Khúc ngẫu hứng trên phố đi bộ

09/11/2023 - 07:20

PNO - Phố đi bộ Nguyễn Huệ không chỉ là địa điểm vui chơi hiện đại, mà còn là một đại sân khấu của nhiều loại hình biểu diễn...

Cách đây hơn 20 năm, khi tôi là cô sinh viên mới lên Sài Gòn trọ học, tối thứ Bảy tôi thường ra cầu thang dẫn lên sân thượng tha thẩn với mớ cây kiểng. Cô nhóc cháu của chủ nhà khoe: “Con chuẩn bị ra Sài Gòn chơi nè”. Tôi ngạc nhiên quá chừng, ở Sài Gòn mà ra Sài Gòn chơi sao?

Thì ra với những gia đình là dân Sài Gòn lâu đời thứ thiệt, đi Sài Gòn nghĩa là ra quận Nhất, đi chợ Bến Thành, đi ăn kem Bạch Đằng, đi đường Nguyễn Huệ ghé công viên ngay trước UBND thành phố đứng hóng mát...

Phố đi bộ Nguyễn Huệ rực rỡ về đêm
Phố đi bộ Nguyễn Huệ rực rỡ về đêm (ảnh tư liệu)

Nhiều năm sau, tôi ra trường ở lại thành phố này đi làm rồi lập gia đình và sinh con. Lúc đó tôi ở gần khu trung tâm, nên buổi tối cơm nước xong tôi hay chở con trai đi dạo hóng mát. Thằng bé quen nếp, hễ ăn xong là đề nghị: "Mình đi hóng mát cho khuây khỏa đi ba mẹ". Chàng ta học được từ khuây khỏa từ bác bảo vệ nhà xe. Mỗi lần, bác thấy chàng đi hóng mát về, bác hay đùa: "Con đi hóng mát cho khuây khỏa à!". Chàng không hiểu khuây khỏa là gì, nhưng nghĩ nó oách lắm, người lớn lắm.

Buổi tối thời đó, đi hóng gió cũng chẳng biết đi đâu ngoài nhà thờ Đức Bà - phía trước nhà thờ có khuôn viên nhỏ, trẻ con có thể đi bộ, chạy nhảy; và đường Nguyễn Huệ - phía trước tượng đài Bác Hồ.

Còn nhớ cách đây tầm 15 năm, 2 bên đường Nguyễn Huệ còn nhiều cửa hàng tráng phim và rửa hình, mua bán máy hình, 2 bên công viên trước tượng đài buổi tối vẫn nhiều xe cộ qua lại. Có rất nhiều người ghé vào, dựng xe sát khuôn viên và ngồi trên ghế đá nghỉ mát, ăn tối, uống nước hoặc ngồi bên nhau hàn huyên tâm tình. Cậu nhóc nhà tôi mỗi lần đến đây thường hào hứng chạy hết chỗ này đến chỗ khác. 

Rồi chúng tôi rời khu trung tâm đã lâu để chuyển về vùng ven. Thỉnh thoảng vẫn đi ngang chốn xưa, nhà thờ Đức Bà đang trùng tu, đường Nguyễn Huệ bây giờ đã thay da đổi thịt, khang trang, rộng rãi. Thỉnh thoảng tôi bắt gặp trên mạng đoạn clip quay đường Nguyễn Huệ thuở trước, trong lòng cũng có chút tiếc nhớ, nhưng thú thực phố đi bộ Nguyễn Huệ bây giờ mới phát huy hết công năng của nó. Thành phố cần có một nơi chốn công cộng, rộng rãi, thoáng đãng để các bạn trẻ thỏa sức vui chơi và thể hiện.

Một sáng cuối tuần, tôi ghé qua đây khi cơn mưa vừa tạnh, nắng lên và không khí tươi mát, phố đi bộ rộn ràng với các nhóm nhảy mở nhạc tưng bừng, đồng phục sành điệu các bạn trẻ đang quay clip nhảy hiện đại, khỏe khoắn và sexy. Rời nhóm quay phim, tôi sà ngay vào vòng tròn đông đúc những bạn trẻ đang cổ vũ nhiệt tình cho các dancer của loại hình street dance (vũ điệu đường phố) đang dance battle (nhảy đối kháng).

Thường thì các đội sẽ khổ luyện những skill (kỹ năng) để đến những buổi thi thố thể hiện những tuyệt kỹ để thu hút và thuyết phục khán giả. Và, khán giả đứng tuổi như tôi cũng bị những vũ điệu trẻ trung bắt mất hồn mà nhún nhảy theo. 

Một lần ghé con phố loáng nước, tôi đinh ninh đây là "lãnh địa" của các cháu tuổi teen đến tuổi đôi mươi, nhưng quả thực tôi đã "bé cái nhầm" vì còn có một phố đi bộ rất khác vào lúc lên đèn. Buổi tối phố là sân chơi của các bé nhi đồng và ông bà, cha mẹ. 

Con phố dài mấy trăm mét, sáng trưng, sạch sẽ, không có xe cộ nên rất thoáng mát, không gian rộng và gió lộng quá thích hợp để bố mẹ đưa con ra chơi. Ở đâu có trẻ em thì ở đó xuất hiện người bán đồ chơi, bán kẹo bông gòn, bán những con thú được cắt xếp bằng giấy nhiều màu... Ngoài ra còn có dịch vụ chụp hình cùng con trăn, biểu diễn nhân tượng... không những thu hút trẻ em mà người lớn cũng rất thích. 

Các bạn nhỏ thích vận động sẽ mê dịch vụ cho thuê giày patin, xe trượt cân bằng... Phần nhiều các bé không quen nhau, nhưng ba mẹ thuê cho đôi giày patin hay cái xe trượt cân bằng là nhanh chóng kết bạn với nhau, cùng nhau lượn khắp chiều dài con phố và cười khanh khách như thân quen nhau lắm. 

Một buổi biểu diễn hiphop ở phố đi bộ (ảnh: Diệp Phan)
Biểu diễn hip hop ở phố đi bộ (ảnh: Diệp Phan)

Góc khác thì biễu diễn hát hò, những bài nhạc thời thượng, phụ huynh và các bé đứng nghe, đặc biệt là các khán giả nhí "quẩy" nhiệt mình. Rồi một chỗ khác thì biểu diễn nhạc bolero do các bạn khiếm thị hát, ai đi ngang mà có hứng thú thì ngẫu hứng khiêu vũ và hát, chỗ này thu hút những khán giả lớn tuổi. Tất cả các nghệ sĩ đường phố này đều có in mã QR code để ở khu vực của mình để thuận tiện cho khán giả nếu muốn "trả tiền".  

Rồi bỗng nhiên một nhóm LGBT hóa trang thành những nhân vật trong truyện tranh Nhật Bản từ đâu “đổ bộ” lên phố làm người ta tụ tập lại ngắm nhìn trầm trồ và khu phố trở thành sàn diễn để những nhân vật xinh đẹp sải bước. 

Mới đó mà tôi đã “lạc” trong khu phố gần 2 tiếng đồng hồ, cứ đi từ chỗ này qua chỗ nọ, đứng thưởng thức nghệ thuật đường phố, mỏi thì ngồi nghỉ chân, bất kỳ đoạn đường nào cũng có đặt những bệ xi-măng ở  lối đi bộ để du khách có thể ngồi chơi ngắm phố.

Tôi đang ngồi dưới gốc những cây nguyệt quế thì nghe đâu đó giai điệu lãng mạng từ tiếng kèn saxophone. Lần theo hướng tiếng kèn thì ra bên kia đường, ngay góc ngã tư Lê Lợi - Nguyễn Huệ, bên cạnh cột đèn đường, có một nghệ sĩ đang ôm kèn say sưa thổi. 

Đây không phải là trung tâm của con phố đi bộ, nhưng tiếng kèn quá thu hút nên khán giả ngồi bên này đường hướng mắt sang theo dõi khá đông. Kế bên người nghệ sĩ thổi kèn là một gia đình đi chơi phố. Người cha đặt con gái lên một bệ cao, giữ tay con, cô con gái nhỏ đang múa ngẫu hứng theo giai điệu của người thổi kèn, người mẹ thì cổ vũ và quay phim 2 cha con. Không thấy ánh mắt họ, nhưng bằng cảm nhận, tôi biết họ đang vui, đang hạnh phúc. 

 

 

Trò chơi dân gian trên phố đi bộ (Ảnh: Minh An)
Trò chơi dân gian trên phố đi bộ (ảnh: Minh An)

Khu phố đi bộ Nguyễn Huệ mà tôi đi lang thang không chỉ là địa điểm vui chơi hiện đại, dễ chịu nó còn là một đại sân khấu của nhiều loại hình biểu diễn đường phố, là chốn mưu sinh của nhiều người và hơn hết đó còn là nơi hình thành kỷ niệm của bao thế hệ người Sài Gòn.

Đêm đó, tôi như con bướm hân hoan bay lượn đậu vào cánh hoa này một chút, rời đi, rồi lại đậu vào cánh hoa kia một chút. Và tiếng kèn, khúc nhạc của người sĩ bên góc đường cùng hình ảnh cô bé múa trong vòng tay cha mẹ, tôi muốn lưu giữ hình ảnh hạnh phúc đó, lâu lâu hồi tưởng lại... Để biết Sài Gòn đáng yêu đến thế nào!

Tác giả dự thi: Nguyệt Cát (TPHCM )

Tác phẩm tham gia cuộc thi viết về Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh, chủ đề “Thành phố của tôi” xin gửi về: tòa soạn Báo Phụ nữ TPHCM, 311 Điện Biên Phủ, phường 4, quận 3, TPHCM, ngoài bì thư ghi rõ “Bài dự thi cuộc thi viết Thành phố của tôi” hoặc gửi qua email: saigon-tphcm@baophunu.org.vn, tiêu đề ghi rõ “Bài dự thi cuộc thi viết Thành phố của tôi”.

Cơ cấu giải thưởng: 

- 1 giải Đặc biệt trị giá 70 triệu đồng.
- 1 giải Nhất trị giá 50 triệu đồng.
- 2 giải Nhì, trị giá 40 triệu đồng/giải.
- 3 giải Ba, trị giá 30 triệu đồng/giải.
- 10 giải Khuyến khích, trị giá 10 triệu đồng/giải.

- 1 giải Bài viết hay nhất về phụ nữ TPHCM trị giá 30 triệu đồng.
- 1 giải Bài viết hay dành cho tác giả là người nước ngoài, kiều bào sinh sống ở nước ngoài, trị giá 30 triệu đồng.
- Giải tháng: 10 triệu đồng/giải.

Ngoài ra, còn có các giải ấn tượng do ban giám khảo bình chọn cho bài viết chân dung phụ nữ, tác giả nữ cao tuổi nhất, tác giả có nhiều bài chất lượng nhất…

Đặc biệt, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM sẽ xem xét trao giải cho bài viết hay vào mỗi quý.

Xem thông tin chi tiết về cuộc thi tại đây: https://www.phunuonline.com.vn/cong-bo-cuoc-thi-viet-thanh-pho-cua-toi-a1503685.html

 

  •  
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI