Khuyến mãi lớn, sức mua vẫn thấp

08/07/2024 - 06:35

PNO - Sự kiện Shopping Season (mùa mua sắm) ở TPHCM bắt đầu từ giữa tháng Sáu. Dù có nhiều nhóm hàng được các doanh nghiệp giảm giá đến một nửa nhưng người mua vẫn không nhiều.

Theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Công Thương TPHCM - dự kiến có gần 10.000 thương nhân tham gia chương trình khuyến mãi tập trung. Chương trình này được kỳ vọng giúp doanh nghiệp (DN) đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh, giúp người tiêu dùng tiếp cận được các sản phẩm với giá cả phải chăng.

Người tiêu dùng hiện đang tiết kiệm chi tiêu, đắn đo hơn trong các quyết định mua sắm (ảnh chụp ở siêu thị Co.opmart xa lộ Hà Nội,  TP Thủ Đức)
Người tiêu dùng hiện đang tiết kiệm chi tiêu, đắn đo hơn trong các quyết định mua sắm (ảnh chụp ở siêu thị Co.opmart xa lộ Hà Nội, TP Thủ Đức)

Ngay khi sở phát động chương trình, hàng loạt DN thuộc các lĩnh vực sản xuất, bán lẻ đã rầm rộ hưởng ứng, có DN giảm giá sản phẩm đến 60%. Chẳng hạn như hệ thống siêu thị Co.opmart tổ chức 2 đợt giảm giá mạnh, gồm chương trình “Gia đình Việt đại sứ xanh” từ ngày 13/6 - 3/7, giảm giá đến 50% cho 2.100 sản phẩm thân thiện môi trường và chương trình “Lễ hội hàng nhãn riêng Co.op” từ ngày 4 - 17/7 với hơn 1.000 sản phẩm giảm giá đến 50% hoặc chỉ còn 5.000 đồng/sản phẩm.

Mặc dù hoạt động khuyến mãi diễn ra ở quy mô lớn và DN cũng mạnh tay giảm giá, nhưng theo ghi nhận của chúng tôi, không phải mặt hàng nào cũng thu hút người tiêu dùng. Thậm chí, ở nhiều hệ thống siêu thị, ngày cuối tuần, lượng khách vẫn thưa thớt.

Người tiêu dùng Việt Nam ngày càng ưu tiên giá trị hơn giá cả khi mua sắm. Do đó, các nhãn hàng cần có chiến lược mới để tiếp cận khách hàng tốt hơn bởi chạy đua khuyến mãi không phải là cách để phát triển lâu dài.

Naree Nguyễn - Giám đốc Kinh doanh Khối đại lý, TikTok Việt Nam

Bà Phạm Thu Hằng (quận Phú Nhuận) cho biết, trước đây, mỗi khi chuẩn bị đi siêu thị, bà thường tìm hiểu xem những sản phẩm nào đang được giảm giá. Gần đây, thu nhập gia đình sụt giảm, bà chỉ chọn mua các sản phẩm cần thiết, không để ý tới các mặt hàng khác dù đang được khuyến mãi.

Tham gia đợt khuyến mãi tập trung, ông Lê Minh Sang - Giám đốc Hợp tác xã Cây hoa Tân Mỹ - thừa nhận, Tân Mỹ giảm giá sản phẩm ở các siêu thị lớn nhưng không được người tiêu dùng quan tâm lắm: “Giảm giá từ đầu tháng Sáu nhưng tới nay, doanh số của chúng tôi chỉ tăng vài phần trăm. Ví dụ, bình quân mỗi tháng chúng tôi bán ra khoảng 10 tấn bưởi da xanh trên toàn hệ thống siêu thị Co.opmart thì nay, khi đã giảm giá, mức bán ra vẫn y nguyên”.

Theo khảo sát mới đây của Hiệp hội DN TPHCM (HUBA), có tới 64% DN ở TPHCM cho biết gặp khó khăn do nhu cầu tiêu dùng suy giảm, 50% DN gặp khó khăn do thiếu các đơn hàng mới và 29% DN gặp khó khăn do giá nguyên liệu đầu vào tăng, 16% DN gặp khó khăn do thiếu vốn kinh doanh. Do đó, DN phải tính toán lại các chi phí, bao gồm cả lương cho người lao động. Thu nhập của người tiêu dùng giảm khiến họ chi tiêu dè sẻn hơn và chỉ ưu tiên chọn mua những mặt hàng thực sự cần.

Theo tiến sĩ Nguyễn Văn Hiến - Trường đại học Tài chính, Marketing - muốn cải thiện được sức mua, trước hết, phải có cách tăng thu nhập cho người dân, giữ ổn định mặt bằng giá cả. Bên cạnh đó, phải tạo điểm nhấn cho các đợt khuyến mãi, thay vì làm dàn trải thì chỉ nên làm 1 đợt với quy mô lớn và truyền thông mạnh mẽ để đông đảo người tiêu dùng biết đến.

Nếu cứ kích cầu bằng cách giảm giá trong khi người tiêu dùng không có nhu cầu mua sắm thì cũng không thể thúc đẩy tăng trưởng. Điều quan trọng nhất hiện nay không phải là trực tiếp kích cầu các mặt hàng mà là có các giải pháp hỗ trợ. Chẳng hạn như, Chính phủ có giải pháp phục hồi thị trường bất động sản, tạo công ăn việc làm ổn định, giữ ổn định lãi suất ngân hàng và giá vàng, ngoại tệ.

Ông Nguyễn Anh Đức - Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam

Mai Ca

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI