Khủng hoảng tuổi trung niên lên đến đỉnh điểm ở tuổi 40 và 50

15/09/2022 - 16:51

PNO - Các nhà khoa học nhận thấy cuộc khủng hoảng, căng thẳng trong công việc và cuộc sống của con người thường lên đến đỉnh điểm ở độ tuổi 40 và 50.

 

 

Cuộc sống khủng hoảng trung niên là có thật, những người ở độ tuổi 40 và 50 được trải qua giai đoạn khó khăn nhất trong cuộc sống mặc dù thu nhập của họ đang ở mức cao nhất
Những người ở độ tuổi 40 và 50 được cho là phải trải qua giai đoạn khó khăn nhất trong cuộc sống, mặc dù thu nhập của họ có thể ở mức cao nhất

Sau khi quan sát thấy sự sụt giảm trên một loạt dữ liệu từ hàng ngàn người ở mọi lứa tuổi, các nhà nghiên cứu kết luận rằng, cuộc khủng hoảng tuổi trung niên là có thật. Theo đó, ở con người, sự căng thẳng trong công việc lên đến đỉnh điểm vào khoảng tuổi 45.

Tỷ lệ mất ngủ, đau đầu, lo lắng, trầm cảm cũng tăng đột biến khi con người đạt đến cột mốc tuổi trung niên đáng sợ này.

Các tác giả của nghiên cứu - bao gồm các nhà kinh tế, xã hội học ở Anh, Mỹ, Úc và Singapore -  cho biết, sở dĩ có hiện tượng này là do con người cảm thấy không đạt được các mục tiêu quan trọng đã đặt ra trong cuộc sống

"Tuổi trung niên là thời điểm mọi người tự nhận thấy cuộc sống của mình không thể cân bằng. Tình trạng này gây khó ngủ, trầm cảm, khó tập trung, quên mọi thứ, cảm thấy choáng ngợp ở nơi làm việc, đau đầu và nghiện rượu", các tác giả cho biết. 

Theo thống kê, những người ở độ tuổi trung niên được phát hiện có nguy cơ bị trầm cảm cao gấp đôi so với những người trên 60 tuổi và dưới 25 tuổi. 

Đầu những năm 50 tuổi là thời điểm nguy cơ tự tử lên cao nhất, tình trạng này ở phụ nữ diễn ra sớm hơn một chút so với nam giới.

Số ca nhập viện vì rối loạn giấc ngủ xảy ra nhiều nhất ở những người ở độ tuổi 50, và những người ở tuổi trung niên có số giờ ngủ mỗi đêm thấp nhất, ngay cả những người không có con. 

Một nghiên cứu khác trên 18.000 người trưởng thành cho thấy, tình trạng đau đầu - một dấu hiệu của chứng trầm cảm và lo lắng - cũng đạt đỉnh điểm ở độ tuổi trung niên.  

Mặc dù vậy, một nghiên cứu năm 2020 cho thấy rằng, sau khi rơi vào trạng thái không mong muốn ở tuổi trung niên, hạnh phúc sẽ tăng trở lại khi con người già đi. Lúc này, những người ở độ tuổi 60-70 sẽ hạnh phúc như một người 20 tuổi. 

Khủng hoảng tuổi trung niên là gì?

Thuật ngữ "khủng hoảng tuổi trung niên" do nhà phân tâm học người Canada Elliot Jacques đặt ra vào năm 1965 để mô tả những thách thức trong giai đoạn chuyển tiếp bình thường và tự suy ngẫm mà nhiều người trưởng thành phải trải qua từ độ tuổi 40 đến 60.

Trong độ tuổi này, nhiều người thường đặt câu hỏi rằng họ là ai trong thế giới này, mục đích sống của họ là gì và họ đã sử dụng thời gian của mình như thế nào cho đến nay?

Những câu hỏi này có thể được kích hoạt bởi nhận thức về việc thời gian trôi qua hoặc những thay đổi có thể xảy ra với cơ thể, tâm lý, như sợ hãi về tình trạng sức khỏe hoặc suy giảm khả năng thực hiện các nhiệm vụ thể chất. 

Những cảm xúc, những câu hỏi hay thay đổi này sẽ khiến con người khó chịu, căng thẳng, bối rối và có thể cảm thấy mình đang rơi vào khủng hoảng. Đôi khi, tình trạng này có thể dẫn đến chứng trầm cảm. 

Nhưng theo Elliot Jacques, bạn hãy cứ trải qua thời gian này như là khởi đầu của một giai đoạn mới vô cùng thú vị của cuộc đời.

Thảo Nguyễn (theo Daily Mail)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI