“Khuất dạng”: Khai đào vai trò của phụ nữ trong lịch sử qua góc nhìn nam tính độc hại

04/07/2020 - 11:35

PNO - Lấy cảm hứng từ cuộc đời, lòng quả cảm và sức mạnh ý chí của nữ anh hùng Nguyễn Thị Minh Khai (giai đoạn 1930), Hương Ngô đã làm một cuộc khai đào về vai trò của phụ nữ, cách lịch sử nhìn nhận, lưu truyền và vinh danh họ thông qua những đóng góp cho tiến trình phát triển xã hội.

Bên cạnh ách phong kiến “đàn bà gắn liền với xó bếp”, những quyết định quan trọng trong gia đình hay xã hội, đều phải “tuân theo” sự sắp đặt của đàn ông, phụ nữ Việt còn phải gánh chịu những khuôn mẫu văn hóa về sắc tộc, màu da của một nước thuộc địa, đối mặt với nhiều yêu sách, tàn bạo và đàn áp cả thể xác lẫn tinh thần.

Với Khuất dạng, Hương Ngô đã làm một cú “khai đào” về giá trị của người phụ nữ trong quá khứ - Ảnh: THE FACTORY
Với Khuất dạng, Hương Ngô đã làm một cú “khai đào” về giá trị của người phụ nữ trong quá khứ - Ảnh: The Factory 

Trong tác phẩm Kẻ nào sở hữu ánh sáng, Hương Ngô đã phơi bày sự đối lập giữa các hình ảnh tôn vinh hòa bình, nghệ thuật, khoa học, tự do và ma trận phức tạp của các mối quan hệ thuộc địa, mà phụ nữ là đối tượng chịu nhiều tổn thương nhất. Hương Ngô chia sẻ: “Trên bề mặt ngôn ngữ và văn hóa, dòng tiểu thuyết “con gái” ám chỉ những tác phẩm hư cấu của các nam nhà văn Pháp, được viết trong khoảng 1920-1950, nhằm khám phá mối quan hệ tính dục giữa đàn ông phương Tây và phụ nữ Đông Dương ở Đông Dương”. Trong tiếng Việt, “con gái” có nghĩa là “người phụ nữ trẻ”. Nhưng từ khi người Pháp sang, từ này mang thêm những sắc thái đen tối hơn, phụ thuộc hơn: “vợ”, “người hầu”, “gái điếm”.

Tuy vậy, cũng chính cuộc chiến này đã khiến vai trò phụ nữ Việt trở nên đặc biệt hơn khi lời kêu gọi nam nữ bình quyền sánh đôi cùng phong trào chống thực dân. Ở đó, vai trò chủ chốt của phụ nữ được công nhận, ít nhiều gợi nhớ đến câu chuyện của Hai Bà Trưng.

Tại Khuất dạng, Hương Ngô tham khảo nhiều dữ liệu lưu trữ từ văn chương, kịch nói, nhiếp ảnh quanh cuộc đời nữ anh hùng Nguyễn Thị Minh Khai và tái hiện qua dạng thức mật mã (in ấn, thêu thùa, ghi chép…), lớp lang để không chỉ làm nổi bật một hình tượng lịch sử, mà còn mang đến góc nhìn phổ quát của những người phụ nữ đã sống và hy sinh trong giai đoạn đặc biệt này.

Vì sao lại chọn hình tượng nữ anh hùng Nguyễn Thị Minh Khai? Với Hương Ngô, bà không chỉ là người phụ nữ Việt Nam đầu tiên dấn thân vào con đường cách mạng một cách mạnh mẽ với đường hướng, quyết tâm rõ ràng, khi rời bỏ cuộc hôn nhân sắp đặt của cha mẹ năm 18 tuổi vào Sài Gòn, cho đến khi gia nhập Tân Việt cách mệnh đảng; bà còn đặc biệt ấn tượng với vô số danh xưng khác nhau mà bà sử dụng trong suốt quá trình hoạt động.

Mười tác phẩm bao gồm nhiều phương thức biểu đạt, từ hình ảnh cho đến video, tư liệu sắp đặt, trải dài theo bối cảnh không gian, từ cá nhân đến phổ quát. Điều lạ lùng, hình ảnh người nữ anh hùng đầy kiêu hãnh hoàn toàn “khuất dạng”.

Những mô-típ quen thuộc thường được tái hiện trong vô vàn triển lãm như: can trường, nắm vững cây súng, người mẹ làm ruộng, địu em bé trên lưng, những tà áo dài truyền thống… đều nhường chỗ cho những thư từ, câu chữ chắt lọc, hình ảnh bị giám sát… được Hương Ngô dày công tìm tòi và sáng tạo nên những tác phẩm đầy dấu ấn với nhiều kỹ thuật được thể hiện tinh vi (mực tàng hình, kỹ thuật in truyền đơn, mực đổi màu theo nhiệt, đường thêu tỉ mỉ, phóng tác…).

Khuất dạng, người phụ nữ không chỉ có lòng quả cảm, sự bền bỉ, khát vọng tự do, mà còn phải gánh chịu chủ nghĩa phân biệt chủng tộc cố hữu, phục tùng cái đẹp dưới con mắt của thực dân, nơi cơ thể họ bị dục tính hóa. Chỉ khi vai trò, đóng góp của họ được đánh giá, được công nhận với đàn ông, vết hằn ấy mới có thể xóa mờ. 

Lê Phan 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI