PNO - Gốc rễ của chuyện sinh con là bố mẹ. Khi các bố và mẹ chưa được quan tâm đầy đủ, nghề nghiệp, thu nhập chưa ổn định, nhà cửa chưa vững vàng, có đến với nhau sinh một đứa con chắc đã là khó, nói gì đến chuyện “mức sinh”.
Đám nhân viên văn phòng xôn xao bàn tán về chính sách mới ra, đặc biệt là vụ khuyến khích nam, nữ kết hôn trước 30 tuổi và sớm sinh con. Những tràng cười không ngớt. Thì ra, không phải tất cả các văn bản của Nhà nước đều khô khan.
Văn bản này, dù mang cái tên rất hành chính - quyết định phê duyệt “Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030”, rõ ràng không chỉ chạm đến nỗi niềm sâu kín của các nam thanh nữ tú trong văn phòng tôi, mà còn đến cả tâm tình bao nhiêu cặp vợ chồng đang chật vật vì tiền thuê nhà, tiền học của con, bao nhiêu ông bà đang trông chờ có cháu bế bồng…
Đến với nhau đã khó, nói gì tới sinh đủ 2 con. Ảnh minh họa
Chuyện sẽ còn dài, vì mục tiêu chương trình là điều chỉnh trong mười năm nữa, đến năm 2030, làm sao để ở những nơi sinh con nhiều thì giảm một chút, ở những nơi sinh con ít thì tăng một chút, phụ nữ sinh con thứ hai trước 35 tuổi, và mỗi gia đình có hai con.
Phải nói rằng đây là một chính sách rất hấp dẫn. Các nhà làm chính sách đã không dừng ở chỗ vẽ ra viễn cảnh “gia đình hai con, vợ chồng hạnh phúc” như ngày xưa nữa. Họ đã nghĩ đến những hỗ trợ thiết thực hơn rất nhiều để khuyến khích các cặp vợ chồng sinh đủ hai con như mua nhà ở xã hội, thuê nhà ở; ưu tiên cho các con được vào học ở các trường công lập, hỗ trợ chi phí giáo dục trẻ em; xây dựng mô hình quản lý, phát triển kinh tế gia đình… Chỉ có điều, tất cả những hỗ trợ này được đóng gói hoàn chỉnh dành cho những ai đã có đôi có cặp, có vợ có chồng.
Lấy vợ lấy chồng sớm là chuyện đã xưa rồi. Không biết các nhà làm chính sách có quan tâm đến đám “forever alone” ở văn phòng tôi không. Nếu nhìn kỹ chút, họ sẽ thấy những thành viên “hội ế” - ở độ tuổi trên dưới 30, chính là những ứng viên rất gần cho chính sách, họ là người đang khát khao lập gia đình và sinh con mạnh mẽ nhất.
Còn đám trẻ ở tuổi 20-22 bây giờ, chúng suy nghĩ và hành xử khác lắm, không dễ gì dụ chúng đánh đổi những năm tháng bay nhảy tự do để lấy việc ưu tiên mua nhà ở xã hội, khoản hỗ trợ tiền thuê nhà, hay suất trường học công lập cho những đứa con chẳng biết bao giờ sẽ có. Những ưu đãi rất táo bạo và mới mẻ của các nhà làm chính sách, nhìn kỹ, phần lớn đều… ở thì tương lai. Với những bạn đồng nghiệp quanh đây, cái khó của họ là tìm cho ra một nửa của mình. Nửa ấy chưa tìm ra, làm sao nghĩ đến chuyện hưởng những ưu đãi của chính sách.
Kể ra thì “Chương trình điều chỉnh mức sinh” của Nhà nước cũng có đề cập đến việc “phát triển các câu lạc bộ kết bạn trăm năm, hỗ trợ kết bạn; tư vấn sức khỏe trước khi kết hôn…”, nhưng những điều này không mấy thực tế. Ngôi nhà hôn nhân của người trẻ cần cả vật chất và tinh thần. Mà những biện pháp “tuyên truyền vận động”, “phát triển thông điệp truyền thông”… may mắn lắm cũng mới chỉ là một nửa, cái nửa tinh thần, chắc không đủ để thúc đẩy họ. Gốc rễ của chuyện sinh con là bố mẹ. Khi các bố và mẹ chưa được quan tâm đầy đủ, nghề nghiệp, thu nhập chưa ổn định, nhà cửa chưa vững vàng, có đến với nhau sinh một đứa con chắc đã là khó, nói gì đến chuyện “mức sinh”.
Mong có thêm nhiều trẻ con, và đó là những đứa trẻ hạnh phúc với những ông bố bà mẹ hạnh phúc. Những đứa trẻ được sinh ra trong những gia đình đầy đủ cha mẹ, được gia đình và xã hội chăm lo, được thụ hưởng giáo dục, chăm sóc y tế đầy đủ. Thực tế cho thấy có nhiều đứa trẻ đã đến với cuộc đời một cách bất đắc dĩ. Những nam nữ thanh niên quần quật bán sức lao động trong những khu công nghiệp, giải trí nghèo nàn, không tìm được lối thoát trong cuộc sống, kết cục là cái bụng bầu và những đứa bé sơ sinh vứt bỏ trước cổng chùa, trong công viên, trong những khu dân cư… Có lẽ, không ai mong đợi có thêm những đứa trẻ trong hoàn cảnh ấy.
Ai chẳng muốn xây dựng gia đình, nuôi con, tận hưởng hạnh phúc, nhưng... Ảnh minh họa
Mà nào chỉ có những nam nữ thanh niên mới có thể có và nuôi dạy trẻ con. Trong cuộc bàn tán sôi nổi của đám bạn, tôi để ý một chị đồng nghiệp không góp chuyện, chị còn lo lắng khoản trừ thuế thu nhập của năm nay. Nghe đâu sẽ được tăng mức giảm trừ gia cảnh và mức chịu thuế, nhưng là chuyện còn bàn cãi chưa biết lúc nào mới xong.
Chị đã qua tuổi lấy chồng và sinh nở từ lâu, chắc không nằm trong diện điều chỉnh hay được hưởng ưu đãi từ chương trình mới, nhưng những đứa trẻ của chị vẫn cần ăn, cần học, cần được nuôi dạy, phải mấy năm nữa chúng mới trưởng thành. Gia đình chị vẫn ở chung với nhà chồng, vì tiền thuê nhà là một khoản chị không lo nổi.
Nhìn chị buồn hiu tính tới tính lui khoản tiền lương vừa bị trừ do nghỉ dịch bệnh, vừa bị trừ thuế thu nhập, tôi động viên: “Thôi, có con là mình “lời” rồi chị”. Chị: “Ờ, nhưng phải chi có chính sách nào đó động viên cho những người đã “gan cùng mình” sinh hai con, nuôi dạy con, gia đình vẫn đang hạnh phúc… thì đỡ quá phải không em!”.
Tôi cười: “Đợi đi chị, Thủ tướng nói chính quyền địa phương phải nghiên cứu, ban hành các biện pháp hỗ trợ các cặp vợ chồng sinh đủ hai con. Mình cứ đợi nghiên cứu, may ra thì… kịp, khi bọn trẻ vẫn đang là trẻ con”.
Bác Hồ từng nói: “Trẻ em như búp trên cành”. Búp rất khó chăm, vì non nớt, vì thời gian ngắn, vì nhiều thứ khác nữa. Để những búp non được đơm trên những cành mạnh mẽ, cần chăm cây từ lúc cây còn chưa có búp, cả khi cây đã qua mùa nẩy lộc, vì còn cần cho những mùa sau.
Vui vì Nhà nước đã chính sách hóa niềm vui sinh con và nỗi khó khăn khi nuôi dạy con của các cặp vợ chồng. Thôi cứ hy vọng, sau chính sách này sẽ còn có nhiều chính sách nữa, nhân văn và thấu cảm, để người dân thực sự hạnh phúc hơn, để những chiến lược dân số ở tầm quốc gia hòa hợp với những niềm mong mỏi của mỗi gia đình.
Hạnh Dung
Bạn đồng tình hay phản đối chuyện kết hôn trước tuổi 30 và sinh đủ 2 con trước tuổi 35? Bạn đang ở độ tuổi nào và đã trải nghiệm hôn nhân chưa? Hãy chia sẻ cùng chúng tôi câu chuyện của bạn quanh các nội dung Quyết định 588 của Thủ tướng Chính phủ.
Bài viết xin gửi về địa chỉ email: online@baophunu.org.vn. Các bài được chọn đăng sẽ nhận nhuận bút của tòa soạn.
Thực ra chính sách thì hay vậy thôi, cuối cùng nhà ở xã hội có đủ để cung cấp cho các gia đình hay không là 1 chuyện hoàn toàn khác. Số lượng ít mà số cặp đôi vợ chồng con cái xếp hàng thì đông thì bao giờ mới tới lượt mua nhà? 5-10-20 năm? Sao không thẳng thắn trợ cấp mỗi đứa trẻ 3tr/tháng đi cho nó tức thời!