Khủng hoảng di dân, nạn đói ngày càng trầm trọng hơn

29/10/2022 - 09:09

PNO - Thế giới đang có đến 828 triệu người trong tình trạng thiếu dinh dưỡng. Khủng hoảng khí hậu đã khuếch đại khó khăn, đẩy ngày càng nhiều người hơn phải di cư.

Thế giới đang có đến 828 triệu người trong tình trạng thiếu dinh dưỡng. Theo công bố của Tổ chức Di cư quốc tế trước thềm Hội nghị lần thứ 27 Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, nguồn nước, môi trường và sinh kế đều bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, kéo theo khủng hoảng di dân.

Nạn đói trở lại 

Sau khi giảm đều đặn trong một thập niên, nạn đói đang gia tăng trở lại, ảnh hưởng đến gần 10% dân số toàn cầu. Từ 2019-2022, số người thiếu dinh dưỡng đã tăng thêm đến 150 triệu người. Khủng hoảng này được xác định do xung đột, biến đổi khí hậu và đại dịch COVID-19 gây ra.

Một người cha bên cạnh đứa con bị suy dinh dưỡng cấp tính nghiêm trọng, được điều trị tại Bệnh viện Phụ sản và Trẻ em  Banadir ở Mogadishu, Somalia - ẢNH: GETTY IMAGES
Một người cha bên cạnh đứa con bị suy dinh dưỡng cấp tính nghiêm trọng, được điều trị tại Bệnh viện Phụ sản và Trẻ em Banadir ở Mogadishu, Somalia - Ảnh: Getty Images

Giữa tháng Mười, tổ chức phi lợi nhuận đi đầu phong trào chấm dứt nạn đói Action Against Hunger (AAH) cho biết, chỉ có 7% kêu gọi tài trợ nhân đạo khẩn cấp về nạn đói thông qua hệ thống của Liên Hiệp Quốc được đáp ứng trong năm 2021.

AAH kết luận, thế giới đang thất bại trong việc ngăn chặn khủng hoảng đói kém. Hiện đang có khoảng 828 triệu người - tương đương 1/10 dân số thế giới - đang thiếu dinh dưỡng. Trong đó, có đến 50 triệu người ở 45 quốc gia đang cận kề nạn đói. Biến đổi khí hậu, chiến tranh và lạm phát tăng cao đã tác động đến khả năng trồng trọt của nông dân, khả năng chi trả của thị dân, làm tăng chi phí đối với các tổ chức nhân đạo trong việc bảo đảm và vận chuyển lương thực.

Châu Phi vốn thường xuyên phải đối mặt với nạn đói. Tình trạng mất an ninh lương thực cho vùng châu Phi cận Sahara sẽ trở nên tồi tệ hơn nếu các chính sách hiệu quả không được đưa ra để giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.

Một nghiên cứu của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) công bố hôm 15/9 cảnh báo rằng, biến đổi khí hậu có thể làm trầm trọng thêm điều kiện thời tiết, gây cản trở hoạt động nông nghiệp. Từ đó, các quốc gia phải đối mặt với hàng loạt tác động kéo theo như tình trạng di cư lên các thành phố, phụ thuộc ngày càng nhiều vào nhập khẩu.

“Hiện tại ở Đông Phi đang có đợt hạn hán tồi tệ nhất trong lịch sử gần đây và sau đó là lũ lụt ở Tây Phi. Phần lớn người châu Phi cận Sahara là nông dân, ngư dân và chăn nuôi gia súc, vì vậy họ sống phụ thuộc vào nông nghiệp, nhưng lại không có cơ sở hạ tầng để giúp đối phó với các cú sốc khí hậu” - Pritha Mitra - nhà kinh tế của IMF - cho hay. Chưa hết, xung đột Nga-Ukraine và lạm phát toàn cầu còn đẩy giá lúa mì ở lục địa đen lên hơn 45%, theo Ngân hàng Phát triển châu Phi.

Khủng hoảng di dân ở Trung Đông và Bắc Phi

Biến đổi khí hậu làm gia tăng các xu hướng di cư, tạo ra vòng luẩn quẩn làm giảm sản lượng lương thực trong nước và không ít quốc gia ngày càng phụ thuộc vào lương thực, thực phẩm nhập khẩu. Như đã nói, hầu như mọi quốc gia châu Phi cận Sahara đang diễn ra sự chuyển dịch dân số từ nông thôn sang thành thị.

Xu thế này còn tăng nhanh hơn nếu nông dân không còn lựa chọn nào khác ngoài việc bán đất đai đang canh tác, từ bỏ việc đồng áng để có tiền trang trải cuộc sống. Lực lượng lao động nông nghiệp thu hẹp đồng nghĩa các quốc gia phải đối mặt với sự sụt giảm nghiêm trọng về sản xuất lương thực.

Khu vực Trung Đông và Bắc Phi (MENA, hay còn gọi là Tây Nam Á) là một điển hình để xem xét các khía cạnh của tình trạng di cư do ảnh hưởng của khí hậu. Các nước Vùng Vịnh Ả Rập giàu dầu mỏ nhưng thiếu lực lượng lao động địa phương đã thu hút người nhập cư từ Nam và Đông Nam Á (những khu vực đang hứng chịu hiện tượng thời tiết khắc nghiệt).

Trong trường hợp này, khủng hoảng khí hậu đã khuếch đại khó khăn, đẩy ngày càng nhiều người hơn vào con đường di cư hiện nay. Không giống như những người chạy trốn khỏi các cuộc xung đột ở Yemen, Palestine hoặc Sudan, người di cư do suy thoái khí hậu sẽ không đủ điều kiện để xin tị nạn theo các quy định pháp lý về vấn đề này.

Thay vào đó, họ chỉ được coi là người di cư lao động theo con đường nhập cư do các cơ hội kinh tế bị hạn chế ở quê nhà và không được bảo đảm các quyền trong trường hợp cần thiết. Các biện pháp bảo vệ người lao động ở các quốc gia Vùng Vịnh vốn nổi tiếng là yếu kém, người lao động phải chịu sự quản lý của người sử dụng lao động về tình trạng cư trú. Thậm chí ở đó hầu như không có những biện pháp ngăn chặn hiệu quả đối với những hành vi tấn công và bạo lực tình dục mà các phụ nữ làm nghề giúp việc nhà phải gánh chịu.

Nam Anh (theo Time, IOM, UNDP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI