công, tôi lo rằng không có chỗ gửi, phải xin học ở phường khác. Tuy nhiên, thật bất ngờ, chính quyền sở tại cũng như nhà trẻ khẳng định đủ chỗ cho tất cả học sinh trên địa bàn.

Sau này tìm hiểu thêm tôi mới biết, việc quy hoạch xây dựng nhà trẻ, trường học, bệnh viện… luôn dựa trên dân số hiện tại và dự báo biến động để có thể điều chỉnh, bổ sung kịp thời.

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Sinh con là quyết định mang tính cá nhân, là quyền của con người nên muốn thúc đẩy và thay đổi quan niệm thì cần phải thay đổi chính sách căn cơ, đồng bộ, mà trước hết là các chính sách về nhà ở, giáo dục và y tế. Làm chính sách không thể nóng vội, ngày một, ngày hai mà phải có tầm nhìn dài hạn.

Việt Nam đang có lợi thế quan trọng có thể cải thiện mức sinh - đó là chúng ta đang trong giai đoạn dân số vàng và mức sinh giảm nhưng với tốc độ chậm.

Không nên khuyến sinh tràn lan

Có người đặt vấn đề rằng, trong bối cảnh suy giảm mức sinh như hiện nay, Việt Nam có nên khuyến khích sinh con thứ ba, thậm chí số lượng tùy ý hay không. Để trả lời, chúng ta cần lưu ý rằng mức sinh ở Việt Nam có sự chênh lệch khá rõ rệt giữa các vùng, miền. Ở những vùng kinh tế khó khăn hơn như trung du, miền núi phía Bắc hay Tây Nguyên, mức sinh vẫn cao.

Vì thế, không nên khuyến sinh một cách chung chung. Nếu không, chúng ta có thể vô tình thúc đẩy mức sinh ở các vùng đang có mức sinh cao, điều kiện kinh tế còn khó khăn và tạo ra gánh nặng cho các gia đình cũng như xã hội trong việc đảm bảo chất lượng sống của trẻ.

Một hộ gia đình nghèo có tới 5-7 con sẽ không thể đảm bảo được các điều kiện nuôi dưỡng. Địa phương cũng không đủ điều kiện để chăm sóc, hỗ trợ nên có thể dẫn tới tình trạng chất lượng học hành, sức khỏe đều yếu kém. Chúng ta không thể chỉ nói về con số (duy trì mức sinh, giữ dân số ổn định) mà không nói về việc đảm bảo chất lượng sống cho người dân, trong đó có trẻ sơ sinh, trẻ em.

Người ta nói, với biến đổi khí hậu, con người có thể thích ứng và giảm thiểu tác động, nhưng với già hóa dân số thì chỉ có thể thích ứng chứ không thể giảm bớt được vì đó là xu hướng tất yếu. Do đó, việc tăng chất lượng dân số là điều rất quan trọng trong quá trình thích ứng với già hóa dân số.

Ngay từ bây giờ, với “cơ cấu dân số vàng”, chúng ta phải cải thiện các vấn đề liên quan như trình độ học vấn, kỹ năng… để có việc làm bền vững, thu nhập tốt hơn cũng như chuẩn bị tốt sức khỏe để bước vào giai đoạn dân số già.

Huyền Anh (ghi)

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • Dolphinnguyen 22-08-2024 09:00:32

    Tạo đk cho nam giới rảnh để chăm sóc con? Phải thành luật. Tp HCM là nơi phụ nữ trong gia đình tương đối có tiếng nói, mà vẫn thấy cảnh phụ nữ tan làm tất bật đón con, đi chợ, nấu ăn, dọn dẹp, dọn nhà , chăm con... còn quán nhậu thì đàn ô đông nghẹt ngồi ề à cùng nhau. Cho mấy ổ nghỉ để chăm vợ e rằng tạo đk cho quán nhậu, quán Karaoke đông cả ngày lẫn đêm. Quan trọng là có luật chế tài. Hiện giờ ở VN, sau ly hôn chồng có vợ mới không chu cấp nuôi con có với vợ cũ, vợ cũ cũng chẳng làm được gì. Cũng không có luật chuyển tự động tiền cấp dưỡng nuôi con cho vợ cũ, mấy ổ cũng chẳng bị pháp luật động tới. Vậy phụ nữ sao dám lấy chồng sinh con?

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI