Phóng viên báo Phụ Nữ đã có cuộc trao đổi với Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Chí Bửu - Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học kĩ thuật Nông nghiệp miền Nam xoay quanh vấn đề vì sao nông sản nước ta thời gian vừa qua liên tục cần được “giải cứu”, nông dân đã cơ cực lại gánh thêm nợ nần, gây thiệt hại kinh tế không nhỏ cùng những giải pháp mang tính cốt lõi để "giải cứu" nền nông nghiệp.
|
Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Chí Bửu - Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học kĩ thuật Nông nghiệp miền Nam |
Tiến sĩ nhìn nhận thế nào về cuộc khủng hoảng thừa nông sản Việt từ đầu năm đến nay vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt?
- Như đồng tiền có hai mặt, tôi cũng nhìn nhận các cuộc giải cứu nông sản từ chuối, dưa hấu…cho đến thịt heo vừa qua theo hai mặt. Trong đó vẫn có mặt tích cực, đó là sự giỏi giang của người nông dân nước ta cùng đội ngũ nghiên cứu khoa học. Chỉ trong thời gian mấy chục năm, từ một quốc gia khó khăn mà người nông dân đã trồng trọt chăn nuôi tạo ra sản lượng lớn để mang đi xuất khẩu, điều đó đâu có tệ.
Tuy nhiên, vấn đề tồn tại từ nhiều năm qua và cho đến hiện nay đó là tư duy số lượng quá ăn sâu thành não trạng nặng nề. Hầu hết lãnh đạo các tỉnh thành và nông dân đều mang tư duy chạy theo số lượng hơn là chú trọng đến chất lượng sản phẩm. Chỉ biết chạy đua nuôi trồng cho thật nhiều mà quên đi các yếu tố quan trọng khác.
Điều đó khiến cho người nông dân vất vả nhất mà đời sống vẫn rất khó khăn, thậm chí phải đứng bên bờ vực phá sản. Từ giữa năm 2016, khi số lượng đàn heo cả nước tăng lên đến 29 triệu con thì đã có thông tin cảnh báo đến lãnh đạo và nông dân cả nước, nhằm hạn chế không phát triển thêm để tránh tình trạng dư thừa. Thế nhưng các tỉnh, nông dân vẫn ồ ạt phát triển chuồng trại, mở rộng chăn nuôi.
Vấn đề tồn tại từ nhiều năm qua và cho đến hiện nay đó là tư duy số lượng quá ăn sâu thành não trạng nặng nề. Hầu hết lãnh đạo các tỉnh thành và nông dân đều mang tư duy chạy theo số lượng hơn là chú trọng đến chất lượng sản phẩm. Chỉ biết chạy đua nuôi trồng cho thật nhiều mà quên đi các yếu tố quan trọng khác. |
Và đến đầu năm 2017 vừa qua thì đàn heo cả nước lên đến 31 triệu con và đỉnh điểm xảy ra cuộc khủng hoảng thịt heo khi phía Trung Quốc đột ngột ngưng thu mua làm nông dân điêu đứng.
Đáng buồn là bao năm nay nông dân mãi khốn đốn vì phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc?
- Thực tế hiện nay hầu hết nông dân chỉ biết sản xuất thật nhiều và phụ thuộc gần như hoàn toàn vào thị trường mang tính rủi ro cao (như Trung Quốc). Việc mua bán với thị trường Trung Quốc hiện đang diễn ra theo hướng tự do mậu dịch chứ không có nghị định thư nào cả.
Vì buôn bán kiểu đó nên khi hàng hóa của ta chở đến cửa khẩu mà Trung Quốc không thu mua thì hư hỏng khóc ròng mà thôi, hay phía Trung Quốc đưa ra những lý do nào đó dù vô lý để ngưng thu mua thì nông dân ta lại khốn đốn - bao năm nay vẫn vậy.
|
Có thời điểm ớt chỉ có giá 2.000 đồng khiến người nông dân lao đao |
Việc “giải cứu” nông sản của xã hội thời gian qua tuy không phải giải pháp căn cơ nhưng ít ra cũng giúp cho nhiều nông dân có thể cố cầm cự để tiếp tục phục hồi chăn nuôi trồng trọt, tránh nguy cơ phá sản không gượng dậy được. Lúc đó lại mang đến những bất an khác cho xã hội khi nhiều người mất công ăn việc làm gây xáo trộn cuộc sống, gây ảnh hưởng đến an ninh lương thực của toàn xã hội…
Vào lúc này, điều chúng ta cần phải làm là gì, thưa ông?
- Trong chuyến thăm Việt Nam vào năm 2015, ông Nuriel Sayag (chuyên gia nông nghiệp đến từ Israel) đã nói về bài học số một của quốc gia này đó là: chúng ta phải xuất phát từ “cầu” rồi mới tính đến “cung”. Có nghĩa là đầu ra sản phẩm phải biết chắc chắn, phải có cơ sở nghiên cứu thị trường một cách khoa học.
Chẳng hạn như vào năm 2016, sản lượng rau của Việt Nam đạt 16 triệu tấn. Điều này có nghĩa là cung đã vượt cầu gần 3 triệu tấn (tính theo tiêu chuẩn quốc tế 90 kg rau xanh/1 người/1 năm và độ hao hụt sau thu hoạch là 30%). Đó là chưa kể nếu đầu tư công nghệ cao cho sản xuất rau thì năng suất còn tăng lên cao.
|
Các hộ chăn nuôi lợn Hà Nội đã “mất” 1.500 tỷ trong 6 tháng qua. |
Vì thế, nếu không tìm kiếm, dự tính thị trường xuất khẩu chắc chắn, không nhìn thấy đâu là đầu ra của sản phẩm một cách rõ ràng thì sẽ phá sản, sẽ tiếp tục phải đi “giải cứu”, nhưng sức dân để “giải cứu” thì có hạn.
Xin tiến sĩ nói rõ hơn về khía cạnh thay vì sản xuất ồ ạt với số lượng lớn thì phải tăng chất lượng để tránh tình trạng “giải cứu” nông sản liên tục như vừa qua và có thể là sắp tới?
- Năm 2015, World Bank đưa ra nhận định chung, đại ý rằng trong 20 năm nay thì môi trường đầu tư và các tình huống đầu tư cho nông nghiệp đều vận động thay đổi rất nhiều. Tăng số lượng nông sản và tăng nguồn cung cấp thực phẩm cho thế giới là mục tiêu đầu tư của World Bank.
Nhưng trong bối cảnh hiện nay đầu tư nông nghiệp phải hướng đến “tính cạnh tranh” và “lợi nhuận” trong một chuỗi giá trị từ người nông dân cho đến người tiêu dùng sau cùng. Và hệ quả đạt được sau cùng là tăng cường sự ổn định xã hội và bảo tồn tài nguyên thiên nhiên. Đồng thời phát triển nông thôn, chăm lo hạnh phúc của nông dân. Bởi người nông dân chính là người đang làm ra sự thay đổi nông nghiệp của thế giới.
Nếu không tìm kiếm, dự tính thị trường xuất khẩu chắc chắn, không nhìn thấy đâu là đầu ra của sản phẩm một cách rõ ràng thì sẽ phá sản, sẽ tiếp tục phải đi “giải cứu”, nhưng sức dân để “giải cứu” thì có hạn. |
Thế nhưng thực tế nền nông nghiệp Việt Nam hiện nay đang tách rời sản xuất riêng biệt với khâu chế biến, với khâu lưu thông phân phối và cả thị trường người tiêu dùng. Do đó, giá trị sản phẩm mà người nông dân thực chất nhận được vẫn rất thấp, đời sống nông dân vẫn rất bấp bênh.
Một đời gắn bó với nền nông nghiệp nước nhà, từng đi khắp nơi trên thế giới học tập nghiên cứu về nông nghiệp, tiến sĩ có thể đưa ra giải pháp cốt lõi?
- Chúng ta cần tập trung vào vấn đề đầu tư công nghệ sau thu hoạch. Hiện nay công nghệ này của chúng ta rất hổng. Nếu công nghệ sau thu hoạch tốt ta có thể bảo quản thịt heo đông lạnh ở số lượng lớn để chế biến thành các thành phẩm khác thì đâu nhất thiết phụ thuộc hoàn toàn vào một thị trường quá rủi ro như vừa qua. Đó là ví dụ dễ hiểu.
|
Rớt giá thê thảm, nông dân để chuối chín rụng vàng gốc. |
Trước thách thức hội nhập quốc tế, biến đổi khí hậu cũng buộc nền nông nghiệp nước ta cần tổ chức lại sản xuất theo hướng vào hợp tác xã (trên cơ sở Luật Hợp tác xã năm 2012). Mô hình Hợp tác xã này là mô hình hiện đại, quản lý minh bạch bảo vệ quyền lợi nông dân chứ không phải kiểu hình dung về mô hình Hợp tác xã trước đây. Đồng thời phải đẩy mạnh, kiểm soát hệ thống tín dụng cho vay vốn phải vì phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn.
Cần có chính sách khuyến khích nhà doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp bởi đây là chìa khóa quyết định thành công cho các nước có diện tích nhỏ, có quy mô nông trại hẹp - đó là bài học từ các quốc gia phát triển trên thế giới. Đó là những điều chúng ta cần quan tâm ngay bên cạnh các vấn đề luôn được đề cập nhiều như nới rộng hạn điền, cơ khí hóa….
Để chấm dứt hoàn toàn tình trạng đến hẹn lại lên, đến mùa thu hoạch là “giải cứu” thì cần nhiều nỗ lực và tổng hợp nhiều giải pháp từ chính sách vĩ mô của nhà nước cho đến sự thay đổi tư duy của doanh nghiệp, của chính người nông dân nhằm đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, nhu cầu các thị trường.
Xin cảm ơn tiến sĩ!
Bảo Ân