Khu vực Nam bộ cảnh báo dông, lốc, sét, mưa đá do bão Yagi

07/09/2024 - 19:14

PNO - Trong các giờ tới, các tỉnh khu vực Nam bộ, như: Long An, Đồng Tháp, Trà Vinh, Tây Ninh, Bình Dương, TPHCM… cảnh báo dông, lốc, sét, mưa đá.

Chiều 7/9, Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ (Tổng Cục khí tượng thủy văn) phát tin lúc 16g40 phút, cảnh báo dông, lốc, sét, mưa đá và mưa lớn cục bộ trên khu vực Nam bộ.

Theo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ - cho biết, trong 3 giờ qua, theo dõi trên ảnh mây vệ tinh, ảnh ra đa thời tiết, định vị sét cho thấy mây dông đang phát triển gây mưa rào và kèm theo dông, sét trên khu vực các tỉnh: Long An, Đồng Tháp, Trà Vinh, Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước và TPHCM.

Ảnh ra đa thời tiết và định vị sét - Ảnh: Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ
Ảnh ra đa thời tiết và định vị sét - Ảnh: Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ

Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai cấp 1. Trong các giờ tới, mây dông tiếp tục phát triển và gây mưa rào kèm theo dông, sét trên các khu vực huyện Thủ Thừa, Huyện Mộc Hóa, Đức Huệ, Đức Hòa, Tân Hưng (tỉnh Long An); huyện Tân Hồng (tỉnh Đồng Tháp); các huyện Duyên Hải, Cầu Ngang, Trà Cú và thị xã Duyên Hải (tỉnh Trà Vinh); các huyện Trảng Bàng, Bến Cầu, Dương Minh Châu, Tân Châu (tỉnh Tây Ninh); các huyện Dầu Tiếng, Bàu Bàng, Phú Giáo, TP Thủ Dầu Một và thị xã Bến Cát (tỉnh Bình Dương); các huyện Dầu Tiếng, Hớn Quản, Bù Đăng, Lộc Ninh, Bù Gia Mập, Bù Đốp, thị xã Chơn Thành và thị xã Bình Long (tỉnh Bình Phước); các huyện Cần Giờ, Củ Chi, Hóc Môn và các quận 6, quận 7, Tân Phú (TPHCM).

Sau đó, mây dông xu hướng mở rộng và lan sang các khu vực lân cận khác. Lượng mưa phổ biến từ 10-30mm, có nơi trên 50mm. Trong cơn dông đề phòng lốc, sét, mưa đá, gió giật mạnh cấp 5-8 (8-21m/s).

Cơn mưa lớn kèm theo dông lốc vào ngày 5/9 đã khiến nhiều cây xanh tại Vĩnh Long ngã đổ - Ảnh: T.L.
Cơn mưa lớn kèm theo dông lốc vào ngày 5/9 đã khiến nhiều cây xanh tại Vĩnh Long ngã đổ - Ảnh: T.L.

Trước tình hình bão Yagi (bão số 3), các địa phương nêu trên đã chủ động triển khai các biện pháp ứng phó, không được chủ quan, lơ là trong công tác ứng phó với bão. Đồng thời, ngành chức năng chủ động công tác bảo đảm an toàn công trình thủy lợi, công trình phòng, chống thiên tai, bảo vệ an toàn sản xuất nông nghiệp, chỉ đạo tổ chức bơm tiêu úng trong trường hợp có mưa lớn xảy ra.

Bên cạnh đó, thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”, sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để kịp thời triển khai ứng cứu, hỗ trợ người dân ứng phó kịp thời, có hiệu quả, bảo đảm an toàn về người, tài sản khi có tình huống xảy ra…

Thanh Lâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI