Sáng 17/9, UBND TP.HCM đã tổ chức hội thảo Giải pháp phát triển nhà ở đáp ứng gia tăng dân số 1 triệu người sau mỗi 5 năm ở TP.HCM giai đoạn 2021-2035.
Ngoài con số cứ 5 năm tăng khoảng 1 triệu người; TP.HCM hiện có một tỷ lệ lớn người dân sống trong hàng loạt chung cư xuống cấp được xây dựng trước năm 1975, lẫn hàng ngàn hộ gia đình sống ven kênh rạch; công nhân... đang có nhu cầu bức thiết về nhà ở. Theo ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TP.HCM, với thực trạng này, thành phố đang đứng trước áp lực rất lớn về quản lý đô thị, hạ tầng, đặc biệt phát triển nhà ở cho người dân.
Hội thảo tổ chức nhằm quy tụ sáng kiến, giải pháp của các chuyên gia trong và ngoài nước để tháo gỡ được bài toán nói trên.
|
Ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TP.HCM thông tin, Thành phố đang đứng trước áp lực rất lớn về quản lý đô thị, hạ tầng, đặc biệt phát triển nhà ở cho người dân. |
Đến từ Viện Công nghệ châu Á, giáo sư Yap Kioe Sheng cho rằng, liên quan đến nhà ở, câu chuyện bất bình đẳng đang là vấn đề mà TP.HCM đối mặt. Cụ thể, TP.HCM có xu hướng giải quyết nhà ở cho người có thu nhập trung bình, thay vì tập trung cung cấp nhà ở cho người có thu nhập thấp.
“Chúng ta hướng đến xây nhà cho người có thu nhập trung bình, tức là vô tình đẩy hàng trăm người có thu nhập thấp về sống ở các khu ổ chuột” - ông Yap Kioe Sheng khẳng định.
|
Giáo sư Yap Kioe Sheng cho rằng, liên quan đến nhà ở, câu chuyện bất bình đẳng đang là vấn đề mà TP.HCM đối mặt |
Đồng tình, tiến sĩ Bernadette Pinnel - Tổng giám đốc Compass Housing New Zealand quả quyết, mọi tầng lớp người dân phải cùng chia sẻ sự thịnh vượng mà đất nước tạo ra. Những người có thu nhập thấp không nên là đối tượng bị bỏ lại phía sau trong thụ hưởng sự thịnh vượng này.
Lâu nay, việc đầu tư nhà ở, khu vực tư nhân thường không quan tâm đến phân khúc người có thu nhập thấp; hoặc những dự án nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp hiện cũng không đáp ứng đủ tiện tích xung quanh như trường học, bệnh viện, trung tâm thương mại. Đây là một bất công, chưa kể đến những chương trình riêng cần có cho bộ phận người dân như người khuyết tật, người già…
Song song, theo các chuyên gia, vấn đề nhà ở gắn với sự ổn định, phù hợp với nhu cầu cuộc sống của người dân cũng cần được chính quyền TP.HCM quan tâm.
Dẫn câu chuyện ở Thái Lan những năm 1980, ông Yap Kioe Sheng kể, chính phủ nước này đã xây dựng hàng ngàn ngôi nhà cho người thu nhập thấp và trợ giá rất tốt cho tầng lớp người dân này. Nhưng sau 10-15 năm, đánh giá hiệu quả thì thấy hầu hết nhà ở đã được người thu nhập thấp chuyển sang cho tầng lớp người dân có thu nhập trung bình, việc trợ giá theo đó cũng chuyển sang cho người thu nhập trung bình.
“Sở dĩ có tình trạng này là do những người có thu nhập thấp cảm thấy ngôi nhà không phù hợp với mình. Họ thà không có nhà còn hơn phải thay đổi cuộc sống trong cảm giác bị bóc tách khỏi cộng đồng, không gian, lề thói cũ - nơi họ đã gắn bó, thân quen, thuận tiện trong công việc, di chuyển cũng như sự giao tiếp cộng đồng” - ông Yap Kioe Sheng nói.
|
Hội thảo quy tụ sáng kiến, giải pháp của nhiều chuyên gia trong và ngoài nước |
Ngoài ra, hướng đến phát triển nhà ở cho người dân, các chuyên gia còn "khuyến nghị" trong giải pháp xây dựng và phát triển nhà ở cho người dân, chính quyền cần coi đây không phải là vấn đề của riêng mình.
Khu vực tư nhân cùng các tổ chức phi chính phủ phải được xem là một nguồn lực song song. Và, để tạo được sự phối hợp này, chính quyền cần có những chính sách khuyến khích, để họ thấy rằng đó cũng là một trách nhiệm đối với đời sống người dân, nhất là người dân có thu nhập thấp.
"Ai cũng chăm chăm đầu tư sinh lợi và phải sinh lợi cao đã khiến người dân thu nhập thấp không được quan tâm xây nhà ở" là nhận định của các chuyên gia đối với thực trạng chung trong đầu tư của nhóm nhà đầu tư tư nhân, tại TP.HCM nói riêng.
Để hạn chế thực trạng này cũng như góp phần xóa bỏ rào cản bất bình đẳng, ông Noh Tea Keuk - Quản lý cấp cao Tập đoàn đất đai và Nhà ở Hàn Quốc, Biệt phái Bộ Xây dựng Việt Nam - quả quyết, chính quyền cần nghĩ đến bài toán quy hoạch đất đai; không để các nhà đầu tư tư nhân sở hữu những khu “đất vàng”. Việc sở hữu "đất vàng", họ sẽ tập trung xây nhà cho nhóm người có thu nhập trung bình, cao.
Theo đó, trong quá trình nghiên cứu thực trạng nhà ở tại TP.HCM nói riêng, ông Noh Tea Keuk nói, ông không tìm thấy một dự án nhà ở xã hội nào ở các quận trung tâm, nhất là quận 1, quận 3, thay vào đó toàn là dự án căn hộ cao cấp và trung tâm thương mại.
“Tôi cho rằng, không cần thiết phải xây một loại nhà cho người thu nhập thấp hay những người giàu có tập trung ở các địa điểm khác nhau, mà có thể phân bổ xen kẽ với nhiều loại nhà khác nhau trong cùng một khu dân cư. Có như thế, câu chuyện bất bình đẳng hay sự thụ hưởng không gian chung mới có sự công bằng” - ông Noh Tea Keuk nhấn mạnh.
Tuyết Dân