Kính gửi chị Hạnh Dung,
Vợ chồng tôi sống với nhau hơn 30 năm, nhiều khó khăn cả hai đã cùng trải qua, con cái đã trưởng thành. Theo tôi, cuộc hôn nhân này tốt đẹp, đạt được những kết quả khả quan. Nhiều việc trong đời tôi đã không thể thực hiện được nếu không có chồng con. Tôi nghĩ chồng tôi cũng vậy. Tôi cảm thấy gia đình mình vô cùng quý giá. Dù các con đã lớn, tôi vẫn chăm lo từng chút; tất cả những gì có thể làm được tôi đều làm, không tiếc thời gian sức lực.
Tuy nhiên, bây giờ tôi có cảm giác chỉ một mình tôi nỗ lực. Chồng tôi cho rằng bao nhiêu năm tập trung làm việc vậy cũng đủ rồi, bây giờ anh muốn theo đuổi những sở thích cá nhân.
Hồi trẻ, chồng tôi mê ca hát, chơi nhạc, giờ anh tham gia những hội nhóm mà tôi không biết. Ngoài thời gian làm việc, anh ít khi có mặt ở nhà. Các con cũng có bạn bè, công việc riêng; tôi có nói chuyện thì các con cũng nói ba má nên sống cho mình.
Tôi vốn có bệnh tiểu đường, gần đây bác sĩ nói bệnh đang chuyển xấu. Nhiều khi nghĩ mà buồn, bệnh tật cũng là kết quả của một chặng đường dài mình căng thẳng làm việc chăm lo chồng con. Giờ đến gần cuối đường, hạnh phúc có vẻ như nguội lạnh, tôi thấy ai cũng lo sống phần mình.
Tôi đã đề nghị chồng con về nhà ăn cơm, cuối tuần ở nhà nhưng không có kết quả. Chưa kể mọi người còn bực bội, khó chịu. Tôi phải làm sao?
Nhung Nguyễn (TPHCM)
|
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock |
Chị Nhung Nguyễn thân mến,
Hôn nhân có nhiều giai đoạn. Nếu hiểu rõ từng giai đoạn, mình sẽ bình tĩnh hơn, đặt những kỳ vọng phù hợp hơn, từ đó hạnh phúc hơn.
Anh chị đang bước vào tuổi trung niên. Ở giai đoạn này, trong mỗi cá nhân cũng như trong cuộc hôn nhân đều có những khủng hoảng nhất định. Đôi khi mình càng khép chặt vòng tay, dù đó là vòng tay yêu thương chăm sóc, mọi người càng cảm thấy ngột ngạt và vùng vẫy muốn thoát ra.
Với gia đình chị, các thành viên đều đã trưởng thành. Anh chị đã xây dựng được một nền tảng chắc chắn, các con được nuôi dạy vững vàng. Việc chồng chị dành thời gian theo đuổi sở thích cá nhân cũng có thể coi là một dấu hiệu tích cực thể hiện rằng anh yên tâm về gia đình, anh hạnh phúc khi được sống với đam mê.
Đây là lúc chị đặt niềm tin vào từng thành viên, tin tưởng rằng với những gì mình đã làm, mỗi thành viên đều sẽ có những đóng góp cho gia đình, yêu thương, nâng đỡ những lúc cần đến nhau.
Cùng ăn cơm, cùng có mặt ở nhà… là những biểu hiện của việc gắn kết, nhưng chỉ là các biểu hiện cơ bản. Chị không nên quá lo lắng khi thiếu các hành động này. Chị có thể nói chuyện với chồng con theo hướng mở rộng không gian của mỗi người, để ai cũng có khoảng tự do cá nhân. Các quy tắc của gia đình nên phù hợp theo mong muốn của mỗi thành viên, đừng bỏ lửng nhưng cũng đừng quá chặt chẽ.
Thay vì yêu cầu cuối tuần nào cả nhà cũng phải có mặt ở nhà, chị có thể sắp xếp để gia đình cùng đến xem chồng chị chơi nhạc, biểu diễn ở hội nhóm của anh. Thay vì chị phải loay hoay nấu cơm rồi gọi và đợi cả nhà về ăn, cả nhà hãy cùng nhau thưởng thức một bữa ăn ở ngoài, để mọi người đều tiện và thoải mái thu xếp.
Điều quan trọng là vợ chồng chị cùng nhau nắm giữ mối dây kết nối các thành viên của gia đình. Chị chia sẻ với chồng, lúc này lúc khác, nếu người này lỏng tay thì người kia nắm chặt hơn một chút. Gia đình ngày càng lớn, mai đây còn có thêm những thành viên mới, mình mở rộng không gian cũng là để đón nhận những điều này.
Chấp nhận gia đình có những sự thay đổi theo mỗi giai đoạn, chị cũng sẽ có những điều chỉnh tích cực trong cuộc sống riêng. Ví dụ, chị tập trung chữa bệnh, sống nhẹ nhàng thảnh thơi, tập thể dục, tham gia các hoạt động ưa thích… Chữa bệnh không chỉ cần thuốc mà còn cần yếu tố tinh thần.
Chắc chắn các thành viên gia đình chị vẫn cảm nhận được sự chăm lo, yêu thương của chị. Chúc chị bình tâm, vui vẻ với gia đình hạnh phúc của mình.
Hạnh Dung
|
Ảnh minh họa |
NẾU TÔI LÀ NGƯỜI TRONG CUỘC
Ngọc Sương (Huyện Nhà Bè, TPHCM): Hãy là người mẹ hiện đại
Câu nói “ba má nên sống cho mình” cho thấy các con của bạn đã trưởng thành và có những suy nghĩ chín chắn về mối quan hệ gia đình. Các con hiểu rằng mỗi người đều có cuộc sống riêng, không muốn bạn quá tập trung vào việc chăm sóc con cái mà bỏ quên bản thân, muốn ba má có một cuộc sống trọn vẹn đúng nghĩa chứ không chỉ xoay quanh con cái.
Giới trẻ ngày nay ít ăn cơm nhà và đây là vấn đề phổ biến, bạn không nên quá lo lắng. Với bạn, việc nấu nướng tụ tập ăn uống tại nhà vào cuối tuần sẽ vui nhưng có thể các con sẽ cảm thấy khó khăn. Hơn nữa, sau 1 tuần học tập, làm việc mệt mỏi, các con đều muốn có kế hoạch, không gian riêng với bạn bè, bạn không nên ép buộc các con phải theo ý mình.
Nếu mọi người không đồng ý cùng ăn tối vào cuối tuần, có thể bàn bạc để chọn một ngày khác hoặc hỏi ý kiến các thành viên trong gia đình để cùng tham gia vào hoạt động nào đó như đi ăn tối bên ngoài, xem phim/kịch, chơi thể thao…
Văn Thanh (Huyện Châu Thành, tỉnh Long An): Đã đến lúc bạn nên sống cho chính mình
Sức khỏe hiện tại của bạn là kết quả của những tháng ngày lao động không ngừng nghỉ, vậy tại sao ngay bây giờ bạn không dành thời gian để chăm sóc bản thân, tận hưởng những điều bạn yêu thích? Chồng bạn đã biết cách cân bằng cuộc sống, bạn cũng nên tìm cho bản thân những niềm vui riêng để cuộc sống thêm ý nghĩa.
Có thể thái độ và áp lực bạn đặt vào việc đề nghị chồng con về nhà ăn cơm, cuối tuần ở nhà vô tình khiến mọi người cảm thấy căng thẳng hơn. Thay vì thế, hãy dành thời gian chăm sóc bản thân, làm những điều mình yêu thích. Khi bạn vui vẻ, thoải mái, không khí gia đình cũng sẽ trở nên dễ chịu hơn. Biết đâu, chính sự thư thái của bạn sẽ là động lực để chồng con tự nguyện về nhà quây quần bên mâm cơm ấm cúng vào cuối tuần.
Rất nhiều người mắc bệnh tiểu đường, thậm chí từng gặp phải những biến chứng nhưng nhờ chế độ ăn uống hợp lý và luyện tập đều đặn, đường huyết của họ luôn ổn định. Ngược lại, bệnh tình có thể trở nên nghiêm trọng hơn nếu bạn thường xuyên cảm thấy buồn bã, lo lắng, không kiểm soát được chế độ ăn uống và lười vận động.
Hãy thử các bài tập nhẹ nhàng như đi bộ, chạy bộ, yoga, kết hợp với việc ăn uống lành mạnh. Khi cân bằng được chế độ dinh dưỡng, kiểm soát cảm xúc và giữ tinh thần lạc quan, bạn sẽ thấy bệnh tình có nhiều chuyển biến tích cực.
Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn