Khúc tráng ca của những chiến sĩ tình báo

27/04/2025 - 19:11

PNO - Không có những chiến hào, không có lửa khói bom đạn, cuộc chiến của những chiến sĩ tình báo, biệt động thành diễn ra âm thầm trong lòng đô thị Sài Gòn hoa lệ. Trên màn ảnh, họ hiện lên kiêu hãnh, quả cảm và đầy trí tuệ trong bộ 2 phim kinh điển “Ván bài lật ngửa” và “Biệt động Sài Gòn”. Đây cũng là 2 trong số 6 tác phẩm điện ảnh trong danh dách 50 tác phẩm văn học - nghệ thuật tiêu biểu của TPHCM giai đoạn 1975 - 2025.

Ván bài lật ngửa: Những màn đấu trí không khoan nhượng

Trong dòng chảy văn học hiện đại Việt Nam, nhiều tiểu thuyết tình báo đã ghi dấu sâu đậm trong lòng bạn đọc như Ông cố vấn (Hữu Mai), X-30 phá lưới (Đặng Thanh), Sao đêm (Triệu Huấn)... Tuy nhiên, Ván bài lật ngửa là tác phẩm hiếm hoi không chỉ thành công trên trang sách mà còn tạo nên hiện tượng khi được chuyển thể thành phim điện ảnh.

Nhân vật Nguyễn Thành Luân trong phim Ván bài lật ngửa cuộc đời điệp viên Phạm Ngọc Thảo
Nhân vật Nguyễn Thành Luân trong phim Ván bài lật ngửa được lấy cảm hứng từ cuộc đời điệp viên Phạm Ngọc Thảo

Ra mắt tập đầu tiên năm 1982, trong bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn sau chiến tranh, Ván bài lật ngửa nhanh chóng gây tiếng vang lớn. Với tám tập phim trong thời gian từ 1982 - 1987, phim giữ kỷ lục là loạt phim điện ảnh nhiều tập ăn khách nhất. Sự dàn dựng công phu, bối cảnh Sài Gòn thời Mỹ - Diệm (1954–1963) được tái hiện tỉ mỉ, cùng với ngôn ngữ điện ảnh trầm lắng, chỉn chu dưới bàn tay đạo diễn Lê Hoàng Hoa, đã chinh phục khán giả nhiều thế hệ.

Lấy cảm hứng từ cuộc đời điệp viên Phạm Ngọc Thảo, kịch bản do nhà văn Trần Bạch Đằng chấp bút dưới bút danh Nguyễn Trương Thiên Lý. Đạo diễn Lê Hoàng Hoa đã làm phim bằng sự am hiểu sâu sắc lịch sử, đồng thời sáng tạo thêm nhiều chi tiết để câu chuyện thêm phần kịch tính, hấp dẫn.

Ngay từ tập mở màn Đứa con nuôi của vị giám mục, khán giả được dẫn dắt vào trận chiến của những chiến sĩ tình báo đầy gay cấn, với nhân vật Nguyễn Thành Luân – người được cài cắm vào nội bộ đối phương, từng bước chiếm lòng tin của Tổng giám mục Ngô Đình Thục và cố vấn Ngô Đình Nhu. Hành trình ấy tiếp tục trải dài suốt bảy tập phim, với những hiểm nguy luôn cận kề, từ sự truy sát của chính quyền Việt Nam Cộng hòa đến những cuộc đấu trí với điệp viên CIA.

Ván bài lật ngửa hấp dẫn với những màn đấu trí căng thẳng v
Ván bài lật ngửa hấp dẫn với nội dung sâu sắc, mạch phim logic, lời thoại thông minh, sắc sảo

Không chỉ hấp dẫn bởi những màn đấu trí căng thẳng, bộ phim còn gây ấn tượng với những đại cảnh quy mô như trận Bình Xuyên, cuộc nổi dậy ở Bến Tre, hay các cảnh lễ Phật Đản đẫm máu – tái hiện chân thực những biến động lịch sử thời kỳ đó.

Nội dung sâu sắc, mạch phim logic, lời thoại thông minh, sắc sảo – tất cả làm nên sức nặng cho Ván bài lật ngửa. Một trong những yếu tố góp phần tạo nên thành công của Ván bài lật ngửa chính là cách xây dựng nhân vật Nguyễn Thành Luân, một chiến sĩ tình báo thông minh, quả cảm và quyết đoán. Những nhân vật đối đầu với Nguyễn Thành Luân, đặc biệt là cố vấn Ngô Đình Nhu được khắc họa với sự thâm trầm, sắc sảo, điềm tĩnh. Chính sự đối đầu ngang tài ngang sức ấy đã làm nổi bật hơn bản lĩnh, trí tuệ và sự hy sinh thầm lặng của những chiến sĩ tình báo cách mạng.

Một thành công nữa ở Ván bài lật ngửa là góc nhìn đầy nhân văn của nhà văn Trần Bạch Đằng và đạo diễn Lê Hoàng Hoa: chúng ta không khoan nhượng với kẻ thù, nhưng cũng không phủ nhận tài năng của đối phương. Bộ phim khép lại bằng hình ảnh Nguyễn Thành Luân mang vòng hoa đến viếng mộ Ngô Đình Nhu – một hình ảnh lặng lẽ nhưng chứa đựng trọn vẹn tinh thần nhân văn của những người cộng sản Việt Nam.

Biệt động Sài Gòn- Bản anh hùng ca bất tử

Bộ phim kinh điển của đạo diễn Long Vân, không chỉ là đỉnh cao của điện ảnh cách mạng Việt Nam mà còn khắc họa đầy ấn tượng hình tượng những chiến sĩ tình báo quả cảm hoạt động trong lòng địch.

Biệt động Sài Gòn khắc họa sâu sắc hình tượng những chiến sĩ tình báo quả cảm hoạt động trong lòng địch.
Biệt động Sài Gòn khắc họa hình tượng những chiến sĩ tình báo quả cảm hoạt động trong lòng địch.

Dựa trên những câu chuyện có thật về lực lượng biệt động thành Sài Gòn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, bộ phim tái hiện những cuộc đấu trí cân não, những hi sinh thầm lặng của các chiến sĩ với vỏ bọc thường dân giữa chốn đô thành. Tư Chung (Quang Thái) – người chỉ huy đội biệt động Sài Gòn – cùng Ngọc Mai (Hà Xuyên), Huyền Trang (Thanh Loan), Sáu Tâm (Thương Tín), Năm Hòa (Bùi Cường)... đã tạo nên một bản anh hùng ca về lòng dũng cảm và trí tuệ Việt Nam.

Không bi tráng với bom đạn chiến tranh, Biệt động Sài Gòn khiến người xem nghẹt thở theo từng tình huống nguy hiểm, khi các chiến sĩ phải đối mặt với kẻ thù và giữ vững lòng trung kiên giữa muôn trùng hiểm nguy. Từ việc cải trang thành vợ chồng tư bản đến đóng vai ni cô giữa phố thị... từng nhân vật đã tô đậm hình ảnh người chiến sĩ tình báo kiên cường, mưu lược, giàu lý tưởng.

Ra mắt năm 1986, bộ phim gồm bốn tập: Điểm hẹn, Tĩnh lặng, Cơn giông, Trả lại tên cho em nhanh chóng gây sốt, tạo nên kỷ lục. Khán giả từ Bắc vào Nam xếp hàng dài trước phòng vé. Nhiều nơi như rạp Cổ Nhuế (Hà Nội) từng xảy ra tình trạng chen lấn đến mức đổ tường vì người dân háo hức mua vé.

Biệt động Sài Gòn đến nay vẫn là một trong những bộ phim kinh điển của Điện ảnh cách mạng Việt Nam
Biệt động Sài Gòn đến nay vẫn là một trong những bộ phim kinh điển của Điện ảnh cách mạng Việt Nam

Biệt động Sài Gòn không chỉ chạm tới ký ức của một thế hệ đã trải qua chiến tranh, mà còn mở ra nhịp cầu kết nối với lớp trẻ hôm nay. Những kỷ vật và câu chuyện về lực lượng biệt động vẫn được lưu giữ tại Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định, như một điểm hẹn thiêng liêng trong những ngày tháng 4 lịch sử.

Gần bốn thập kỷ trôi qua, bộ phim vẫn là "tượng đài" của điện ảnh Việt Nam, là khúc tráng ca về lòng yêu nước, sự hy sinh thầm lặng và sức mạnh quật cường của những chiến sĩ đã góp phần làm nên chiến thắng Mậu Thân 1968 và mùa xuân đại thắng 1975.

Nguyên Thảo

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI