Khúc đuôi cá lóc

26/03/2025 - 19:36

PNO - Trong suy nghĩ của bà, phụ nữ nhịn ăn, nhịn mặc lo cho chồng con là điều đương nhiên. Bà luôn đặt mình ở phía sau những người đàn ông trong nhà.

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Mẹ chồng Thu thuộc mẫu phụ nữ chịu thương, chịu khó, chiều chồng, thương con. Nhưng, từ ngày về làm dâu, Thu mới phát hiện ra sự chiều chồng, thương con trai, cháu trai của bà vượt quá người thường.

Bé Bông bị hóc xương cá. Thu nhận được điện thoại của mẹ chồng khi cô đang trong cuộc họp. Hốt hoảng chạy về nhà, cô tức tốc bồng con đi bệnh viện. Mẹ chồng hớt hải, im lặng, lủi thủi đi theo cô. Một đoạn xương cá khá dài được bác sĩ gắp ra. Ơn trời, con bé không bị làm sao. Trên đường về, Bông ríu rít: “Bà nội kêu con nuốt cục cơm nguội, rồi ngậm miếng chanh, rồi cầm đôi đũa gõ vô đáy cái chén ăn cơm… Làm đủ thứ mà con vẫn bị mắc cổ”.

Về tới nhà, nhìn mâm cơm vẫn còn nửa cái đuôi cá lóc, Thu chợt nghe máu nóng dồn lên mặt. Một sự uất ức, nghẹn lòng khiến cô muốn nói mà không nói được câu nào. Thu đẩy con vào phòng, đi thẳng mà không nhìn lại, dẫu biết ánh mắt buồn bã của mẹ chồng đang dõi theo mẹ con cô. Thu sợ nếu còn ở đó thêm phút nào, có khi cô sẽ nói ra điều gì khiến mẹ buồn lòng.

Mẹ chồng Thu thuộc mẫu phụ nữ chịu thương, chịu khó, chiều chồng, thương con. Nhưng, từ ngày về làm dâu, Thu mới phát hiện ra sự chiều chồng, thương con trai, cháu trai của bà vượt quá người thường. Làm thịt gà, bà lúc nào cũng phần ba chồng và chồng Thu những miếng ngon nhất. Dĩa thịt gồm má đùi, cánh, bộ lòng, bộ trứng non… sẽ đặt gần cánh đàn ông.

Phần bà, chỉ ngồi ý tứ chan canh, gắp rau, gỡ mãi chút thịt ở cái đầu gà hay khúc cổ gà… Thấy mẹ chồng ăn vậy, Thu cũng không dám gắp nhiều. Ăn cá, thì phần nửa trên ít xương, phần bụng cá thịt béo, cái bao tử giòn sần sật… đương nhiên là phần chồng, phần con trai. Bà và con dâu sẽ tỉ mỉ gỡ xương phần đuôi cá, vừa ăn vừa nhìn chồng con ăn ngon là thấy vui.

Rồi Thu sinh con đầu lòng - là một đứa con trai. Khỏi phải nói, cả nhà chồng cưng thằng nhỏ lắm, nhất là bà nội. Thằng Tí đòi gì, bà cũng đáp ứng. Mỗi lần bà làm thịt gà, thằng nhóc háu ăn đòi hết 2 cái đùi. Để giải quyết tình thế, mẹ chồng Thu thường mua 2 con gà để có đùi cho cả chồng, con trai và cháu đích tôn.

Mọi sự chỉ trở nên phức tạp khi Bông ra đời. Dù là em nhưng Bông không được bà cưng bằng anh Tí. Không ít lần, Thu nghe mẹ chồng dạy Bông “phải biết nhường anh” mà hoang mang, không biết mình có đang nghe nhầm…

Bình thường, mỗi khi Bông chơi đùa lớn tiếng, bà nội sẽ nhắc: “Con nói nhỏ thôi, để ông với ba ngủ!”. Một câu nhắc bình thường nhưng sao Thu nghe chạnh lòng. Chẳng bao giờ mẹ chồng nhắc con bé “để yên cho mẹ làm việc” hay “để yên cho mẹ nghỉ”.

Tí với Bông hay chí chóe giành đồ chơi suốt ngày. Mỗi lần bà nội làm người phân xử, thế nào bé Bông cũng xị mặt bởi trong cách nghĩ của bà, nó phải “biết nhường anh”. Không phải bà không thương Bông, bằng chứng là bà sẽ nhiệt tình tìm cho Bông một món đồ chơi khác.

Thu hiểu mẹ chồng không ghét cô. Chỉ là trong suy nghĩ của bà, phụ nữ nhịn ăn, nhịn mặc lo cho chồng con là điều đương nhiên. Bà luôn đặt mình ở phía sau những người đàn ông trong nhà và nghĩ đương nhiên Thu với bé Bông cũng cần phải thế.

Thu tự hỏi không biết trong suốt gần 70 năm cuộc đời, đã bao giờ bà thoải mái cầm một cái đùi gà ăn hay chưa. Mâm cơm với khúc đuôi cá trưa nay, ắt hẳn bà đã cẩn thận đeo cặp kính lão, tỉ mẩn gỡ từng cái xương để lấy phần thịt cho Bông ăn.

Phần đầu cá, bà vẫn không đụng tới, dù “cánh đàn ông” trưa nay không ai ở nhà. Sự nhường nhịn đã ăn vào máu, đã thành thói quen theo bà gần hết cuộc đời dù thật sự chồng, con bà không yêu cầu như vậy.

Chiều nay, Thu làm món gỏi gà. Vẫn 2 con gà cho một bữa ăn gia đình nhưng lần này, toàn bộ thịt cô xé ra trộn gỏi, phần nào không xé thì chặt bày ra dĩa cho mọi người cùng ăn. Từ nay về sau sẽ là như thế. Thu không muốn mẹ chồng tiếp tục cam chịu, càng không muốn con gái mình quen với sự cam chịu bất công ngay từ nhỏ, trong chính ngôi nhà của nó.

Hạ Thu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI