Mới đây có một khóa học lạ đời: thực hành phòng chống sự chênh lệch tính nam, tính nữ. Ban tổ chức lập luận: “Vũ trụ và tạo hóa” đã tạo ra người đàn ông gắn liền với sự mạnh mẽ, trụ cột gia đình, cần được tôn trọng; còn phụ nữ gắn với vai trò giữ lửa gia đình, cần sự yêu thương, che chở, vỗ về.
Có thực sự là vũ trụ và tạo hóa đã quy định đàn ông thế này, phụ nữ thế kia? Hay đó chính là những khuôn mẫu giới mà gia đình và xã hội ngày nay cần mạnh tay xóa bỏ?
Trao đổi với phóng viên Báo Phụ nữ TPHCM, chuyên gia tâm lý Ngô Minh Uy - Trưởng ban đào tạo, Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục TPHCM (PESAH) - phân tích về sự lạc hậu và nguy hại của khuôn mẫu giới (KMG), đặc biệt là trong quan hệ tình yêu - hôn nhân - gia đình.
|
Chuyên gia tâm lý Ngô Minh Uy cho rằng: mọi sự khác biệt nên được nhìn nhận dựa trên cá nhân, chứ không phải dựa trên giới tính - Ảnh do nhân vật cung cấp |
Phóng viên: KMG là gì? Ông có thể kể một số khuôn mẫu phổ biến, quen thuộc, cố định đến nỗi thành “định kiến” của mỗi giới?
Chuyên gia tâm lý Ngô Minh Uy: KMG là niềm tin chung của chúng ta đối với giới nam và giới nữ về năng lực, tính cách và hành vi xã hội. Khuôn mẫu (pattern) được xem là niềm tin về mặt nhận thức, còn định kiến thiên về mặt cảm xúc nhiều hơn, phân biệt đối xử thì thiên về hành vi.
“Đàn ông phải cao hơn đàn bà… một cái đầu”, “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”, “Ớt nào mà ớt chẳng cay/ Gái nào là gái chẳng hay ghen chồng”, “Đàn ông chỉ muốn thêm chứ không muốn bớt (vợ/nhân tình)”, “Đàn ông nông nổi giếng khơi/ Đàn bà sâu sắc như cơi đựng trầu”… và vô vàn KMG đe dọa tình yêu, hôn nhân, gây ra những áp lực căng thẳng, sự nghi ngại hoặc ám ảnh tiêu cực.
Khi chào đời, bé trai và bé gái đều khóc. Tuy nhiên, khi lớn lên một chút, bé trai thường được dạy dỗ “con trai không được khóc”. Bé trai thường nhận lấy sự giáo dục nghiêm khắc, kỷ luật thép; trong khi bé gái được nâng niu, yêu chiều như tiểu thư, công chúa. 2 lối giáo dục đó đều gây hại cho con, gây ra những tổn thương. Người lớn cũng dè sẻn cái ôm, hôn đối với con trai hơn theo mong đợi “chống lại nữ tính” và những lo âu phi lý theo kiểu “được cưng yêu quá con trai sẽ sướt mướt, ẻo lả như con gái”.
Một gia đình có sự phân công, thỏa thuận là vợ ra ngoài kinh doanh, tạo thu nhập; còn chồng ở nhà lo cơm nước, dọn dẹp nhà cửa, rước con. Gia đình ấy vận hành khá ổn. Nhưng khi chồng đi nhậu, bị bạn nhậu khích bác, dè bỉu, tình trạng hôn nhân trở nên bất thường ngay. Ông chồng từ chỗ “chí thú làm nội tướng” trở nên mặc cảm, quạu quọ, gây sự với vợ.
Đó là chưa kể những KMG liên quan đến ngoại hình, ngành nghề, phát triển sự nghiệp... Ở đó, phụ nữ bị giới hạn nhiều hơn: ngành toán, kỹ thuật, đá bóng... được xem là của đàn ông, không phải của phụ nữ. Định kiến ăn sâu vào nếp nghĩ của người đời, truyền tiếp qua thế hệ, dù nó không hề có ý nghĩa gì về mặt thống kê, không có cơ sở khoa học, không hề được quy định bởi pháp luật. Đỉnh cao nhất và đáng sợ nhất của định kiến là tự định kiến.
* KMG đem đến nhiều nguy hại, nhưng vì sao nó vẫn luôn tồn tại? Phải chăng KMG cũng mang lại lợi ích gì đó nên mới được duy trì?
- KMG tạo những con đường mòn trong tư duy, khiến người ta ít phải suy nghĩ đến gốc rễ vấn đề, rằng tại sao đàn ông phải như thế, tại sao phụ nữ phải như thế (thực ra thế giới có sự đa dạng chứ không phải cứ theo lối nhị phân). Trong cái nhìn thiển cận, người ta thấy gán ghép những gì thuộc về số đông sẽ nhanh chóng đạt được điều mình mong muốn hơn, dễ điều khiển hơn. Ví dụ, muốn bé trai ngừng khóc ngay, người lớn bảo: “Con trai phải cứng rắn, mạnh mẽ lên, không được khóc”. Trong ngắn hạn, người ta ngỡ mệnh lệnh đó phát huy tác dụng.
Ngày nay ở Việt Nam, định kiến vẫn bao trùm xã hội. Những nỗ lực của truyền thông dường như muối bỏ bể. Thậm chí, đôi khi truyền thông còn vô tình củng cố cho những thành trì xưa cũ, độc hại, bất bình đẳng. Người phụ nữ có chồng được giáo dục phải tuân phục chồng, chăm sóc, nâng khăn sửa túi cho chồng. Đàn bà phải gắn với cái bếp, đàn bà phải nghe lời, đàn bà học cao làm gì...
Người phụ nữ mạnh mẽ dám nêu chính kiến, dám tranh luận đến cùng với chồng hoặc với đồng nghiệp tại nơi làm việc, trong hội thảo có thể đem lại cảm giác “có gì đó sai sai”, có gì đó “đe dọa”. Hoặc nếu vô tình vào nhà ai, nhìn thấy người chồng đang ngồi ủi đồ, bất giác từ vô thức người khách sẽ “đánh giá” vợ anh ta lười nhác, không đảm đang.
Như thế, con người, nhất là phụ nữ, bị nhốt vào bất công. Sống trong xã hội đầy rẫy định kiến, không ai thể hiện được mình, phát huy hết năng lực, sở thích của bản thân và nguồn lực xã hội vì thế bị mai một. Bản sắc của phụ nữ bị biến mất, thui chột đi. Cuối cùng, chỉ còn lại bản sắc của người đàn ông và những người nắm nhiều quyền lực.
* Thưa ông, nếu có ngày càng nhiều KMG tròng vào phụ nữ thì đàn ông có dễ chạm tay đến hạnh phúc hơn không?
- Phải khẳng định ngay rằng: KMG không hề có lợi cho ai. Quan điểm “trâu tìm cọc chứ sao cọc lại tìm trâu” khiến các cô gái vướng phải rào cản trong bộc lộ cảm xúc yêu đương, ngỏ lời gắn kết. Và như thế, cơ hội đến với tình yêu của các chàng trai chắc chắn cũng bị thu hẹp.
Ngay khi đã kết hôn, định kiến giới cũng theo vào tận giường tân hôn để xoi mói, phán xét. Những phụ nữ có hành vi chủ động trong chuyện gối chăn ngay với người mình yêu, ngay với chồng mình cũng có thể bị đánh giá là ghê gớm, là lẳng lơ, không đoan chính, “chắc xưa giờ tình trường phức tạp”. Nếu từng bị nhốt trong những khuôn mẫu ngột ngạt thì sự mãnh liệt, cháy hết mình, chủ động trong ái ân của vợ có thể khiến người chồng lo ngại ngay khi 2 người đáng lẽ được thăng hoa, hạnh phúc nhất với mỹ cảm dào dạt nhất. Nào có ai phát triển hơn, đáng sống hơn, hạnh phúc hơn nếu sống trong những vòng dây trói vô hình?
|
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock |
* Việc cởi trói nên bắt đầu từ ai và bắt đầu từ đâu thưa ông?
- Mọi giải pháp nên bắt đầu từ xây dựng bình đẳng, công bằng về nhận thức và đối xử với nhau trong gia đình, nhà trường, xã hội. Các cơ sở dữ liệu khoa học trên thế giới đã chỉ ra rằng: ngoài sự khác nhau về cấu trúc sinh học, chức năng tình dục - sinh đẻ, nam giới và nữ giới không khác nhau gì cả.
Các giới không hề khác nhau về năng lực, nhận thức, nhân cách, các yếu tố xã hội, mối quan hệ... Nếu có khác chăng là do văn hóa gây ra, định kiến gây ra. Chỉ trừ mang bầu, đẻ, cho bú vú mẹ là đàn ông không thay thế vợ được. Còn lại đàn ông có thể làm được hết các công việc từ pha sữa, thay tã, tắm gội cho con đến giáo dục, kèm con học, chơi với con, ru con ngủ, tết tóc cho con...
Trong mỗi gia đình cần có sự chia sẻ công việc giữa các thành viên thông qua giao tiếp và thỏa thuận ở từng thời điểm. Đó là chuyện riêng của mỗi nhà. Ta không nên và không có quyền can thiệp, đòi buộc người khác/gia đình khác phải điều chỉnh theo đúng niềm tin phi lý của mình.
Chúng ta cần đấu tranh làm sao để phẩm giá của mỗi người, ý nghĩa sống của mỗi người được đề cao, tôn trọng. Mọi sự khác biệt nên được nhìn nhận dựa trên cá nhân, dựa vào nỗ lực hoàn thiện mình trong cuộc sống. Không có sự cao quý hay thấp kém vì bạn là nam hay nữ, là vợ hay chồng.
* Xin cảm ơn ông.
Tô Diệu Hiền (thực hiện)