Khuyến khích trẻ đọc sách

08/11/2015 - 10:03

PNO - Trẻ ngày càng ít đọc sách là vấn đề phổ biến trong thời hiện đại, khi chúng có quá nhiều thú vui hấp dẫn khác...

Hiểu rõ lợi ích của việc đọc, cha mẹ nào cũng tìm cách thúc ép trẻ tìm đến món ăn tinh thần này. Cuộc “giằng co” ấy dễ có tác dụng ngược.

Để trẻ không quay lưng với sách, bố mẹ có thể sử dụng phương pháp khuyến khích trẻ đọc sách một cách gián tiếp. Phương thức này đòi hỏi sự tham gia tích cực và bền bỉ của cha mẹ, bắt đầu ứng dụng từ lúc trẻ còn nhỏ, tạo cho bé thói quen và niềm say mê đọc sách.

Khuyen khich tre doc sach

Ảnh hưởng từ sớm

Như bất kỳ thói quen nào, bắt đầu càng sớm thì càng tốt cho trẻ nhỏ. Bố mẹ có thể tạo ảnh hưởng để bé tập thói quen đọc sách từ khi còn là trẻ sơ sinh. Bắt đầu bằng việc kể chuyện cổ tích hay ngụ ngôn cho trẻ, kích thích sự tò mò và hứng thú.

Khi sử dụng ngôn ngữ giao tiếp hàng ngày, bố mẹ nên thường xuyên sử dụng các câu nói, câu thơ, thậm chí các bài hát có nguồn gốc trong những cuốn sách. Khi tổ chức cho trẻ tham gia các hoạt động sinh hoạt gia đình, cho phép bé tiếp cận càng nhiều càng tốt với việc đọc chữ sẽ giúp trẻ quen với hành động đọc.

Chẳng hạn khi mua vé xem phim, cho trẻ xem bảng giá, các tờ rơi quảng cáo, và bàn luận về nội dung của chúng. Những hoạt động như thế sẽ là bước đầu để tạo nền móng cho thói quen đọc sách của trẻ.

Tiến một bước xa hơn, bố mẹ nên bỏ ra ít nhất nửa tiếng mỗi ngày để cùng đọc sách với trẻ. Không nhất thiết là các cuốn sách chữ, bố mẹ có thể đọc truyện tranh, sách tranh dành cho thiếu nhi... Khi đọc, hãy dùng ngón tay chỉ vào từng từ, từng câu để trẻ có thể nhận được ý nghĩa của mặt chữ.

Hãy khám phá ý thích của bé trong việc đọc. Mỗi đứa trẻ có chủ đề yêu thí ch riêng, nắm bắt được điều đó, bố mẹ có thể cung cấp cho trẻ sách truyện mà bé sẽ sẵn sàng đọc mà không cần thúc ép.

Tốt hơn nữa, bố mẹ nên thường xuyên đưa trẻ đến các hiệu sách, thư viện để bé có cơ hội tự khám phá và chọn lựa chủ đề yêu thích. Cuối cùng, không gì tốt hơn là làm gương, chính bố mẹ nên tự tạo thói quen đọc sách. Hãy để trẻ thấy bố mẹ đọc sách như một việc làm hàng ngày, một truyền thống mà bé sẽ noi theo trong tương lai.

Tạo môi trường đọc

Khi trẻ đã bước vào độ tuổi cắp sách đến trường, bé sẽ cần được khuyến khích đọc sách nhiều hơn, bởi thói quen này sẽ giúp lập thành nền tảng ngôn ngữ cho trẻ, tăng cường khả năng học tập và logic.

Tuy vậy, thúc ép trẻ trong giai đoạn này dễ khiến bé ghét đọc sách. Cách hữu hiệu nhất là tạo cho trẻ một môi trường thích hợp để bé có thể tự phát triển thói quen. Đầu tiên, gia đình cần giữ nếp đọc sách. Từ thói quen gia đình này, bố mẹ và trẻ có thể cùng trò chuyện về các chủ đề mà sách đề cập. Nếu trẻ tự bắt đầu một cuộc trò chuyện về một đề tài có trong sách, hãy tích cực tham gia vào cuộc trao đổi đó.

Mặt khác, trẻ cần được tiếp xúc với nhiều nguồn “tài nguyên” sách, bao gồm các loại sách báo, thậm chí các thiết bị điện tử để đọc (với sự kiểm duyệt của cha mẹ). Hãy đem việc đọc vào tất cả những hoạt động hàng ngày, chẳng hạn tra cứu tài liệu để giúp trẻ làm bài tập, tìm kiếm công thức nấu ăn, các chỉ dẫn trò chơi…

Ngoài ra, việc “đọc” bao giờ cũng dẫn đến “viết”. Cũng như thói quen đọc sách, thói quen viết cũng có thể được khuyến khích một cách gián tiếp. Hầu hết các lời khuyên trên đều thích hợp  cho việc thúc đẩy khả năng viết ở trẻ. Bắt đầu từ việc viết lại những lời nhắn đơn giản cho nhau trên cửa tủ, trẻ có thể phát triển thành khả năng đưa các suy nghĩ, tình cảm của mình vào chữ viết.

Dù trẻ có muốn trở thành nhà văn, nhà báo hay không, những lợi ích mà thói quen đọc và viết mang lại sẽ là các công cụ giúp bé phát triển về tri thức và kỹ năng sống. Hãy bắt đầu những thói quen này càng sớm càng tốt, nhưng bạn hãy nhớ rằng, thói quen cần phải được hình thành tự nhiên, thúc ép và ràng buộc trẻ bao giờ cũng mang lại tác dụng tiêu cực.

Xuân Hạ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI