Khuyến nghị đặc biệt của EuroCham với lao động Việt Nam

12/04/2025 - 07:12

PNO - Thay vì để lao động nữ nghỉ thai sản dài, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) khuyến nghị Chính phủ cho phép các cặp vợ chồng tự quyết định cách phân chia thời gian nghỉ.

Đây là một trong những nội dung đáng chú ý trong Sách Trắng 2025 của EuroCham vừa công bố. Báo cáo Sách Trắng 2025 chỉ rõ, Việt Nam từ lâu đã cam kết thúc đẩy quyền của phụ nữ. Tuy nhiên, phụ nữ vẫn đang tiếp tục gánh trên vai nhiều công việc chăm sóc không lương, điều này làm gia tăng khoảng cách về lương giữa 2 giới.

Báo cáo dẫn từ Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành, thời gian nghỉ sinh con của nam giới chỉ từ 5 - 14 ngày làm việc. Ngược lại, phụ nữ được nghỉ thai sản tối thiểu 6 tháng.

Báo cáo Sách Trắng 2025 chỉ rõ, việc chỉ cho lao động nữ nghỉ thai sản dài khiến họ thiệt thòi (ảnh minh họa)
Báo cáo Sách Trắng 2025 khuyến nghị, nên tăng thời gian nghỉ cho lao động nam khi người vợ sinh con để tránh bất bình đẳng (ảnh minh họa)

Theo EuroCham, phụ nữ có thời gian nghỉ thai sản dài là điều đáng khích lệ, tuy nhiên việc nam giới chỉ được nghỉ trong thời gian ngắn là điều đáng tiếc vì điều này không chỉ hạn chế cơ hội thiết lập mối liên hệ cá nhân với con trẻ mà còn gây ra tác động xã hội. Thời gian nghỉ chênh lệch giữa nam và nữ làm trầm trọng thêm chênh lệch lương theo giới khi người sử dụng lao động có xu hướng tuyển dụng nam giới hơn là phụ nữ do phụ nữ trẻ có nguy cơ nghỉ thai sản dài ngày trong khi nam giới thì không; thay vào đó, thời gian nghỉ theo luật định của nam giới chỉ tương đương với một kỳ nghỉ ngắn ngày.

Một tác động tiêu cực khác bắt nguồn từ chênh lệch trong thời gian nghỉ thai sản là phụ nữ sẽ hình thành mối liên kết chặt chẽ hơn với con cái và thậm chí là trong nhiều năm sau họ vẫn đảm nhận vai trò của người chăm sóc chính trong khi người cha chỉ đóng vai trò thứ yếu trong việc chăm sóc con cái. Điều này thường có nghĩa là người mẹ đảm nhận nhiều trách nhiệm chăm sóc gia đình hơn, làm hạn chế khả năng theo đuổi sự nghiệp.

Bà Trương Ngọc Diệp - Trưởng phòng Chính sách EuroCham - cho rằng quy định của Việt Nam gửi đi một thông điệp rất mạnh mẽ rằng việc nuôi dưỡng con cái là thiên chức của người phụ nữ, và chỉ là của người phụ nữ.

“Và trong khi đàn ông có thể tiếp tục sự nghiệp mà không bị gián đoạn, thì phụ nữ dù tài năng hay đầy tham vọng vẫn là người được kỳ vọng phải tạm dừng, phải lùi lại, phải hy sinh sự phát triển sự nghiệp của mình. Và đứng trước thực tế đó, nhiều phụ nữ chọn trì hoãn hoặc thậm chí không sinh con vì điều đó đồng nghĩa với việc đánh đổi ít nhất 6 tháng hoặc hơn của đà tiến sự nghiệp” - bà Diệp nhấn mạnh.

Theo bà Diệp, Việt Nam có thể nhìn vào các quốc gia châu Âu như những hình mẫu, nơi mà chính sách nghỉ phép cha mẹ tiến bộ hơn, phản ánh cam kết sâu sắc với bình đẳng giới và hạnh phúc gia đình.

Cụ thể, thời gian nghỉ phép cho người cha là 180 ngày ở Iceland, 240 ngày ở Thụy Điển, 480 ngày ở Tây Ban Nha, và có thể lên đến 1.080 ngày ở Đức.

Bà Diệp nói, một hệ thống hiện đại như vậy tại Việt Nam sẽ phản ánh đúng hơn hình ảnh của gia đình ngày nay với thời gian nghỉ cân bằng hơn cho cả cha và mẹ, tạo cơ hội cho phụ nữ tiếp tục sự nghiệp, và cũng mở ra cho người cha cơ hội được gắn bó, chăm sóc con ngay từ những ngày đầu tiên.

EuroCham cũng dẫn chứng số liệu từ Cục Thống kê Việt Nam ước tính chênh lệch lương theo giới ở Việt Nam trung bình ở mức 29,5%; trong đó mức chênh lệch là 21,5% ở thành thị và 35,2% ở nông thôn.

Do đó, EuroCham khuyến nghị, Việt Nam cần ưu tiên giảm chênh lệch lương theo giới, xem xét các nghĩa vụ của quốc gia trong việc thúc đẩy bình đẳng giới trong khuôn khổ EVFTA. Cho phép cha mẹ tự quyết định cách phân chia thời gian nghỉ thai sản, thay vì mặc định cấp 6 tháng cho mẹ và chỉ 14 ngày làm việc cho cha, đồng thời đảm bảo mỗi phụ huynh phải nghỉ một khoảng thời gian tối thiểu để thúc đẩy trách nhiệm chung, có thể tạo ra tác động tích cực.

Mộc Miên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI