Hàng “dỏm” núp bóng giỏ quà
Chị Nguyễn Thị Mai (ngụ phường Thạnh Xuân, quận 12) cho biết, tết vừa rồi, gia đình chị được bạn bè, người thân tặng 4 giỏ quà. Thấy quà đẹp và sang trọng nên chị đem trưng bày trước bàn thờ. Mới đây, chị Mai mang quà ra khui với dự định sẽ mang bánh kẹo lên chia sẻ với đồng nghiệp ở công ty, thì hỡi ơi.
Chị nói: “Cầm hộp bánh tôi thấy nhẹ hơn bình thường nên nghi ngờ. Nhìn kỹ, tôi phát hiện hộp bánh giống Danisa nhưng là Damira. Bên trong có một vỉ nhựa đựng vài cái bánh được bọc giấy bóng trắng”. Chị Mai tiếp tục khui một hộp bánh hiệu Choco Fini có vỏ bao bì giống bánh Choco-Pie thì phát hiện trong “ruột” giống hệt hộp bánh Damira. Những người tặng quà cho biết họ đặt mua các giỏ quà trên mạng.
Tương tự, chị Hồ Thị Lan (huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi) cũng bức xúc khi “đụng” phải hàng dỏm trong giỏ quà tết. Chẳng là chị Lan ở nhà thờ họ nên dịp tết nhận được khá nhiều quà. Sau tết, chị chọn hộp bánh bông lan hiệu Soliete mang tặng mẹ chồng. Thế nhưng khi mẹ chồng mở hộp bánh thì bên trong không có bánh bông lan mà chỉ là những chiếc bánh quy có màu sắc trắng bệt. Bà đành mang bỏ vào thùng rác chứ không dám ăn.
Chuyện “khui giỏ quà tết, rước lấy bực mình” hiện đang “nóng” trên các diễn đàn mạng xã hội. Rất nhiều người chia sẻ các đoạn clip “cười ra nước mắt” khi khui các hộp quà trống không hoặc bên ngoài một đằng, bên trong một nẻo.
|
Hình ảnh những hộp bánh đặt trong giỏ quà nhà chị Mai ở quận 12 |
Làm sao để tránh những giỏ quà “dỏm”
Ông Trần Xuân Pha - phụ trách chăm sóc khách hàng của một hệ thống bán lẻ tại TPHCM - cho biết, chuyện những giỏ quà kiểu “treo đầu dê bán thịt chó” không mới mà đã diễn ra từ hàng chục năm qua. Những giỏ quà này thường được mua trên mạng hoặc ở lề đường, các cửa hàng nhỏ lẻ. Với các hệ thống bán lẻ uy tín, siêu thị, thì những sản phẩm này không thể lọt vào.
“Dịp đầu năm, cũng có một số trường hợp mang quà dỏm đến chỗ chúng tôi phản ánh. Nhưng qua kiểm tra thì không phải quà từ chỗ chúng tôi bán ra. Để tránh mua phải các giỏ quà dỏm, người dân nên tìm đến các cửa hàng, siêu thị uy tín” - ông Trần Xuân Pha chia sẻ.
Bác sĩ Nguyễn Xuân Mai - nguyên Phó viện trưởng Viện Y tế công cộng TPHCM - khuyến cáo, khi gặp phải các loại bánh kẹo, mứt, thức uống nghi là hàng giả trong các giỏ quà tết, người dân không nên sử dụng mà phải báo cho cơ quan chức năng để xử lý. Các sản phẩm làm giả thường có màu sắc lòe loẹt do sử dụng phẩm màu. Phẩm màu hóa học thường chứa kim loại nặng gây hại cho sức khỏe và có thể dẫn đến suy thận, ung thư. Bác sĩ Mai quả quyết: “Đã là hàng nhái, hàng giả thì không được lưu hành trên thị trường. Do đó, mặt hàng này sẽ không được kiểm duyệt về an toàn thực phẩm. Chúng ta không biết các loại bánh mứt, thức uống này được làm với thành phần thế nào, tỉ lệ và việc bảo quản ra sao, do đó nó tiềm ẩn nguy cơ mất vệ sinh, an toàn thực phẩm rất cao”.
Luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn Luật sư TPHCM) cho biết, theo quy định tại khoản 7, điều 3, Nghị định 98/2020/NĐ-CP thì các mặt hàng trong giỏ quà tết nêu trên được xác định là hàng giả. Tùy theo mức độ vi phạm, cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi buôn bán hàng giả có thể bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Về mặt hành chính, theo điều 11, Nghị định 98/2020/NĐ-CP, mức phạt đối với hành vi buôn bán hàng giả đối với cá nhân cao nhất sẽ là từ 30-50 triệu đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có trị giá từ 30 triệu đồng trở lên hoặc thu lợi bất hợp pháp từ 50 triệu đồng trở lên mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Mức phạt đối với tổ chức sẽ gấp hai lần mức phạt đối với cá nhân theo điểm b, khoản 4, điều 4 của nghị định trên.
Về trách nhiệm hình sự, cá nhân có hành vi buôn bán hàng giả có thể bị truy cứu về tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm” (điều 193, Bộ luật Hình sự 2015) hoặc “Tội lừa dối khách hàng” (điều 198, Bộ luật Hình sự 2015).
Luật sư Trần Minh Hùng khuyến cáo, nếu không may mua phải các giỏ quà “dỏm”, người tiêu dùng cần lưu giữ lại các bằng chứng như hình ảnh, video mở sản phẩm, hóa đơn chứng từ, tin nhắn thỏa thuận làm cơ sở khiếu nại người bán. Đầu tiên, khách hàng nên thương lượng, trao đổi lại với người bán để tìm ra phương án giải quyết tốt nhất như đổi trả hàng, hoàn trả một phần giá trị sản phẩm. Nếu hàng hóa có giá trị lớn, người mua hàng có thể khởi kiện ra tòa. Trường hợp phát hiện hành vi buôn bán bánh kẹo, thực phẩm giả thì người dân có thể thông báo cho các cơ quan chức năng hoặc tố cáo cho cơ quan công an.
Sơn Vinh