Khuyến mãi phải thực chất, không lợi dụng chiêu trò

26/11/2020 - 07:10

PNO - Để kích thích người tiêu dùng mua sắm nhiều hơn, các chương trình khuyến mãi phải thực chất, tránh tình trạng giảm giá ảo, kê giá cao rồi rao giảm giá 50%...

Ông Nguyễn Huy Hoàng - Giám đốc thương mại Công ty Kantar Worldpanel Việt Nam - cho rằng các hình thức khuyến mãi lâu nay ở Việt Nam chỉ xoay quanh việc giảm giá, tặng quà, miễn phí giao hàng… 

Theo ông Hoàng, dưới ảnh hưởng của dịch COVID-19, số người thất nghiệp tăng và thu nhập giảm, người tiêu dùng có xu hướng tìm kiếm các chương trình ưu đãi, giảm giá mạnh hơn. “Để kích thích người tiêu dùng mua sắm nhiều hơn, các chương trình khuyến mãi phải thực chất, tránh tình trạng giảm giá ảo, kê giá cao rồi rao giảm giá 50% nhưng thực chất là không giảm” - ông Hoàng nói. 

Các đơn vị kinh doanh phải bán hàng đúng chất lượng, giảm giá thực, mang lại trải nghiệm tốt cho người tiêu dùng, mới giữ được khách hàng lâu dài.
Các đơn vị kinh doanh phải bán hàng đúng chất lượng, giảm giá thực, mang lại trải nghiệm tốt cho người tiêu dùng, mới giữ được khách hàng lâu dài. Trong ảnh: Khách hàng mua sắm tại một siêu thị

Ông Nguyễn Anh Dũng - Giám đốc cấp cao bộ phận dịch vụ đo lường bán lẻ, Công ty Nielsen Việt Nam - dẫn một khảo sát cho thấy, hơn 85% người tiêu dùng tìm kiếm các sản phẩm có khuyến mãi để mua. Nắm được tâm lý này, hầu hết các đơn vị kinh doanh, đặc biệt là các sàn thương mại điện tử, không chỉ khuyến mãi dịp lễ lớn mà cả trong các ngày song trùng như 10/10, 12/12, gần như tháng nào cũng có khuyến mãi. Nhờ khuyến mãi, doanh số của nhiều đơn vị tăng cao, thậm chí mức tăng trưởng năm 2020 lên đến 40-50% so với năm ngoái, dù đang chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19. Phần lớn người tiêu dùng thích giảm giá trực tiếp trên giá bán hơn là các hình thức tặng quà, tích điểm.

Ông Dũng cho rằng, điều quan trọng là các đơn vị kinh doanh phải bán hàng đúng chất lượng, giảm giá thực, mang lại trải nghiệm tốt cho người tiêu dùng, mới giữ được khách hàng lâu dài. Đặc biệt, việc gắn bó phụ thuộc nhiều vào sự trải nghiệm sản phẩm chứ không phải là trải nghiệm khi mua hàng. Nếu có trải nghiệm tốt, họ sẽ quay lại mua sản phẩm tiếp. 

Cũng cho rằng các chương trình khuyến mãi giúp tăng mãi lực, nhất là khi ngành bán lẻ đang bị ảnh hưởng mạnh của dịch COVID-19, ông Quách Thế Phong - Giám đốc tư vấn Công ty Nghiên cứu thị trường IPSOS - nhận định: “Các chương trình khuyến mãi hiện có xu hướng không đóng khung trong một ngày hay một dịp lễ mà kéo dài nhiều ngày, nhiều đợt, triển khai trước lễ và có sự chuẩn bị sẵn hàng hóa, chính sách khuyến mãi trong cả năm.

Người tiêu dùng đã quen thuộc với những dịp Black Friday, Online Friday, 11/11 và gần như họ đòi hỏi phải có các chương trình khuyến mãi nên các đơn vị kinh doanh phải đua theo để bán hàng. Phần lớn người tiêu dùng đòi hỏi chất lượng dịch vụ và trải nghiệm xuyên suốt; doanh nghiệp đáp ứng được yêu cầu này mới giữ được khách hàng. Ngoài bán hàng trực tiếp, trực tuyến, doanh nghiệp nên đẩy mạnh hình thức bán hàng qua điện thoại”. 

Nguyễn Cẩm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI