Khung pháp lý cần cởi mở để thúc đẩy thị trường tài chính tiêu dùng phát triển

18/05/2021 - 16:12

PNO - Mặc dù là một trụ cột quan trọng của ngành kinh tế trong hơn 10 năm qua song ngành tài chính tiêu dùng đã phát sinh những vấn đề, rào cản liên quan đến khung pháp lý. Theo các chuyên gia, để tạo điều kiện cho thị trường phát triển, khuôn khổ pháp lý cho hoạt động tài chính tiêu dùng cần được cập nhật và hoàn thiện hơn.

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối năm 2020, dư nợ tín dụng tiêu dùng tại Việt Nam đạt khoảng 1,8 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 20% tổng dư nợ nền kinh tế, gấp 2,5 lần so với năm 2012 (khoảng 8%). Trong đó, đối với tín dụng bất động sản nhà ở đạt khoảng 1 triệu tỷ đồng (chiếm khoảng 55,5%). Riêng trong 5 năm gần nhất, tín dụng tiêu dùng gồm cả tín dụng bất động sản nhà ở tăng trưởng khoảng 20%/năm, cao hơn nhiều so với mức tăng của tín dụng toàn ngành (khoảng 15,4%).

Tính riêng nhóm các công ty tài chính tiêu dùng thì dư nợ đạt khoảng 130.000 tỷ đồng với hơn 30 triệu khách hàng được phục vụ. Theo các chuyên gia, đây là con số ấn tượng đối với ngành tài chính tiêu dùng còn non trẻ như Việt Nam. Cho vay tiêu dùng nói chung hiện đang thực hiện chủ yếu bởi các ngân hàng thương mại, quỹ tín dụng nhân dân và các công ty tài chính tiêu dùng.

Hoạt động này giúp nâng cao khả năng tiếp cận tài chính của đại bộ phận người dân, mặt khác còn có ý nghĩa lớn trong việc kích cầu nền kinh tế và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Trong thời gian qua, hệ thống các tổ chức tín dụng nói chung, đặc biệt là các công ty tài chính tiêu dùng đã phát triển mạnh mẽ nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn phục vụ tiêu dùng của người dân, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống, gia tăng công bằng xã hội.

Tuy vậy, theo các chuyên gia, tài chính tiêu dùng của Việt Nam phát triển vẫn chậm nếu so với ngay cả những nước trong khu vực. Chuyên gia ngân hàng Cấn Văn Lực cho biết, dù phát triển nhanh nhưng tín dụng tiêu dùng vẫn chỉ chiếm khoảng 8,7% tổng dư nợ nền kinh tế… Nếu so với các nước trong khu vực như Malaysia (15%), Thái Lan (17%), Indonesia (22,7%), Hàn Quốc (35%) thì tỷ lệ ở Việt Nam còn nhỏ.

Theo đại diện Công ty Luật ANVI, trong 10 năm qua, tài chính tiêu dùng phát triển rất mạnh, nhưng hành lang pháp lý không theo theo kịp, thậm chí không thay đổi nhiều, nên đã trở thành một trong những nguyên nhân cản trở hoạt động này.

Về quy định pháp luật về cho vay, Luật Các tổ chức tín dụng và Bộ luật Dân sự gần như không có thay đổi, ngoại trừ quy định về lãi suất cho vay. Bên cạnh đó, số lượng công ty tài chính trong 10 năm qua gần như không thay đổi, nhiều năm gần đây và đến 31/12/2020 vẫn chỉ có 16 công ty tài chính, trong đó nhiều không ty không cho vay tiêu dùng.

Góp ý chính sách, ông Cấn Văn Lực cho rằng cần phải sớm nhất quán với nhau về câu chuyện có trần lãi suất hay không và nếu mà có thì nên được điều chỉnh như thế nào đồng thời không nên áp dụng trần lãi suất, thay vào đó nên lành mạnh hóa thị trường tài chính tiêu dùng bằng hệ số, chỉ số an toàn.

Theo ông Nguyễn Thành Phúc - Phó tổng giám đốc FE CREDIT, để tạo điều kiện cho thị trường tài chính tiêu dùng phát triển, khuôn khổ pháp lý cho hoạt động tài chính tiêu dùng cũng ngày càng được cập nhật và hoàn thiện hơn; nhận thức của các chủ thể tham gia thị trường được nâng cao hơn.

Ảnh: FE CREDIT
Ảnh: FE CREDIT

Tuy nhiên, để đạt được những lợi ích chung cho toàn xã hội, các công ty tài chính nói chung và FE CREDIT nói riêng rất cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan để thị trường tài chính tiêu dùng ngày càng phát triển.

Cụ thể, các công ty tài chính tiêu dùng tiếp tục đầu tư công nghệ, nâng cấp dịch vụ, sáng tạo sản phẩm mới là cơ sở để tạo sự khác biệt và tăng độ nhận biết trong mắt khách hàng. Ðây cũng chính là các giải pháp giúp cải thiện quy trình nghiệp vụ, nhằm rút ngắn khoảng cách khi đưa dịch vụ tài chính tới khách hàng nhanh hơn, thuận tiện và hiệu quả hơn; giảm tới mức thấp nhất hoặc loại bỏ sai sót do yếu tố con người, thất thoát dữ liệu và tăng cường hiệu quả của toàn bộ hệ thống cho vay.

Trong thời gian tới, ông Phúc cho rằng, việc hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia kết hợp với việc hoàn tất triển khai căn cước công dân gắn chip cho toàn bộ người dân sẽ vô cùng hữu ích trong hoạt động quản lý và định danh. Không chỉ giúp cho các công ty tài chính có nhiều dữ liệu chính xác trong quá trình thẩm định và duyệt vay đối với khách hàng, mà còn giúp giảm thiểu rủi ro liên quan đến các vấn đề giả mạo thông tin cá nhân trong các hoạt động lừa đảo tín dụng nói chung.

Như vậy có thể thấy, việc xây dựng khung pháp lý đóng vai trò quan trọng giúp ngành tài chính tiêu dùng phát triển minh bạch, lành mạnh hơn từ đó thúc đẩy nền kinh tế phát triển đồng thời cải thiện đời sống của người dân.

Mai Hoàng

 

Nguồn: FE CREDIT

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI