Khuất tất quanh cái chết của một cô giáo

18/02/2017 - 05:00

PNO - Một cô giáo bị chứng rối loạn hoang tưởng nhưng hiệu trưởng không cho nghỉ để điều trị bệnh mà lại điều chuyển hết việc này đến việc khác.

Nhiều đồng nghiệp lên tiếng về bệnh tình của cô với hiệu trưởng nhưng vị này phớt lờ.Gia đình cô giáo cầu cứu đến ông Trưởng phòng Giáo dục (GD) nhưng ông này cũng thờ ơ, không hành động. Phải chăng do lãnh đạo thiếu hiểu biết, không lắng nghe và vô trách nhiệm, cô giáo đã bị đẩy đến cái chết?

Sau khi cô Nguyễn Thị Hoa - giáo viên (GV) Trường Tiểu học (TH) Trường Xuân 2, H.Thới Lai, TP.Cần Thơ, qua đời, chồng cô là anh Võ Đình Dư đã gõ cửa khắp nơi để kêu oan cho cái chết của vợ mình. Anh Dư cho rằng, trong lúc vợ mình đang bị bệnh rối loạn hoang tưởng thì Hiệu trưởng Trường TH Trường Xuân 2 là bà Nguyễn Thị Hải lại liên tiếp gây áp lực, khiến vợ anh phải tự tử để giải thoát.

Khuat tat quanh cai chet cua mot co giao
Hai con cô Hoa được cô Bích cưu mang

Buộc giáo viên bị rối loạn hoang tưởng đứng lớp

Trong đơn, anh Dư viết: “Vợ tôi là Tổng phụ trách Đội tại Trường TH Trường Xuân 2. Trong suốt thời gian công tác, cô ấy luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, nhận được bằng khen, giấy khen tuyên dương từ Trung ương Đoàn, Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ, Chủ tịch UBND H.Thới Lai, Giám đốc Sở GD-ĐT, Trưởng phòng GD huyện và UBND xã Trường Xuân. Cô ấy cũng có nhiều năm liền đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở; là người sống rất hòa đồng, được đồng nghiệp yêu quý”.

Theo anh Dư, sự việc bắt đầu từ cuối tháng 3/2016. Cụ thể, trong đợt vận động bầu cử hội đồng nhân dân các cấp, tại trường xuất hiện nhiều tờ rơi tố cáo thầy Nguyễn Văn Chi - Trưởng phòng GD-ĐT huyện. Hiệu trưởng nhà trường nghi ngờ cô Nguyễn Thị Hoa là người làm việc đó.

Cô Hoa bị công an mời lên làm việc, cô phủ nhận mình liên quan đến vụ việc. Cũng từ đó, cô Hoa bắt đầu có các triệu chứng tâm thần, cả ngày lẩm nhẩm, tha thẩn, hay quên. Tháng 5/2016, gia đình đưa cô đi khám, bác sĩ tại Bệnh viện (BV) tâm thần Cần Thơ kết luận cô bị “rối loạn hoang tưởng cấp tính” và được giới thiệu về điều trị tại BV Thới Lai.

Anh Dư trình bày: “Trong lúc vợ tôi phát bệnh, ngày 25/5/2016, tôi làm đơn xin cho vợ nghỉ phép để trị bệnh nhưng cô Hải bút phê “không thuận đơn” với lý do “thời gian ghi trong đơn không đúng với thực tế và không có giấy khám bệnh”. Cách cư xử của cô Hải khiến vợ tôi càng âu lo và ám ảnh rằng cô Hải ghét mình, nên thường xuyên có những cơn hoảng loạn. Trong những câu chuyện hằng ngày cô ấy tỏ ra rất sợ cô Hải”.

Bệnh tình của cô Hoa ngày càng trầm trọng nên BV Thới Lai chuyển cô lên điều trị tại BV Tâm thần Cần Thơ. Tại đây, cô Hoa được bác sĩ Trần Ngọc Thanh khám và cho thuốc điều trị ngoại trú với chẩn đoán “rối loạn hoang tưởng trường diễn”. Thấy không thể tiếp tục công tác phụ trách Đội nên cô Hoa và gia đình nhiều lần tìm gặp cô Hải trình bày và xin được chuyển sang công việc nhẹ nhàng hơn, nhưng cô Hải lại có ý phân cô Hoa đứng lớp.

Dù là cử nhân tiểu học nhưng suốt 17 năm qua cô Hoa được phân công chuyên trách công tác Đội nên chưa có kinh nghiệm giảng dạy. Hơn nữa, thần kinh của cô lại bất ổn, nếu lên lớp có thể gây nguy hiểm cho mình và học sinh. Cô Lê Thị Ngọc Bích - thủ thư của trường, đã đề nghị hiệu trưởng cho mình và cô Hoa được hoán đổi công việc.

Trước lời đề nghị này, bà Hải tổ chức cuộc họp hội đồng sư phạm và cho bỏ phiếu kín với điều kiện 75% đồng ý thì cô Hoa mới được làm thư viện. Kết quả đa số GV đồng ý. Bà Hải buộc cô Bích viết tờ cam kết phải hoàn thành nhiệm vụ và hỗ trợ cô Hoa trong công tác thư viện khi cần.

Trong thời gian này, cô Hoa vẫn sống trong tình trạng sợ hãi, sợ bị mất việc, sợ làm bà Hải giận và thường xuyên nghĩ đến cái chết. Anh Dư phải bỏ việc làm để ở nhà chăm nom gia đình. Nhờ được gia đình, đồng nghiệp động viên, trấn an mỗi ngày nên bệnh tình của cô Hoa có chiều hướng ổn định.

Bất ngờ, ngày 24/11/2016, bà Hải đưa ra quyết định điều động cô Hoa làm chủ nhiệm lớp 4A2. Bà Hải đưa ra quyết định mà không tham khảo, thăm hỏi hoặc tìm hiểu về tình hình sức khỏe của cô Hoa, cũng không lấy ý kiến tập thể hội đồng sư phạm như khi bà điều chuyển cô Hoa sang thư viện. Cô Lê Thị Ngọc Bích kể: “Nhận quyết định, Hoa sợ không hoàn thành tốt công việc nên đã khẩn khoản nhờ tôi cho dự giờ và góp ý cho Hoa mỗi khi đứng lớp. Tuy nhiên, cả hai lần dạy thử, Hoa đều không làm được.

Cô ấy nói: “Chắc tao chết vì đầu óc trống rỗng, không thể làm được gì trên bục giảng”. Hoa cũng thông báo tình trạng này cho thầy Mai Minh Đương - Khối trưởng khối 4, và nhờ cô Nguyễn Thị Lệ Hồng - thủ quỹ trường, lên trao đổi với hiệu trưởng với mong muốn hiệu trưởng rút lại quyết định, nhất là trong thời gian học sinh đang ôn thi học kỳ I. Tuy nhiên, bà Hải trả lời: “Hoa cứ dạy thử, nếu tháng sau tình hình không đổi, tôi sẽ chuyển”.

Ngày 5/12 - ngày đầu tiên cô Hoa lên lớp, cô không giải được một bài tập toán cho học sinh nên phải nhờ thầy Đương đến giúp. Xong buổi dạy, cô Hoa than với thầy Đương: “Cô trò em chìm xuồng rồi thầy ơi”. Anh Dư đau xót kể: “Hôm đó, về nhà, Hoa như người mất hồn. Đến đêm, cô ấy âm thầm uống thuốc tự tử. Phát hiện sự việc, chúng tôi đưa Hoa đi cấp cứu nhưng hai ngay sau thì vợ tôi mất”.

Hiệu trưởng và trưởng phòng không hiểu biết và chủ quan

Tại sao bố trí một GV chưa có kinh nghiệm, lại đang có vấn đề về tâm thần đứng lớp? Bà Nguyễn Thị Hải trả lời: “Việc cô Hoa bị bệnh, ban đầu tôi đã yêu cầu cung cấp bệnh án, nhưng cô không cung cấp được mà chỉ có đơn thuốc của bác sĩ nên tôi từ chối cho nghỉ bệnh.

Sau đó, khi cô Hoa điều trị ổn định, lại có nguyện vọng muốn dạy học, nhận thấy không thể để cô Bích làm hai việc, trong khi cô Hoa vẫn hưởng đủ lương và phụ cấp nên tôi đã sắp xếp cho cô đứng lớp để tạo sự công bằng trong tập thể nhà trường. Khi quyết định có hiệu lực một ngày, tôi có nghe phản ánh lại tình trạng của cô, nhưng chưa kịp dự giờ nên chưa có cơ sở để rút lại quyết định của mình”.

Sau khi cô Hoa nhận quyết định điều động sang làm GV đứng lớp, người thân của cô đã nhiều lần đến gặp ông Nguyễn Văn Chi - Trưởng phòng GD huyện, để trình bày sự việc và được ông Chi hứa sẽ tìm hiểu và chỉ đạo cụ thể. Đến sát ngày cô Hoa nhận lớp, thấy em mình quá căng thẳng, anh chị của cô Hoa lại nhắn tin xin gặp nhưng ông Chi không trả lời…

Trao đổi với phóng viên, ông Chi cho biết, ông có nắm thông tin, có đi thăm và động viên cô Hoa yên tâm công tác, có trao đổi với thầy hiệu phó và thấy cô Hải phân công cô Hoa đứng lớp không có gì sai vì cô Hoa là GV, có chuyên môn. Ông Chi xin rút kinh nghiệm về việc chưa có hành động kịp thời khi người thân của cô Hoa nhờ can thiệp.

Bác sĩ Võ Cánh Sinh - Giám đốc BV tâm thần TP.Cần Thơ cho biết, việc nhà trường đòi bệnh án của cô Hoa là sai vì cô Hoa trị bệnh ngoại trú, không có bệnh án. Hơn nữa, không ai có thể lấy được bệnh án của bệnh nhân tâm thần ngoại trừ các cơ quan chức năng.

Trong trường hợp nhà trường được cô Hoa thông báo bệnh tình, hiệu trưởng cần báo lên Phòng GD huyện để nơi này có đề nghị đến BV. Trên cơ sở này, BV sẽ lập hội đồng giám định để xem cô Hoa còn năng lực làm việc hay phải nghỉ để điều trị chứ cô Hải không thể tự quyết định. Ngay cả khi cô Hoa thông báo hết bệnh và đòi đứng lớp, cô Hải cũng không thể tùy tiện bố trí.

Đổ tội cho… nợ nần

Làm việc với phóng viên, bà Hải cho rằng: “Vào thời điểm đó, cô Hoa nợ nần rất nhiều, riêng tiền hụi chết nợ đến vài trăm triệu đồng. Lương cô Hoa khoảng sáu triệu đồng/tháng nhưng phải đóng hụi, trả nợ khoảng 26 triệu đồng/tháng. Có lẽ điều này khiến cô Hoa lo lắng, hành động dại dột chăng?”. Ông Trưởng phòng GD cũng cho rằng: “Việc cô Hoa tự tử có thể còn do nguyên nhân nợ nần”.

Phóng viên tìm gặp nhiều GV Trường TH Trường Xuân 2 để tìm hiểu sự việc. Thầy Trần Minh Thành, người công tác chung với cô Hoa suốt 17 năm, nhận xét: “Cô Hoa là người có năng lực, nhiệt tình, sống chan hòa gần gũi với mọi người”. Cô Nguyễn Thị Lệ Hồng, thủ quỹ và cũng là “chủ hụi” nói: “Chúng tôi tổ chức chơi hụi trong nhà trường như một hình thức dành dụm, góp vốn, từ nhiều năm nay.

Hoa chơi nhiều chân hụi, nhưng bao giờ cô ấy cũng đóng đàng hoàng. Khi bận công tác, cô ấy còn tìm tôi để đóng trước. Nói Hoa vì áp lực đóng hụi chết mà tự tử là không đúng”. Thầy Mai Minh Đương - người từng cùng cô Hoa vay tiền ngân hàng, cho biết: “Từ trước tới nay, cô Hoa trả nợ rất đàng hoàng, uy tín. Cho đến trước khi chết, cô ấy chưa bao giờ tỏ ra lo lắng về số tiền phải trả”.

Cô Lê Thị Ngọc Phi, kế toán của trường, cho hay: “Giấy tờ trả nợ ngân hàng do cô Hải vay giúp thể hiện cô Hoa trả nợ đúng hạn, đều đặn, tôi chưa thấy Hoa khất nợ lần nào”. Qua tìm hiểu, phóng viên được biết cô Hoa cũng không nợ nần ai. Đã hơn hai tháng sau khi qua đời, không thấy có ai đến nhà cô Hoa đòi nợ. Điều này cho thấy bà Hải và ông Chi phát biểu võ đoán, chối bỏ trách nhiệm
liên quan.

Cô Hoa có hai con nhỏ chín tuổi và ba tuổi. Khi còn sống, cô vừa công tác ở trường vừa nhận may gia công tại nhà, còn anh Dư chồng cô đi làm ăn xa. Cô Lê Thị Ngọc Bích đã nhận nuôi hai đứa trẻ nhưng bản thân cô Bích bị bệnh tim, sức khỏe yếu, không biết có thể gánh vác đến khi nào!

Hiền Dung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI