Khủng hoảng niềm tin

23/05/2020 - 14:00

PNO - Từ đời sống hôn nhân đến thường nhật, phải giật mình đôi ba lần bởi chúng ta đang khủng hoảng niềm tin.

“Khi thấy vợ tôi trở về từ buổi họp lớp với nhóm bạn cấp II, mắt lấp lánh vui, nhắn tin cho nhau mà miệng cười khúc khích, lòng tôi bỗng gợn lên nỗi nghi ngờ mơ hồ không diễn tả được. Trong nhóm đó có người từng là tình đầu của vợ. Có người thầm thương vợ suốt bao năm trời. Tôi tự hỏi mình có nên gắn thiết bị theo dõi, để bắt tận tay hay không” - lời tâm sự thật dài của một bạn nam nào đó mong được cộng đồng mạng tư vấn, trước khi bạn “ra tay” truy tìm dấu tích “ngoại tình” của vợ mình. 

Yêu nhiều, nghi ngờ nhiều - nguồn cơn của mọi bi kịch

Cuộc sống vốn hạn hữu niềm tin, thì có lẽ tình yêu phải là nơi nhen nhóm cho niềm tin nhiều nhất. Tin vào tình yêu, vào những điều chỉ có tình yêu mới có thể mang lại. Nhưng, khó khăn nhất của tình yêu chính là khi sự hoài nghi bắt đầu nhen nhóm. Một cái hắt xì của người kia cũng làm lòng ta đặt ra nhiều câu hỏi. Khi mọi thứ được đặt vào khung nghi ngờ, một nụ cười vu vơ cũng có vấn đề, một tin nhắn quảng cáo đến vào giờ cơm cũng làm không khí trầm xuống.

Phụng Trần (Q.3) kể vợ chồng cô tan vỡ chỉ vì một câu nói trong lúc “mớ ngủ”. “Có con bướm đậu trên vai anh Thịnh kìa…” - Phụng nói câu đó trong giấc mơ. Khi chồng hỏi, thật lòng Phụng cũng không thể nhớ được Thịnh là ai, tự dưng sao cái tên đó lại xuất hiện trong giấc mơ của cô. Việc cỏn con thế mà chồng cô chẳng cho qua. Anh dò xét, nghi ngờ, thậm chí đặt ghi âm trong phòng để xem Phụng có vô thức nhắc cái tên đó nữa không. Và đỉnh điểm là chồng cô lén cài định vị vào điện thoại để theo dõi Phụng. Cảm thấy bị xúc phạm, Phụng đề nghị ly hôn. 

Trong một buổi nói chuyện chuyên đề về giữ gìn chính mình trong hôn nhân, một bạn trẻ đã thảng thốt kêu lên: “Em chẳng hiểu em đã làm gì đời mình” vì sự hoài nghi như một vết dầu cứ loang mãi trên mặt nước, chiếm hết không gian yêu đương chúng ta từng có. Vì khi nhìn chồng vừa cạo râu vừa huýt sáo, lại nghĩ chắc chồng có gì vui. Thấy chồng ủi áo sơ-mi màu hồng, lại nghĩ chắc là đang có vấn đề…

Bao nhiêu thứ đã nhấn chìm những ngày đáng lẽ vui của vợ chồng trẻ ấy. Nhưng cô đã không cho phép mình tận hưởng tháng ngày trăng mật đáng nhớ bởi một dòng tin nhắn từ số điện thoại không được lưu trong danh bạ chồng, nội dung: “Ăn trưa chưa anh?”.

Tôi ngồi cùng Hòa, một cô gái trẻ vừa chạy trốn khỏi nhà chồng với nhiều thương tích. Cô bị chồng bạo hành lần thứ n bởi những cơn ghen tuông vô cớ của anh. Bốn giờ chiều tan sở, về nhà 15 phút chạy xe, trễ hai phút là đánh. Trưa gọi facetime mà không trả lời vì bận, chiều về… đánh.

Hòa phân trần rằng có lẽ vì anh ấy quá yêu nên nghi ngờ em. Điều đó có lẽ đúng với Hòa, khi cô chấp nhận sống trong bạo hành và tin rằng chỉ vì quá yêu nên người ta mới… nghi ngờ nhau.

Không còn biết tin ai, tin vào điều gì?

Câu chuyện ATM gạo gần đây có lẽ là câu chuyện khiến lòng tin của mọi người chao đảo nhất. Mọi thứ đang tốt đẹp, trơn tru, thì sự cố xảy ra và không phải ai cũng có kịch bản để ứng phó với búa rìu dư luận. Bấy nhiêu đủ để đám đông hoang mang với ý nghĩa thật sự của hai từ “từ thiện”. Cuộc sống bây giờ, sự hoài nghi có lẽ mang hiệu ứng dây chuyền. Một người lên tiếng, là cả xã hội hưởng ứng. Họ thích chia sẻ những điều có thể “giết chết” con người nhanh nhất.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Ai cũng cho rằng có quá nhiều điều không còn đáng tin. Cả cộng đồng, cả xã hội dường như chỉ chực chờ ai đó bị bóc phốt, bị ném đá, để thêm một lần xác tín sự hoài nghi của mình là đúng. Rất ít ai chịu công nhận người nào đó thực sự tử tế. Bất cứ hành động nào cũng đều được thêu dệt thành một câu chuyện mang màu sắc của sự hoài nghi.

Tới hôm nay, cuộc chiến "ba chữ A" đã tạm thời lắng xuống. Nhưng đâu đó mọi người vẫn nghi ngại hành động chia sẻ hình ảnh cùng với hashtag của mình đã vô tình truyền thông miễn phí cho chương trình. Sẽ rất bình thường vì đó là một câu chuyện nhân văn để kêu gọi quỹ cho cộng đồng trẻ tự kỷ Việt Nam.

Vậy mà đột nhiên chỉ cần ai ném một hòn sỏi hoài nghi vào hồ nước đang tĩnh lặng chứa đầy lòng yêu thương đó, cũng khiến người ta giật mình vì nghĩ rằng mình bị lợi dụng. Họ bấn loạn ẩn bài, chia sẻ những thông tin xỉa xói chương trình vì tin rằng đó là chiến dịch truyền thông “bẩn”. Cả xã hội đồng loạt lên tiếng, mọi người nhìn nhau e ngại. Từ một câu chuyện nhân văn, nhanh chóng quẹo sang câu chuyện nghi ngờ.

Một tổ chức từ tâm cho những gia đình có con tự kỷ biến thành một kẻ ăn ké truyền thông. Cả xã hội đang hân hoan vì mình vừa góp tay vào một việc tốt, bỗng thắng gấp lại trước hành động tử tế của chính mình. Người ta tin rằng mình bị lừa, bị lợi dụng mà quên mất, dù thế nào thì mình cũng vừa làm được một việc tốt.

Đi từ đời sống hôn nhân đến thường nhật, phải giật mình đôi ba lần bởi chúng ta đang khủng hoảng niềm tin trầm trọng. Chúng ta có thể ngược xuôi để giải quyết một sự cố truyền thông chỉ để lấy lại niềm tin của người tiêu dùng. Chúng ta có thể bung tiền ra làm quảng cáo để người mua thêm tin vào thương hiệu. Nhưng có mấy ai chậm lại để giải quyết những khủng hoảng mang tên hoài nghi từ trong tim mình.

Ta hoang mang trước vô số thông tin. Ta nghi ngờ mọi thứ từ tình yêu của chồng/vợ đến lòng tốt của bạn bè. Sao không thấy rằng sự hoài nghi đang lớn dần trong ta, chính là một cuộc khủng hoảng lớn nhất cần được giải cứu.

Thật khó để kêu gọi một ai đó sống mà đừng nghi ngờ, hãy thong dong sống, tin vào hết thảy mọi điều. Trao đi một niềm tin cũng lo lắng, yêu chân thành cũng lo lắng, vì sợ mình thất vọng, sợ những mất mát. Mà đáng lẽ chỉ cần tin và yêu một cách chân thành, chúng ta sẽ nhận về bao nhiêu sự thanh thản và rất nhiều niềm vui. 

Lan Khôi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI