Khi Ấn Độ đang trong tình cảnh nguy cấp trước sự tấn công của làn sóng COVID-19 thứ 2 với số người chết kỷ lục thì nước láng giềng Nepal cũng rơi vào tình trạng kiệt quệ không kém.
Hệ thống y tế của nước này vốn đã nghèo nàn giờ đây lại rơi vào khủng hoảng khi các khu chăm sóc đặc biệt chật cứng người và các bệnh viện đang thiếu oxy nghiêm trọng. Nhiều cơ sở y tế ở Nepal đã từ chối tiếp nhận bệnh nhân COVID-19 vì thiếu thuốc và giường bệnh. Các bác sĩ lo ngại đợt bùng phát dịch bệnh mới sẽ đẩy đất nước rơi vào khủng hoảng, thậm chí có thể còn tồi tệ hơn cả Ấn Độ.
“Cơ sở hạ tầng y tế của chúng tôi đang gặp khủng hoảng. Tình trạng chênh lệch cung - cầu oxy là rất lớn. Chúng tôi cũng không còn vắc-xin nữa”, Tiến sĩ Samir Kumar Adhikari, người phát ngôn chính của Bộ Y tế, cho biết.
|
Một phụ nữ ở Kathmandu cầm bình oxy đã được đổ đầy tại một nhà máy - Ảnh: Reuters |
Khi làn sóng COVID-19 thứ 2 nhấn chìm Ấn Độ và những vùng đất rộng lớn của đất nước đang bị đóng cửa, những người lao động Nepal nhập cư bắt đầu quay về nhà, và rất nhiều người trong số họ mang theo virus biến thể B.1.617.2 - biến thể lây lan nhanh lần đầu tiên được tìm thấy ở đất nước đông dân thứ 2 thế giới. Theo Bộ Y tế Nepal, biến thể này hiện chiếm gần 100% các trường hợp nhiễm bệnh ở đất nước nghèo đói với 30 triệu dân này.
Dự kiến sẽ có thêm 400.000 công nhân tiếp tục quay trở về Nepal trong những tuần tới và nỗi lo ngại càng được dâng cao.
Sự kết hợp của các yếu tố đã cho thấy thảm họa đã, đang và sẽ đến với Nepal khi số ca mắc mới được báo cáo trong 24 giờ trước là 8.136 ca, tăng hơn 65 lần so với hai tháng trước và có đến 196 trường hợp tử vong trong 24 giờ đó (trong khi đầu tháng trước, chỉ có 5 trường hợp được báo cáo hàng ngày).
Đến nay Nepal đã ghi nhận hơn 472.000 trường hợp mắc COVID-19 và khoảng 5.400 trường hợp tử vong, và các chuyên gia tin rằng số trường hợp và số liệu tử vong này là quá thấp so với thực tế.
Tiến sĩ Sher Bahadur Pun, trưởng nhóm nghiên cứu lâm sàng tại Bệnh viện Bệnh truyền nhiễm và Nhiệt đới Sukraraj ở thủ đô Kathmandu cho biết: “Đợt dịch này, trình trạng lây nhiễm diễn ra rất nhanh so với đợt đầu tiên và ảnh hưởng đến nhiều người trong độ tuổi từ 30-50. Mọi người đang vô cùng lo lắng”, Sara Beysolow Nyanti, điều phối viên thường trú của Liên Hiệp Quốc tại Nepal, cho biết.
Nhưng trên hết, số người bị nhiễm mới vẫn đang tăng lên từng giờ, các bác sĩ cho biết điều này có nghĩa là số người chết hàng ngày sẽ tiếp tục tăng.
“Tuần đầu tiên sau khi bệnh nhân nhiễm COVID-19, các triệu chứng thường nhẹ, nhưng ở tuần thứ 2, tình hình có thể trở nên nghiêm trọng và bệnh nhân có thể cần oxy… trong khi chúng tôi không thể đáp ứng nhu cầu oxy của họ”, người phát ngôn Bộ Y tế cảnh báo.
Chính phủ đã giới hạn số lượng bình oxy cho mỗi bệnh viện trong một nỗ lực đảm bảo phân phối công bằng. Chính điều này khiến nhiều bệnh viện từ chối tiếp nhận bệnh nhân mới. "Chúng tôi có đủ nhân lực như bác sĩ và y tá để chăm sóc bệnh nhân nhưng không đủ oxy", bệnh viện tư nhân Om ở Kathmandu cho biết trong một thông báo.
|
Các nhân viên quân đội và nhân viên y tế chuyển thi thể của một bệnh nhân tử vong vì COVID-19 vào xe cứu thương bên ngoài nhà xác ở Kathmandu - Ảnh: AFP |
Người dân Nepal - giống như người dân nước láng giềng Ấn Độ - đã trở nên tự mãn về việc phòng ngừa sau khi đợt đầu tiên nhẹ hơn dự kiến và họ tin rằng COVID-19 đang "rút lui". Tiến sĩ - bác sĩ Retiesh Kanojia, làm việc gần biên giới Nepal - Ấn Độ, cho biết: “Mọi người đã vô cùng bất cẩn. Người ta tổ chức những đám cưới lớn, các lễ hội tôn giáo và các cuộc mít tinh chính trị đồng thời phớt lờ dịch bệnh".
Thông thường, Nepal sẽ chuyển những ca bệnh nặng sang Ấn Độ để cung cấp oxy trong khi nước láng giềng của họ không có gì để dự phòng. Adhikari cho biết Ấn Độ đã cố gắng gửi “2 đến 3” tàu chở oxy và 900 bình bằng đường bộ, nhưng con số đó vẫn không đủ. “Ấn Độ đang gặp khủng hoảng và rõ ràng sự khủng hoảng này đã ảnh hưởng đến chúng tôi”, ông nói thêm.
Ấn Độ cũng đã ngưng xuất khẩu vắc-xin do sự thiếu hụt cho nhu cầu trong nước. Điều này khiến các nước láng giềng như Nepal, Bangladesh, Sri Lanka và các quốc gia khác phải tranh giành các nhà cung cấp thay thế. Ngoài ra, điều này cũng làm cho chương trình COVAX của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) - một chương trình nhằm đảm bảo vắc-xin cho các nước nghèo được tiếp cận vắc-xin công bằng - rơi vào tình trạng hỗn loạn.
Điều phối viên của Liên Hiệp Quốc Nyanti đã đến thăm các bệnh viện nơi bệnh nhân COVID-19 đang chen chúc nhau ở hành lang và các lối đi để chờ đợi được điều trị. Cô cho biết Nepal đang bị "lãng quên" trong câu chuyện viện trợ vắc-xin COVID-19 trên toàn cầu.
"Khi số lượng ca lây nhiễm khổng lồ từ Ấn Độ đang thu hút sự chú ý, hệ thống chăm sóc sức khỏe của nước này dù bị cho là kém nhất trên thế giới về chi tiêu bình quân đầu người nhưng vẫn mạnh mẽ hơn Nepal bởi dân số của họ lên đến gần 1,4 tỷ người. Nepal đang thực sự bất lực vì oxy. Chúng tôi cần các nhà máy tạo oxy, máy tạo và bình oxy", cô Nyanti cho biết.
Tuy nhiên, theo cô Nyanti, về lâu dài, cách duy nhất để ngăn chặn những làn sóng dịch bệnh liên tiếp ở Nepal là các biện pháp y tế công cộng và vắc-xin, và các nước giàu nên tăng cường cung cấp chúng cho đất nước này. “Đó là hành động nhân văn cơ bản", cô nói.
Thảo Nguyễn (theo AFP, AP, SCMP)