Khuất tất trong trích nộp BHXH ở phường 1, Q.Tân Bình, TP.HCM

04/11/2014 - 07:23

PNO - PN - Trong suốt quá trình làm việc, người lao động (NLĐ) bị trích đóng BHXH theo hệ số khác, nhưng đến khi nghỉ hưu, BHXH lại tính mức lương ở hệ số thấp hơn rất nhiều, khiến NLĐ thiệt thòi, việc này đã diễn...

edf40wrjww2tblPage:Content

HỆ SỐ LƯƠNG BỖNG DƯNG BỊ TỤT 

Theo bà Phạm Thị Bông (ảnh), từ tháng 1/1994, bà bắt đầu tham gia công tác ở UBND P.1, Q.Tân Bình với chức danh cán bộ phụ trách văn hóa - xã hội, bà tham gia đóng BHXH suốt từ năm 2003 cho đến lúc về hưu vào ngày 14/8/2014. Mức đóng BHXH của bà Bông được trừ trên bảng lương là 8% theo hệ số lương được hưởng là 3,66. Nhưng khi nghỉ hưu, BHXH Q.Tân Bình lại “chốt” mức lương đóng BHXH của bà là 2,66(?). 

Bất bình với quyết định này, bà Bông gửi đơn khiếu nại đến chủ tịch UBND P.1, đề nghị giải quyết chế độ cho phù hợp với mức lương và mức đóng bảo hiểm thực tế. Đến ngày 30/9, BHXH Q.Tân Bình đã có văn bản giải quyết điều chỉnh mức đóng BHXH của bà Bông tháng 7/2014 từ 2,66 lên 3,06, nhưng bà Bông cũng không được thoái thu một đồng nào từ BHXH, dù số tiền đã đóng vẫn còn chênh lệch (thừa).

Bà Bông bức xúc: “Khi tôi trình bày sự việc lên phường thì lãnh đạo phường và BHXH quận lật đật làm các văn bản điều chỉnh, nhưng mức điều chỉnh này căn cứ vào đâu thì họ cũng không giải thích. Tại sao không điều chỉnh đúng hệ số lương mà tôi đã bị thu để đóng BHXH là 3,66? Tôi thấy sự việc chưa thật rõ ràng, có vấn đề giữa kế toán phường và BHXH Q.Tân Bình”. 

Khuat tat trong trich nop BHXH o phuong 1, Q.Tan Binh, TP.HCM 

Đáng nói hơn là từ sự việc của bà Bông, UBND P.1, Q.Tân Bình mới “té ngửa” khi có gần cả chục trường hợp nhân viên, cán bộ, công chức (CB, CC), của phường gặp phải tình trạng tương tự. Ông Châu Văn Tình - Chủ tịch UBND P.1 cho biết, ông mới về nhận công tác tại phường 11 tháng nay. Trong thời gian đó, chưa ai được nâng lương nên việc trừ lương của CB, CC phường vẫn làm như cũ.

Theo ông Tình: “Đến khi bà Bông khiếu kiện, phường cho rà soát lại và nhận thấy: phường vẫn trích nộp đều đặn số tiền đúng như đã trừ của anh em về BHXH quận. Nhưng BHXH quận thông báo, ở phường có đến gần 10 người bị tính mức BHXH thấp hơn mức của phường trích nộp, trong đó có cả anh kế toán và vợ anh ấy chứ không riêng một ai. Trong khi đó, mới đây BHXH Q.Tân Bình lại thông báo phường đã đóng dư BHXH đến hơn 81 triệu đồng”.

TẠI SAO? 

Lý giải việc thu nộp chênh lệch, ông Nguyễn Thanh Ngọc, trưởng phòng thu BHXH TP.HCM cho biết: “Từ năm 1998, TP.HCM đã linh hoạt chi trả lương cho toàn bộ CB, CC xã, phường, trong đó, rất nhiều chức danh như cán bộ văn hóa xã hội phụ trách công tác dân số kế hoạch hóa gia đình mà bà Bông đảm nhận chưa được Chính phủ công nhận. Mãi đến năm 2003, Chính phủ ban hành Nghị định 121/2003/NĐ-CP mới công nhận tất cả các chức danh ở cấp xã, phường như hiện nay và chốt mức đóng BHXH khởi điểm chung. 

Trong quá trình đó, các CB, CC làm việc tại các xã, phường tốt nghiệp trình độ từ trung cấp trở lên vẫn làm việc và liên tục được lên lương theo niên hạn… Khi vận dụng Nghị định 121, các CB, CC xã, phường này sẽ bị tụt hệ số lương so với lương thực tế họ được nhận. Điều này ngành BHXH đã liên tục thông tin cho các xã, phường, quận, huyện. Thế nhưng do cách triển khai thông tin đến NLĐ không đầy đủ, nên mỗi lần có một CB, CC nghỉ hưu thì lại “rối”.

Thực tế số tiền nộp thừa của các đơn vị về BHXH vẫn còn đó, và khi giải quyết chế độ cho CB, CC, tiền này sẽ được thoái thu, chi trả cho NLĐ. Chỉ có điều, mức hưởng lương hưu được tính của NLĐ trong các trường hợp này sẽ thấp hơn so với bảng lương”. 

Tuy nhiên, trong ngày 24/10, làm việc với phóng viên, phía BHXH Q.Tân Bình cho biết đã rà soát lại, toàn bộ hồ sơ của bà Bông không thuộc trường hợp được thoái thu. 

Khi phóng viên đặt câu hỏi, tại sao UBND P.1 có tiền thừa mà bà Bông không được thoái thu? Ông Phạm Nguyên Long, Phó giám đốc BHXH Q.Tân Bình, khẳng định: “Chúng tôi có thu thừa trường hợp của bà ấy đâu mà thoái thu! Từ năm 2003 đến nay, chúng tôi chỉ thu đủ mức lương trích đóng BHXH của bà ấy, tăng từ 1,58 lên 3,06” (trong khi, theo giấy tờ mà bà Bông cung cấp cho phóng viên, từ ngày 10/11/2003 UBND Q.Tân Bình đã ký quyết định nâng phụ cấp năm 2003 cho cán bộ phường và bà Bông được nâng hệ số lương từ 1,82 lên thành 1,94. Cho đến ngày 1/8/2012 hệ số lương của bà được nâng lên 3,66). 

Theo BHXH Q.Tân Bình, số tiền thừa hơn 81 triệu đồng của UBND P.1 chỉ bắt đầu từ tháng 6/2012 với số tiền thừa là 13.782.000đ và được “cộng dồn” cho đến nay. Bà Bông và một số cán bộ khác ở UBND P.1 thắc mắc: “Vậy 81 triệu đó có đủ trả khoản chênh lệch cho tất cả những người bị thu thừa từ năm 2003 đến nay không? Tại sao từ 2003 đến 2012, phường đều thu thừa mà tiền không dư?”. 

Như vậy, có điều gì khuất tất đằng sau vụ việc này? Trách nhiệm của kế toán UBND P.1 ra sao? Hơn 20 năm ở vị trí này, người kế toán đó không thể không biết cách tính lương vận dụng theo Nghị định 121/2003/NĐ-CP của Chính phủ đối với cán bộ xã, phường. Đề nghị lãnh đạo UBND P.1 sớm làm sáng tỏ vụ việc, trả lại sự công bằng cho NLĐ. 

 NGHI ANH

Đường dây khẩn 0966.18 27 27 - 0913.15 93 15
Email: duongdaykhan@baophunu.org.vn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI