edf40wrjww2tblPage:Content
Bé Mỹ Hạnh đã dần hồi phục
Mở đầu cho loạt phim KKST là câu chuyện của Quốc Huy - em bé bị văng ra khỏi bụng mẹ trong một tai nạn giao thông khi cha mẹ em trên đường đến bệnh viện. Trong tập phim dài 15 phút, là hình ảnh xe cứu thương chạy vội vã, ánh đèn phòng mổ và ánh mắt khẩn trương của các bác sĩ, bé sơ sinh với những ống thở ngang dọc nằm trên giường bệnh, người cha chỉ còn một chân, nén nhang thắp tiễn đưa người mẹ… Tất cả khiến người xem nghẹn ngào.
Nội dung của KKST đều lấy từ những câu chuyện thật, đã được biết đến qua các phương tiện truyền thông. Đó là chuyện Trần Tất Doanh (24 tuổi, sống tại Biên Hòa, Đồng Nai) bị máy cắt chém ngang người, trong tập hai có chủ đề Đối diện tử thần.
Doanh đã chiến thắng thần chết sau gần 120 ngày đứng trước lằn ranh sinh tử. Đó là bé Mỹ Hạnh, được chẩn đoán viêm não Nhật Bản khó qua khỏi hoặc để lại di chứng bại liệt. Đó là Mai Thanh Sang - người bị chôn vùi 103 giờ trong kho đông lạnh lớn nhất tỉnh Đồng Tháp, với nhiệt độ âm 22oC.
Đến ngày thứ tư, khi mọi hy vọng tìm kiếm với nỗ lực của 20 chiến sĩ phòng cháy chữa cháy và 1.000 công nhân đã cạn kiệt, thì anh được tìm thấy. Sau một tháng điều trị bỏng lạnh, phẫu thuật cắt chân bỏng tại Bệnh viện Chợ Rẫy, anh về nhà ăn bữa cơm chiều với vợ con, điều mà anh đã hẹn trước khi tai nạn xảy ra vào ngày định mệnh ấy.
Nhìn bà nội bé Quốc Huy kể lại giây phút nghe thông tin về tai nạn của vợ chồng con trai bằng đôi mắt ngấn nước, khán giả cảm nhận nỗi đau đó thật hơn bao giờ hết. Nghe ba mẹ bé Mỹ Hạnh trầm ngâm chia sẻ khoảnh khắc con mình đang chơi rồi lịm đi, sau đó là những ngày dài bất tỉnh trong bệnh viện, nước mắt người xem lại rơi.
“Mỗi lần múc cơm ăn thì nhớ tới anh, không biết trong đó anh còn sống hay đã chết. Em khấn nhiều lắm. Em mong sao cho anh ra, anh thoát nạn. Anh về sau này có tật nguyền gì cũng chịu”, nghe tâm sự của chị Nguyễn Thị Hai, vợ anh Sang, thấy khoảnh khắc sinh tử của một người còn là chuyện một phần đời của những người thân thuộc.
Nhiều khán giả đã biết thể loại phim tài liệu phục dựng qua chương trình Seconds from Disaster (Vài giây trước thảm họa) của kênh National Geographic, hoặc một số chương trình của kênh Discovery… Với việc tái hiện những sự kiện có thật, KKST ngoài những hình ảnh tư liệu, còn có phần tái dựng.
Trong phần tái dựng, chính nhân vật thật đảm nhiệm việc thể hiện mình trong biến cố đó, hoặc sử dụng người đóng thế. “Sau khi xong phần kịch bản, tái hiện là phần mất nhiều kinh phí và thời gian nhất”, nhà báo Binh Nguyên - đạo diễn KKST cho biết.
Trường hợp bé Quốc Huy, ê kíp đã kịp ghi hình khi sự việc xảy ra, với những cảnh thực tế tại bệnh viện. Tuy nhiên, nhiều trường hợp khác không được như thế.
Trong tập phim về vụ máy bay rơi ở thung lũng Ô Kha (H.Khánh Sơn, Khánh Hòa) cách đây hơn 20 năm, ê kíp đã tái dựng hiện trường câu chuyện ở núi Dinh (Bà Rịa - Vũng Tàu) với khoang máy bay chính là của chiếc máy bay rơi. Người sống sót duy nhất trong tai nạn là người ngoại quốc, cô Annette Herfkens (Hà Lan), nên ê kíp phải tìm người đóng thế.
May mắn, người đóng thế đã cảm thụ rất nhanh cảm xúc của một người mất dần hy vọng sau tám ngày đói khát, một mình trong rừng sâu, xung quanh la liệt xác chết lẫn tro tàn từ máy bay. Tập phim về vụ cháy tòa nhà ITC vào năm 2002, cũng không quá khó khi tái hiện nhờ phương tiện kỹ thuật tốt và hình ảnh tư liệu còn lại.
Nhưng nhóm thực hiện gặp khó trong việc tìm gặp lại các nhân chứng. Ê kíp đã lần dò từng mối liên hệ để tái hiện hình ảnh một người chắp tay cầu nguyện khẩn thiết cho những người bên trong tòa nhà, từ đó dẫn dắt vào câu chuyện chia sẻ của nhân chứng. Trong câu chuyện một công nhân bị rơi từ trên cao, ê kíp phải nhờ cascadeur đóng thế.
“Thật ra, nếu so với Seconds from Disaster thì mọi thứ của KKST vẫn còn đơn giản lắm. Seconds from Disaster có thể tái hiện cả việc nổ tung một máy bay hay chìm một con tàu hạng sang ngoài khơi, dĩ nhiên là với một kinh phí rất khủng”, đạo diễn Binh Nguyên cho biết.
26 câu chuyện của KKST là 26 trường hợp thoát chết hy hữu. Các bác sĩ tham gia trong chương trình chia sẻ, nếu không có ý chí sống mạnh mẽ, những người đứng trước lằn ranh sinh tử ấy không thể nào “quay lại” được. Trước tiên, họ đã tự cứu chính mình.
KKST còn mang đến những hình ảnh nhân văn: những con người xa lạ chung tay giúp đỡ người bị nạn, những bước chân hối hả của các y bác sĩ đang làm mọi cách để giành giật mạng sống với tử thần.
Không phục vụ cho mục đích hiếu kỳ, không nhằm lấy sự thương xót, bằng những hình ảnh xúc động của những người chiến thắng tử thần, chương trình gửi đến người xem thông điệp: sự sống đáng quý, đáng trân trọng biết bao.
VÕ HÀ