Khuyến đọc: Kỳ vọng chuyển động lớn

28/08/2019 - 15:45

PNO - Nhu cầu đọc, niềm yêu thích sách của trẻ nhỏ là có thật. Chỉ cần được người lớn định hướng và tạo điều kiện, trẻ sẽ hình thành thói quen, tìm thấy sự say mê thật sự với sách.

Tọa đàm “Thói quen đọc sách góp phần hình thành nhân cách cho học sinh như thế nào?”, do Hội Xuất bản Việt Nam, Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM, Thành Đoàn TP.HCM phối hợp tổ chức sáng 27/8, một lần nữa xác lập hướng đi quyết liệt nhằm lan tỏa những giá trị văn hóa đọc, hình thành thói quen đọc cho trẻ nhỏ.

Những tiết đọc sách từ vùng ven

Đây là lần đầu một cuộc tọa đàm về thói quen đọc sách có sự tham gia của học sinh các cấp. Từ góc nhìn của bản thân, các em đã chia sẻ nhiều vấn đề cần được lưu tâm. Lê Ngọc Phương Trinh (học sinh lớp 8A2, Trường THCS Nguyễn Hiền, Q.7) bày tỏ: “Rất nhiều bạn bè em không có khái niệm về việc đọc sách. Điện thoại, game online, Facebook… đang chiếm hết sự chú ý của chúng em. Nhưng lỗi cũng không hẳn do công nghệ. Giá sách hiện nay không hề rẻ, địa điểm đọc sách thì chưa nhiều. Tại Q.7 gần như không có không gian đọc sách. Nhà sách Nguyễn Văn Cừ chủ yếu bán sách giáo khoa, sách bài tập… Chúng em muốn đọc sách cũng không dễ. Sáng 6g dậy đi học đến 16-17g, rồi học thêm đến 21g, làm bài đến tận 23g. Lúc này chỉ muốn đi ngủ”. Đây có lẽ cũng là mẫu số chung của học sinh dưới áp lực học hành.

Khuyen doc: Ky vong chuyen dong lon
Niềm yêu thích đọc của trẻ có được khơi nguồn từ sớm hay không, rất cần định hướng của người lớn (Ảnh: Sách về với các em học sinh trường tiểu học Nguyễn Trung Ngạn (Q.8) - Ảnh: nhà xuất bản Kim Đồng)

Trước khi tiết đọc sách được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đưa vào khung chương trình học chính thức, một số trường đã chủ động triển khai mô hình này. Cô Nguyễn Thị Ngọc Diệp - nguyên tổ trưởng bộ môn văn, Trường THPT Giồng Ông Tố - kể, khi trường tổ chức tiết đọc sách, học sinh rất hứng thú, bày tỏ ý kiến, thuyết trình về các tác phẩm đã đọc bằng nhiều hình thức như: viết nhật ký đọc sách, kể, cảm nhận, lập nhóm dựng hoạt cảnh… “Các em bộc bạch những đổi thay của bản thân qua những cuốn sách đã đọc, biết ước mơ, ứng xử có văn hóa” - cô Diệp nói.

Trường THCS An Nhơn (Q.Gò Vấp) có câu lạc bộ Book Fighters - Chiến binh sách. Học sinh thường xuyên gửi link sách điện tử cho nhau. Trường THCS, THPT Đinh Thiện Lý (Q.7) cũng có “chiến dịch” “Mỗi tuần một cuốn sách”, phát triển thành chương trình mang tên “Cùng đọc, cùng chia sẻ”. “Mỗi bạn được phát nhiều quả sồi làm bằng giấy, ai đọc cuốn sách nào thì sẽ viết về cuốn sách đó, bất kỳ điều gì, vào trái sồi và treo lên cây. Chỉ sau một học kỳ cây sồi của lớp đã trĩu quả. Thế mới thấy, cứ gieo vào đầu trẻ những điều gần gũi và thường xuyên ắt sẽ giúp chúng thay đổi được thói quen” - cô Nguyễn Thị Mỹ, giáo viên Trường Đinh Thiện Lý đúc kết.

Nhu cầu đọc, niềm yêu thích sách của trẻ nhỏ là có thật. Chỉ cần được người lớn định hướng và tạo điều kiện, trẻ sẽ hình thành thói quen, tìm thấy sự say mê thật sự với sách.

Truyền cảm hứng cho nhau

“Đừng hối thúc hay ép buộc, mà hãy để việc đọc diễn ra một cách tự nhiên, chủ động đối với mỗi người” - học sinh Lê Ngọc Phương Trinh bày tỏ. Nguyễn Dương Khánh Ngọc (học sinh lớp 5/6, Trường tiểu học Trần Văn Ơn, Q.11) nhắc đến bộ sách Hạt giống tâm hồn gắn liền với những câu chuyện thay đổi bản thân em. Những vấn đề của trẻ có vẻ là chuyện nhỏ với người lớn, nhưng là rắc rối, nỗi buồn, ảnh hưởng đến tinh thần trẻ. Nhờ sách xoa dịu và chỉ đường, các em tự giải quyết được vấn đề của bản thân và chia sẻ cho bạn bè.

“Mỗi khi đọc sách, thấy những câu hay, bài học ý nghĩa và kiến thức mới, em gạch dưới những dòng đó. Nếu có thời gian, em sẽ vẽ sơ đồ tư duy cho quyển sách. Khi vào lớp, em nói chuyện và tranh luận với bạn bè về những quyển sách mình đã đọc cũng như giới thiệu, chia sẻ cho bạn những tác phẩm hay và thú vị. Từ đó, chúng em đã đọc được nhiều sách hay, bổ sung vào vốn kiến thức, kỹ năng” - Cao Thanh Hiếu (học sinh Trường THCS Nguyễn Du, Q.Gò Vấp) chia sẻ.

Tiết đọc sách trong nhà trường tạo cơ hội cho học sinh tiếp cận các tác phẩm các em thật sự yêu thích, từ đó phát huy khả năng cảm thụ, trí tưởng tượng, để các em truyền cảm hứng cho nhau, hình thành thói quen đọc. “Ngoài những cuốn sách được thầy cô giới thiệu, một danh mục sách cần đọc ở các cấp lớp cũng cần thiết và phải được tổ chức từ ngành giáo dục” - tiến sĩ Quách Thu Nguyệt khẳng định. Ông Lê Hoàng - Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam - cho biết, từ cuộc tọa đàm này, Hội Xuất bản Việt Nam, Sở GD-ĐT TP.HCM và Thành Đoàn TP.HCM thống nhất ban hành thông báo liên tịch nhằm đẩy mạnh các giải pháp xây dựng thói quen đọc sách, tác động tích cực đến sự hình thành và phát triển nhân cách của học sinh trên địa bàn TP.HCM. Mong sẽ có một sự chuyển động lớn từ những “chiến dịch khuyến đọc” đã được nhiều phía đồng thuận. 

Khuyen doc: Ky vong chuyen dong lon
Thói quen đọc sách ở trẻ nhỏ cần được xây dựng, giúp phát triển - Ảnh: Đường sách TP.HCM

Chúng ta từng nghe nói nhiều về nước Nhật thời Minh Trị. Một trong những cú hích tạo sự chuyển động thần kỳ ở đất nước của những Samurai là cuộc vận động khuyến đọc và khuyến học rộng rãi trong nhân dân. Nhà giáo dục khai sáng Fukuzawa Yukichi, tác giả cuốn sách Khuyến học (đã được dịch và phát hành tại Việt Nam), từng nói: “Trình độ văn minh của một đất nước có thể được đo lường bằng tri thức và đức hạnh của cả một dân tộc”.

Hãy tạo môi trường và động lực giúp các cháu thấy việc đọc sách là niềm vui, cùng với nhiều lợi ích cho bản thân, thay vì dán mắt hàng giờ vào game, lướt web tán gẫu, vừa lãng phí thời gian vừa vô bổ.

Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang

Những tựa sách khuyến đọc

Cuộc khảo sát “Niềm tin - Thói quen đọc” của giới trẻ TP.HCM do Hội Xuất bản Việt Nam - Văn phòng phía Nam và Công ty Đường sách TP.HCM thực hiện, trên 400 học sinh cấp II, đã cho ra những tựa sách khuyến đọc nổi bật: ngoài các tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, còn có: Đắc nhân tâm, Hạt giống tâm hồn, Cà phê cùng Tony, Đời thay đổi khi chúng ta thay đổi, Nhà giả kim, Chuyện con mèo dạy hải âu bay, Cha là bóng cả đời con, Đại Việt sử ký toàn thư, Lịch sử bách khoa toàn thư, Thần đồng Đất Việt…

Lục Diệp

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI