Khuyến khích không dùng tiền mặt khi thanh toán bằng giảm giá, khuyến mãi

12/06/2019 - 11:47

PNO - Không dùng tiền mặt khi thanh toán sẽ được khích lệ bằng những ưu đãi như khuyến mại, giảm giá... khi giao dịch ở hầu hết các loại hình dịch vụ, mua bán.

Không dùng tiền mặt, tiện nhưng chưa lợi

Việc nộp thuế, thanh toán điện, nước... không dùng tiền mặt ngày càng trở nên phổ biến, nhưng đóng góp học phí, viện phí và nhiều dịch vụ công hiện vẫn chủ yếu bằng tiền mặt. 

Chia sẻ tại hội thảo “Xã hội không tiền mặt: Chính sách và thực tiễn tại Việt Nam”, do Bộ Thông tin và Truyền thông, Báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng Vụ Thanh toán thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức ngày 11/6, ông Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, bộ đã ra mắt thẻ khám chữa bệnh thông minh, người bệnh có thể thanh toán viện phí bằng chuyển khoản.

Tuy nhiên, hiện rất ít người sử dụng phương thức này vì họ cho rằng có nhiều bất tiện, như phải mất phí duy trì thẻ từ 10.000-50.000 đồng, trong khi vẫn phải xếp hàng làm thủ tục mở thẻ, vẫn phải mang tiền mặt đến nộp để có tiền trong tài khoản ở một hạn mức nhất định.
Một trở ngại khác khiến người dân ngại thanh toán viện phí bằng thẻ lại đến từ chính các ngân hàng. Khách hàng có thẻ khám bệnh thông minh, lúc vào bệnh viện thường ứng số tiền nhiều hơn so với khoản cần thanh toán, nhưng lúc ra viện, ngân hàng không thể hoàn tiền vào thẻ cho khách và bệnh viện phải trả bằng tiền mặt. Lần khám bệnh sau, khách lại phải xếp hàng nộp tiền, gây lãng phí thời gian.

Thêm nữa, các ngân hàng phát hành thẻ đều yêu cầu bệnh viện mở tài khoản tại ngân hàng mình, dẫn đến trường hợp bệnh viện mở tài khoản tại nhiều ngân hàng khiến công tác quản lý, theo dõi tài khoản của bệnh viện thêm khó khăn. 

Nhưng lý do chính vẫn là do thói quen thích dùng tiền mặt của người dân. Hiện tại, một số bệnh viện đã chấp nhận thanh toán qua thẻ ATM, thẻ visa nhưng nhiều người dân còn chưa biết cách sử dụng máy ATM nên việc thanh toán qua thẻ với họ là một việc rất xa lạ. 
Từ năm 2014-2015, TP.HCM đã thí điểm đề án thanh toán học phí không sử dụng tiền mặt, còn gọi là thẻ học đường. Tuy nhiên, thực tế rất ít trường học ở TP.HCM thu học phí qua thẻ. Các trường cho rằng, phụ huynh không mặn mà nên nhà trường không thể ép. 
Một số chuyên gia cho rằng, để đạt được mục tiêu đến năm 2020, phấn đấu có 50% bệnh viện, trường học tại các thành phố lớn chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt, cần có giải pháp cụ thể từ Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại.

Khuyen khich khong dung tien mat khi thanh toan bang giam gia, khuyen mai
Đa phần người dân vẫn thanh toán viện phí bằng tiền mặt

Theo ông Nguyễn Trường Sơn, các ngân hàng nên giảm thủ tục đăng ký mở thẻ, tích hợp thành loại thẻ có thể dùng trong nhiều hệ thống ngân hàng vì thủ tục mở thẻ và nộp tiền để thanh toán viện phí hiện nay tương đối mất thời gian. Phí duy trì thẻ dù không nhiều nhưng cũng khiến người dân ngán ngại. 

Ngoài ra, theo phản ánh từ một số bệnh viện, phần mềm của ngân hàng thỉnh thoảng vẫn bị lỗi, dẫn đến mất kết nối dữ liệu, việc thay đổi số PIN đối với thẻ khám chữa bệnh hơi phức tạp. 

Khuyến khích không tiền mặt bằng ưu đãi 

Ông Nguyễn Đức Trung, Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho rằng, tiền điện tử trên thuê bao di động (mobile money) chính là giải pháp tốt để thanh toán không dùng tiền mặt ở trường học, bệnh viện vì chỉ cần tài khoản di động, không cần tài khoản ngân hàng. Dịch vụ mới này phù hợp với mọi khách hàng, nhất là những người nông dân, người ở vùng sâu, vùng xa. 

Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh nhìn nhận rằng, quan trọng nhất là tạo thói quen để người dân cảm thấy có lợi khi thanh toán không dùng tiền mặt. Do đó, cần có chính sách miễn thu phí, thuế, hoặc gia tăng các khuyến mãi. 

“Xã hội không tiền mặt cũng có những vấn đề quan ngại như rủi ro về tính bảo mật, an toàn dữ liệu, an ninh mạng. Đây là điều mà các cơ quan quản lý của Việt Nam cần lưu tâm trong quá trình hoạch định, triển khai các chính sách hướng tới một xã hội không dùng tiền mặt”, ông Nguyễn Kim Anh nói.
Theo Phó thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, đến giờ mà người dân phải đi xa, xếp hàng chờ nộp học phí cho con, đóng viện phí thì rõ ràng là quá bất tiện. Lợi ích của thanh toán không tiền mặt đã quá rõ, giảm chi phí và đem lại nhiều tiện ích cho người dân, doanh nghiệp; thúc đẩy minh bạch, công khai, phòng chống tham nhũng, rửa tiền, chống tội phạm kinh tế. 

Do đó, ngoài khẩn trương hoàn tất, xây dựng và triển khai chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện, ông Huệ cho rằng cần tăng cường khả năng tiếp cận và sử dụng dịch vụ tài chính, nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng về tài chính của người tiêu dùng trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng. 

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI