Đây là gói thầu thuộc công trình cải tạo hệ thống PCCC, xử lý nước thải, ô giếng trời, nội ngoại thất và lắp đặt hai thang máy nâng hàng tải khách của chợ, mà lẽ ra đã phải được làm từ lâu.
|
Tiểu thương chợ An Đông đã hoàn toàn mất niềm tin vào ban quản lý bởi có nhiều khuất tất trong việc sửa chữa, nâng cấp chợ |
Đủ thứ “phí” nhưng chợ mãi tả tơi, xuống cấp
Tuy nhiên, trao đổi với chúng tôi, đại diện tiểu thương cho rằng họ đã hoàn toàn mất niềm tin vào ban quản lý trung tâm và không chấp nhận ban quản lý hiện tại làm chủ đầu tư các hạng mục nâng cấp, sửa chữa chợ nữa. Theo họ, hàng loạt khuất tất cũ cũng như mới phát hiện. Tiểu thương ủng hộ giải pháp mà lãnh đạo TP.HCM đã đưa ra, đó là Thanh tra hãy vào cuộc.
Theo đại diện tiểu thương chợ An Đông 1, công trình được gọi là “nâng cấp, sửa chữa hệ thống cấp thoát nước, nhà vệ sinh, điện động lực” thi công vào năm 2014, thì thật ra người dân chỉ có thể “sờ tận tay” được mỗi hạng mục bốn cái toilet “vận hành” được vài tháng thì hư hỏng.
Thế mà, mãi đến gần đây, theo báo cáo của ban quản lý, người ta mới biết nó đã “ngốn” đến hơn 11,3 tỷ đồng.
Bà con bức xúc, lãnh đạo UBND quận 5 cùng đại diện ban quản lý chợ khẳng định với báo chí: “không có chuyện chỉ định thầu, mà thực hiện theo đúng Luật Đấu thầu”. Đến khi tiểu thương tìm được báo cáo bằng văn bản của ban quản lý thì phát hiện sự thật trái ngược. Thông báo số 14/TB-AĐ ký vào ngày “Cá tháng Tư” 1/4/2014 ghi rõ hình thức lựa chọn nhà thầu là… chỉ định thầu.
Bất cứ ai, tiểu thương hay khách hàng, khi sử dụng bốn nhà vệ sinh tại chợ An Đông 1 đều phải trả 2.000đ/lượt, nếu tắm rửa phải trả 5.000đ/lượt. Tổng thu số tiền này trong năm 2016 là gần 4 tỷ đồng. Ban quản lý cho biết đã dùng hơn 3,4 tỷ đồng từ nguồn thu này để trả lương, trợ cấp, bảo hiểm, chăm lo lễ tết… cho 37 nhân viên làm vệ sinh(?).
Theo tiểu thương, việc làm này quá lãng phí. Họ đã kiến nghị sử dụng dịch vụ vệ sinh thuê ngoài với mức lương 5 triệu đồng/tháng cho một nhân viên sẽ tiết kiệm khá nhiều tiền nhưng không được lắng nghe.
Nhiều lần tiểu thương đã yêu cầu gắn đồng hồ điện cho từng sạp để tự mình giám sát việc thu tiền điện tốt hơn. Nhưng ban quản lý chợ vẫn duy trì chính sách “thu chi thay” cho điện lực và thủy cục. Tổng thu tiền điện, nước năm 2016 theo kiểu này từ tiểu thương lên đến gần 7,7 tỷ đồng.
Số tiền này được ban quản lý chi cho công việc, bao gồm cả thanh toán hóa đơn cho Công ty Điện lực Chợ Lớn và Công ty Cấp nước Chợ Lớn, là gần 5,9 tỷ đồng. Tự ý chi (tiểu thương không hay biết) cho nhân viên và “chi khác” gần 1,2 tỷ đồng.
Thế nhưng, khi tiểu thương yêu cầu lấy số còn lại khoảng 1,4 tỷ đồng để trả chi phí tiền điện nước của tháng 2/2017 để họ khỏi phải đóng nữa thì ban quản lý bảo “chờ xem xét”.
Chưa hết, tồn tại một “mánh thu” của ban quản lý mà tiểu thương có “tài thánh” cũng không sao hiểu nổi, gọi là “phí chợ”. Mỗi quầy, sạp phải đóng 200.000 - 250.000 đồng/tháng. Tại chợ An Đông 1 có gần 2.300 quầy, sạp. Như thế, số tiền mà ban quản lý thu vào hàng tháng ngót nghét hơn 500 triệu đồng.
Và họ đã đè cổ tiểu thương ra thu gần 25 năm nay, vậy số tiền này là bao nhiêu, đi đâu? Khi các bức xúc “nổ ra”, tiểu thương đặt vấn đề, ban quản lý chợ mới tạm thời không thu nữa kể từ tháng 1/2017 với lý do “chờ hướng dẫn từ trên” (?).
Đó là chưa kể, người dân “choáng toàn tập” với các mức chi mà ban quản lý đưa ra. Ví dụ như phí sửa chữa đồng hồ ngoài trời của chợ tốn hết 12 triệu đồng. Tiểu thương cho rằng với giá này, họ đã có thể mua đồng hồ mới! Hoặc, năm nào doanh số của chợ cũng được ban quản lý báo cáo giảm, có khi đến 50% nhưng thuế thì không hề giảm.
|
Quá bức xúc về cách làm việc ì ạch của Ban quản lý, bà con tiểu thương đã tự vẽ phối cảnh mặt tiền chợ An Đông 1 được tôn tạo, nâng cấp theo mong ước của mình bày giữa chợ- Ảnh: Nam Anh |
“Lòi” ra tiền lãi 400 triệu đồng
Anh Hùng - đại diện Tổ giám sát thương nhân chợ An Đông 1 - nhắc lại câu chuyện hàng trăm tỷ đồng mà các tiểu thương đã đóng góp vào năm 2013 để nâng cấp, sửa chữa chợ. Trong các cuộc họp, kể cả họp chi bộ lúc đó, cả chợ đều biết số tiền thu được lên đến 237 tỷ đồng.
Số tiền này “đóng băng” không được sử dụng như mục đích ban đầu mãi cho đến tháng 5/2015, ban quản lý lại công bố con số thu được chỉ là 219 tỷ đồng. Đến tháng 10/2016, ông Nguyễn Phước Hòa - Trưởng ban quản lý trung tâm - lại cho hay do kế toán báo nhầm, số tiền thực thu chỉ còn… 217 tỷ đồng (?).
Bà con khá bức xúc về công tác tài chính thiếu minh bạch nói trên. Thế nhưng, theo giải thích của Chủ tịch UBND quận 5 Phạm Quốc Huy tại buổi làm việc với đại diện tiểu thương cuối năm 2016, con số 237 tỷ chỉ là số dự kiến ban đầu để báo ra ngoài bộ (!).
Về vấn đề tiền lãi ngân hàng, theo quận, số tiền hơn 200 tỷ đồng nói trên đã được quận gửi vào kho bạc nhà nước nên không có lãi (?). Tiểu thương càng thêm bức xúc, bởi theo người dân, nếu đem gửi ngân hàng từ năm 2013 đến nay, tiền lãi đã lên đến hàng chục tỷ đồng.
Tuy nhiên, lạ lùng thay, lúc người dân đưa ra bằng chứng vào năm 2013, tiền được họ nộp vào tài khoản của ông Trần Văn Tứ (Trưởng ban quản lý thời điểm đó) tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương - Phòng giao dịch An Đông TP.HCM, thì "cái đuôi" mới lòi ra. Tháng 12/2016, chính ông Hòa xác nhận với tiểu thương, có 400 triệu đồng tiền lãi từ khoản tiền đã thu để sửa chữa chợ (!?).
Với quá nhiều khuất tất, người dân tại chợ An Đông 1 đã hoàn toàn mất niềm tin vào chính quyền địa phương và ban quản lý chợ.
“Trưởng ban quản lý hiện nay hoàn toàn không đủ năng lực và tấm lòng để phục vụ tiểu thương và người dân. Không ai tín nhiệm ông Hòa làm chủ đầu tư các dự án của chợ nữa. Chợ An Đông, ngôi chợ lâu đời, đóng góp hơn 70 tỷ đồng hằng năm cho ngân sách, giờ đây chỉ thấy càng ngày càng “đông” các tiêu cực, chứ lòng người thì bất an”, bà T.T.T.Th. (một tiểu thương) thẳng thừng.
Do đó, theo ban đại diện tiểu thương, nguyện vọng của người dân buôn bán tại chợ An Đông 1 là tạm thời không tiến hành đấu thầu các công trình nâng cấp, sửa chữa nữa. Bởi các hạng mục được đưa ra từ năm 2013 không còn phù hợp với nhu cầu hiện đại. Kế đến, nó được đưa ra theo “ý chí” của ban quản lý chứ không phục vụ ý nguyện của tiểu thương.
Cuối cùng, bởi còn quá nhiều khuất tất, như chúng tôi đã trình bày, nên người dân mong chờ Thanh tra thành phố vào cuộc để làm sáng tỏ mọi vấn đề, lấy lại niềm tin, như lãnh đạo thành phố đã hứa với tiểu thương cuối năm vừa qua.
UBND TP.HCM yêu cầu kiểm tra
Khi chúng tôi liên hệ với ông Hòa để trao đổi về các phản ánh của tiểu thương liên quan đến ban quản lý trung tâm, ông Hòa cho rằng mình bận họp, chưa biết có thể sắp xếp được cuộc hẹn vào lúc nào.
Liên quan đến vụ việc, Văn phòng UBND TP.HCM vừa có thông báo kết luận của Phó chủ tịch UBND thành phố Trần Vĩnh Tuyến chỉ đạo vấn đề lùm xùm ở chợ An Đông 1. Theo đó, ông Tuyến giao Sở Công thương chủ trì, nghiên cứu thành lập Tổ công tác kiểm tra hoạt động của Trung tâm Thương mại - Dịch vụ An Đông xung quanh vấn đề mà thương nhân chợ An Đông 1 khiếu nại.
Lãnh đạo Sở Công thương sẽ làm tổ trưởng, lãnh đạo Thanh tra thành phố làm tổ phó Tổ công tác nhằm tập trung kiểm tra giai đoạn từ 1/1/2012 đến 31/12/2016 và phải báo cáo kết quả cũng như đề xuất cho UBND thành phố trước ngày 1/3.
Đồng thời, UBND Q.5 và Ban quản lý Trung tâm Thương mại - Dịch vụ An Đông rà soát lại tiến độ những hạng mục nâng cấp, sửa chữa chợ An Đông 1 và thực hiện cho đúng quy định.
Nam Anh