Khu vườn ngôn từ lộng lẫy trong "Ba nghìn thế giới thơm"

10/08/2024 - 07:35

PNO - Tác phẩm Ba nghìn thế giới thơm của nhà giáo, nhà nghiên cứu Nhật Chiêu vừa trở lại với bạn đọc sau hơn 1 thập niên.

Từ một tiểu luận về thi ca Nhật Bản dành làm tài liệu học tập, tác phẩm đã vượt khỏi phạm vi nhà trường và trở thành “tập sách gối đầu giường” của những người yêu thơ. Trong lần tái bản này, sách được bổ sung 9 chương viết mới. Đây cũng là ấn bản hoàn chỉnh nhất từ trước đến nay, với 2 phần: Con đường thơ caBa nghìn thế giới thơm. Cũng như tiêu đề sách, tên các chương đẫm chất thơ: Từ xứ sở của mây, Mười nghìn chiếc lá, Dưới bóng hoa đào, Trong thế giới u huyền, Đom đóm đồng không, Trăng và đinh hương, Một vầng mây trắng sẽ thành Như Lai

Đẫm mình trong thế giới thi ca Nhật Bản, người đọc được chìm đắm vào không gian duy mỹ từ cảnh sắc thiên nhiên đến tâm trạng con người. Bức tranh ấy được các thi nhân vẽ bằng ngôn từ chắt lọc, giàu hình ảnh cùng hàm nghĩa sâu sắc. Tác giả Nhật Chiêu đã nghiên cứu từ thơ cổ điển đến hiện đại của Nhật Bản, từ thi tuyển thời Heian như Kokinshu (Cổ kim tập), Manyoshu (Vạn diệp tập)… đến tác phẩm của những bậc thầy thơ haiku: Matsuo Basho, Kobayashi Issa… Không chỉ là người tuyển dịch và giới thiệu thi ca, nhà nghiên cứu Nhật Chiêu còn phân tích những khía cạnh chiều sâu của văn hóa - lịch sử Nhật Bản cùng triết lý, tư tưởng trong những vần thơ đặc sắc của các thi nhân xứ hoa anh đào. Bằng cách ấy, Ba nghìn thế giới thơm chinh phục độc giả bằng vẻ đẹp của thi ca cùng sự uyên bác của trí tuệ thâm sâu, cao đẹp.

Bìa sách phiên bản mới là hình ảnh hoa triêu nhan huyền ảo và bí ẩn - Nguồn ảnh: Nhã Nam
Bìa sách phiên bản mới là hình ảnh hoa triêu nhan huyền ảo và bí ẩn - Nguồn ảnh: Nhã Nam

Trong lời tựa của Cổ kim tập, nhà thơ Kino Tsurayuki viết: “Từ trái tim con người như hạt giống, thơ ca Nhật Bản mọc lên và nảy nở thành vô số lá cây của ngôn từ”. Khu vườn ngôn từ lộng lẫy ấy trao gửi đến độc giả vẻ đẹp của mây, núi, trăng, hoa, sông, hồ cùng vạn vật. Vẻ diễm lệ của thiên nhiên hòa cùng những thanh âm bình yên và vĩnh hằng của tự nhiên, được thể hiện trong những thi phẩm đẫm chất thiền. Như thơ của Basho: “Chẳng quên trong đời/ Mùa cô tịch trắng/ Của giọt sương rơi”, “Hương hoa mơ ơi/ Con đường núi mọc/ Bỗng nhiên mặt trời”…; hay thi phẩm của Kobayashi Issa: “Mưa mùa thu rơi/ Một con ngựa nhỏ/ Đến phiên chợ trời”, “Chú ếch mù lòa/ Nhảy theo vầng nhật/ Cuối chân trời xa”…

Bước vào khu vườn chữ trong Ba nghìn thế giới thơm, người đọc còn được hiểu hơn về cuộc đời của thi nhân. Những giấc mộng đẹp đẽ hay những số phận bi thương song hành, gắn kết và hòa quyện vào tác phẩm. Trên tất cả, đó là vẻ đẹp huyền nhiệm và vĩnh cửu của sự sống, của cuộc đời.

“Haiku trao tặng cho ta một niềm vui lặng lẽ, như một làn hương nhẹ bay đi. Thơ ca cổ điển Nhật Bản là vậy. Không hoành tráng, thênh thang như đại lộ thơ của nhiều xứ khác. Không giông tố sấm sét cũng không lề luật trang trọng như ai. Không tiêu đề, không đối, không vần, không cầu kỳ. Thơ ca ấy là lối đi dưới lá hoặc là một cửa động cô tịch. Bạn gọi thì nó sẽ thưa. Nghĩa là cửa động sẽ mở ra khi có tri âm” - trích lời bình của nhà nghiên cứu Nhật Chiêu từ tác phẩm. Ông ví thi ca Nhật Bản như “làn hương” - vô hình nhưng bí ẩn, kết nối các thi ảnh với nhau. Và bạn đọc, đón nhận tác phẩm như “hoa mơ một chút nhụy/ ba nghìn thế giới thơm…”.

Cầm Thi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI