Khúc ruột lòng - trăm giận ngàn thương

04/05/2024 - 06:04

PNO - Những ngày qua, rất nhiều người đã đặt ra một câu hỏi vô cùng đau xót: “Vì sao cha mẹ không thể liên lạc, không thể cập nhật được nơi ở và cuộc sống của con mình?”. Hỏi không phải để quy lỗi hay trách cứ ai mà để thấy: Cần lắm sự kết nối gia đình, dù con bao nhiêu tuổi, còn bé hay đã trưởng thành, sống ở nơi xa hay cùng cha mẹ dưới một mái nhà.

Bước vào ngưỡng cửa lập thân lập nghiệp, bước vào mối quan hệ lứa đôi, con có những khó khăn, thử thách riêng và nỗi lòng mẹ cha cũng oằn nặng vì nhiều lẽ. Mỗi người đã loay hoay, đã nỗ lực giải quyết câu chuyện của mình và tiếc thay, trên đường đi tìm lời giải, họ đã không gặp nhau. Ngọn lửa tình thâm không kịp sưởi ấm cho họ qua khúc sông lạnh run rẩy chống chèo.

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Những ngày chăm sóc con ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM, bà Nguyễn Thị L. (Mỏ Cày Nam, Bến Tre) tự dặn lòng không rớt giọt nước mắt nào, vì quá giận con gái hỗn hào, bất hiếu, đã bỏ đi hoang nhiều năm, lâu lâu xuất hiện chỉ để làm áp lực xin tiền cha mẹ.

Rồi giờ đây, con gái lại “hành” bà cú chót khi nhiễm HIV/AIDS, khiến bà phải thôi công việc giữ trẻ, vào bệnh viện nuôi con. Nhưng khi thấy con gái giành giật từng hơi thở trên giường bệnh, bà bật khóc và câu nói vọng lên từ vô thức: “Ráng sống nhen con! Ráng về với cha với mẹ và 2 em nhen con!”. Con gái bà mắt nhắm nghiền, thở thoi thóp, vẫn cố rướn người về phía đầu giường, quờ tay tìm khăn giấy đưa cho bà lau nước mắt. “Từ con”, “từ cha mẹ”, những tiếng đó làm đâu dễ như nói, nhất là nói trong cơn giận dữ; bởi tình thâm là hơi thở, là khúc ruột lòng, là dòng máu lưu chuyển trong người.

Một sáng đầu tuần, một bà mẹ đau khổ liên hệ nhờ phóng viên Báo Phụ nữ TPHCM tham gia phi vụ tiếp cận, dẫn dụ con gái bà ở TPHCM để bà “hốt” con lên xe hơi đưa về Long An… nhốt lại.

Khi nghe phóng viên phân tích tính bất khả thi, vi phạm pháp luật và đạo đức xã hội của kế hoạch này, bà bật khóc, phân trần: “Tôi hết cách rồi. Con gái tôi đã có việc làm tốt ở Long An, nhà vợ chồng tôi đầy đủ tiện nghi mà nó không chịu về ở, cứ thuê trọ ở TPHCM. Tôi lân la tìm được thì nó chuyển chỗ trọ. Nhà trọ này là nhà trọ thứ bảy trong vòng 2 năm. Số điện thoại thì thay liên tục. Bà nội mất cũng không biết cách nào để báo tin cho nó. Duy chỉ có tôi gửi tiền vào tài khoản nó thì nó rút xài hết. Tôi định bỏ nó nhưng không thể. Dù sao cũng là con”.

Trong bộ phim Lật mặt 7: Một điều ước trình chiếu từ tháng 4/2024, câu chuyện “kết nối” được kể bằng những giọt nước mắt. Đó là nước mắt hối hận của con cháu; nước mắt bao dung của bà lão 73 tuổi, bị tai nạn gãy chân, chỉ buồn chứ không giận các con khi chúng vì công việc riêng mà lần lữa, so đo trong việc phụng dưỡng mẹ già.

Bà đã tự quyết cho mình, “bốc hơi” khỏi cuộc đời các con bằng cách âm thầm đi vào nhà dưỡng lão. Trong hành trang xẹp lép ấy luôn có tấm hình của bà và các con được cắt ghép cho đủ mặt vì sum họp gia đình vẫn chỉ là điều ước của bà.

Chuyên gia tâm lý Hồ Thị Tuyết Mai (Trung tâm Tư vấn tình yêu - hôn nhân - gia đình, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam) từng dẫn dắt một cậu trai trẻ đi từ ý nghĩ “mẹ là người ích kỷ, độc đoán, áp đặt, không biết thương con” đến khẳng định “mẹ đã dành cả cuộc đời cho con”. Cậu đến tham vấn trong tình trạng không thèm liên lạc với mẹ nhiều năm và mẹ cậu cũng “coi như chưa từng có đứa con này”.

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Cậu kể mẹ không biết lắng nghe, mẹ áp đặt, can thiệp thô bạo mọi chuyện từ chọn trường chọn ngành đến mối quan hệ yêu đương của cậu. Cậu ở hẳn trong ký túc xá, chấp nhận tự đi làm thêm, chạy xe ôm, tự nuôi sống bản thân và đóng học phí. Ra trường, đi làm, cậu vẫn đoạn tuyệt với mẹ. Cậu là đứa con duy nhất, ba đã mất nên mẹ cậu sống một mình. Cậu đến tham vấn không phải nhằm kết nối lại với mẹ mà vì lo ngại, bất an khi cô bạn gái mới quen có nhiều nét tính cách giống mẹ cậu, không biết sau này đến với nhau sẽ hạnh phúc hay không.

Chuyên gia tâm lý gợi mở, phân tích cho cậu về việc xây dựng lại tình cảm gia đình như là nền móng của mọi mối quan hệ khác, kể cả kết nối với bản thân. Cuối cùng cậu đã quay về với mẹ và kịp chăm sóc mẹ trong lúc bệnh nặng, chỉ một mình tự xoay xở. Sự tìm về của cậu cho mẹ liều thuốc để vượt qua cơn bạo bệnh. Gần gũi, chăm sóc nhau, mối quan hệ mẹ con dần được cải thiện, ngày càng hạnh phúc, đầm ấm, vui vầy.

“Đã nhiều năm trôi qua, tôi vẫn nhớ giọng nói hăm hở, hào hứng pha lẫn nghẹn ngào, đứt quãng của cậu qua điện thoại cảm ơn tôi và thông báo đã định được ngày tổ chức lễ thành hôn” - cô Tuyết Mai tươi cười chia sẻ.

Tô Diệu Hiền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI