Khủng hoảng người di cư, tị nạn: Bài toán nhân đạo hay lợi ích quốc gia?

30/09/2019 - 17:00

PNO - Chính quyền Mỹ tuyên bố sẽ thiết lập mức giới hạn 18.000 người nhập cư cho mỗi năm tài chính và cho phép chính quyền các bang cấm người tị nạn tìm kiếm hỗ trợ tái định cư.

Mỹ đề ra mức trần số người nhập cư hằng năm

Ngày 26/9, chính quyền Tổng thống Trump tuyên bố thiết lập giới hạn 18.000 người nhập cư cho năm tài chính tiếp theo, bắt đầu từ ngày 1/10. Đồng thời, cơ quan quản lý nhập cư cũng ban hành một mệnh lệnh hành pháp cho phép các tiểu bang hoặc chính quyền địa phương cấm tái định cư người tị nạn.

Khung hoang nguoi di cu, ti nan: Bai toan nhan dao  hay loi ich quoc gia?
Cậu bé di cư từ Honduras chờ đợi tại cửa khẩu biên giới Mexico - Mỹ ở Tijuana - Ảnh: AFP

Phản ứng trước quyết định, các chuyên gia cảnh báo rằng, lượng người di cư, tị nạn đến Mỹ sẽ suy giảm nhanh chóng, kéo theo sự sụp đổ của những cơ sở hạ tầng hỗ trợ người tị nạn khi họ đến Mỹ. Jen Smyers - giám đốc chính sách của tổ chức Church World Service - nhận xét rằng, động thái này chẳng khác việc phá hủy hoàn toàn chương trình tị nạn.

Những nhà hoạt động nhân quyền đặc biệt quan tâm đến khoảng 8.000 người tị nạn đã được chấp thuận đến Mỹ, nhưng bây giờ hành trình của họ có thể bị trì hoãn hoặc hủy bỏ. Các quan chức cao cấp của Mỹ giải thích rằng, mức trần nhập cư được đề ra giữa lúc chính quyền đang gặp khó khăn khi phải xử lý số lượng người xin tị nạn quá lớn tại biên giới phía nam. Dù vậy trên thực tế, chương trình tị nạn khác với chương trình dành cho người di cư: Bộ An ninh nội địa và Bộ Tư pháp giám sát các đơn xin tị nạn; còn Bộ Ngoại giao giám sát tái định cư cho người di cư. 

Theo định nghĩa chung, người xin tị nạn là một cá nhân đang tìm kiếm sự bảo vệ quốc tế; còn người di cư là người trốn khỏi quê hương của họ và không thể hoặc không muốn trở về. Do đó, người tị nạn có thể không phải là người di cư, nhưng mọi người di cư đều có khả năng trở thành người tị nạn.

“Ngọn hải đăng cho tự do” đã tắt?

Kể từ khi hệ thống xử lý di cư, tị nạn được chính thức hóa vào năm 1980, trung bình Mỹ đặt mức trần 95.000 người nhập cư một năm, dù vậy ít khi nào con số đạt đến mức tối đa. Trong khi Bộ Ngoại giao thường chỉ định số lượng người di cư đến từ các khu vực như châu Phi và Trung Đông, đề xuất của Nhà Trắng vừa qua có một số khác biệt. 

Chính phủ dành 1.500 chỗ cho những người từ El Salvador, Honduras và Guatemala; dù số liệu cho thấy lực lượng chức năng chỉ nhận 502 người từ ba quốc gia trên trong năm 2018. Có 5.000 vị trí dành riêng cho những người chạy trốn khỏi xung đột tôn giáo, kèm theo đó là 4.000 suất dành cho những người Iraq đã giúp Mỹ và 7.500 chỗ cuối cùng dành cho những người di cư khác.

Khi những người di cư chạy trốn khỏi quê hương, các thành viên trong gia đình thường mất liên lạc và gửi hồ sơ vào các mốc thời gian khác nhau. Việc đoàn tụ các gia đình trở nên khó khăn hơn do số lượng văn phòng cơ quan tái định cư - vốn giúp người di cư, tị nạn trong những việc như mua nhà, tìm khóa học ngôn ngữ hoặc kiếm việc làm - ngày càng thu hẹp. Cùng với mức trần nhập cư thấp hơn, các gia đình khó đoàn tụ nếu các tiểu bang và chính quyền địa phương cấm người di cư, tị nạn tìm kiếm hỗ trợ pháp lý.

Jennifer Sime - phó chủ tịch cấp cao về các chương trình tại Mỹ của Ủy ban Cứu hộ quốc tế (IRC) - nhận xét: “Nước Mỹ từng tự hào rằng, mình là ngọn hải đăng của hy vọng và tự do cho mọi cá nhân bị bức hại trên khắp thế giới, bất kể họ đến từ đâu, và đó chắc chắn không phải là điều mà chính quyền hiện tại mong muốn duy trì”.

Theo cơ quan tị nạn của Liên Hiệp Quốc (UNHCR), hơn 35.000 người buộc phải rời bỏ nhà cửa mỗi ngày vào năm 2018. Tổng cộng 26 triệu người đã chạy trốn qua biên giới (di cư quốc tế), 41 triệu người phải di dân trong nước (di cư nội địa) và 3,5 triệu người xin tị nạn. 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI