Khủng hoảng livestream triệt tiêu sự riêng tư ở trường học Trung Quốc

03/05/2017 - 09:31

PNO - Sự bùng phát ứng dụng livestream đang gây nên cơn khủng hoảng về quyền riêng tư tại các trường học ở Trung Quốc.

Nhắc đến livestream (đăng tải video trực tiếp), mọi người thường nghĩ ngay đến tính năng riêng có của mạng xã hội facebook.

Tuy nhiên, ở Trung Quốc, nền tảng Shuidi Zhibo mới là ứng dụng cung cấp livestream phổ biến, được mọi người sử dụng để đăng tải clip, từ chia sẻ bí quyết hẹn hò đến trang điểm. 

Khung hoang livestream triet tieu su rieng tu o truong hoc Trung Quoc
Không gian trong lớp luôn có camera theo dõi - Ảnh: New York Times

Mới nhất là trào lưu đăng tải hình ảnh quay trực tiếp từ trường học. Hiện đã có khoảng 200 video được đăng tải rộng rãi cho mọi người xem về các buổi học, kỳ thi, giờ ra chơi như một cách dò xét, theo dõi hoạt động của các em học sinh (HS). 

Nhất cử nhất động của các em đều bị chú ý đã gây ra nỗi ám ảnh, bức bối ở lứa tuổi đang khẳng định mình, cần được tôn trọng quyền riêng tư cá nhân. 

Những năm gần đây, livestream phát triển rầm rộ ở Trung Quốc với hơn 300 nền tảng cung cấp, thu hút khoảng 340 triệu người theo dõi. Với thị trường hấp dẫn đó, có phải bất cứ nội dung gì cũng dễ dàng xuất hiện? Câu trả lời là không.

Dịch vụ trực tuyến iQiyi đã thực hiện khảo sát với 20.000 người thì gần 70% phản đối livestream ở trường học. Thế nhưng, livestream hình ảnh các lớp học đang trở thành “vấn nạn” mà nhiều chuyên gia cho là có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tinh thần của HS.

Các đoạn livestream trích từ camera theo dõi đặt trong khuôn viên từ trường mẫu giáo đến các trường phổ thông. Khi được đăng công khai, những đoạn clip thu hút sự chú ý, dò xét, thậm chí là những lời bình luận không mấy thiện cảm từ cộng đồng mạng.

Một đoạn video quay giờ học của trường Yuzhou No.1 High tại tỉnh Hà Nam đã có đến 34.000 lượt xem và những HS xuất hiện trong clip trở thành đề tài bàn tán của mọi người. 

Hiệu trưởng Wen Mingjian của trường cho biết, trường trang bị webcam ghi lại hình ảnh HS nhằm cải thiện hành vi của các em, xóa sổ bạo lực học đường.

Hơn nữa, việc phát trực tiếp hình ảnh HS giúp phụ huynh (PH) có thể theo dõi hoạt động của con mình, nhất là những PH làm ăn xa, giao con cho ông bà chăm sóc.

Khung hoang livestream triet tieu su rieng tu o truong hoc Trung Quoc
Các hoạt động tại trường học được phát trực tiếp tại trường học ở Trung Quốc. Ảnh: CNN

Tuy nhiên, việc phát trực tiếp hình ảnh của các em một cách rộng rãi không hẳn được PH ủng hộ. Anh Shi Shuangyan, một lao động từ Hà Nam đang làm việc ở Bắc Kinh cho biết, anh muốn nhìn thấy cảnh con học hành để yên tâm nhưng anh phản đối việc phát tán nội dung tràn lan như vậy.

Sau khi nhận làn sóng chỉ trích từ dư luận, trường học trên đã ngưng phát livestream hình ảnh các em, chọn chế độ riêng chỉ cho các PH theo dõi.

Theo Phó giám đốc Yao Weiyao, ỦB Bảo vệ thanh thiếu niên thuộc Hiệp hội Luật sư Trung Quốc: “Đăng tải video liên quan đến trẻ vị thành niên mà không được sự đồng ý của các em là hành vi xâm phạm quyền cá nhân”.

Phó giám đốc Zhao Yueling, Viện Sức khỏe tâm thần Hà Nam cho rằng: “Việc trở thành đối tượng bị theo dõi mọi lúc mọi nơi khiến trẻ dễ bị ngột ngạt, căng thẳng và dễ làm tổn hại mối quan hệ giữa PH và các em khi PH luôn rình mò, dõi theo con một cách thái quá".

Phó chủ tịch Xiong Bingqi, Viện Nghiên cứu giáo dục thế kỷ XXI là một trong những người thẳng thắn lên chỉ trích việc quay livestream trong giờ học vì cho là sẽ ảnh hưởng đến chất lương giảng dạy của giáo viên và chất lượng học tập của HS.

Khi đó, cả thầy và trò đều lo bị phán xét, không thể tập trung sáng tạo trong suốt tiết học. Theo ông Xiong Bingqi, việc quay hình và phát trực tiếp chỉ là cách giải quyết phần ngọn.

Cải cách giáo dục không phải chỉ cần livestream công khai mà sự thay đổi từ nền tảng mới là ngọn nguồn của đổi mới tích cực. Khi đó, không cần camera, PH cũng vẫn yên tâm về môi trường học đường của con em mình.

Anh Thông (Theo Global Times, New York Times)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI