Khu vực Đông Nam Á trước nguy cơ thiếu hụt máu dự trữ

11/10/2024 - 22:14

PNO - Chứng rối loạn tan máu bẩm sinh đang làm hao hụt lượng dự trữ máu của các nước Đông Nam Á, cũng như tác động đến nhiều nước khác.

“Vành đai tan máu bẩm sinh” đang hiện diện ở các nước Đông Nam Á và nhiều nước khác gần Đường xích đạo — Ảnh: The Telegraph
“Vành đai tan máu bẩm sinh” kéo dài từ Địa Trung Hải đến các nước Đông Nam Á - Ảnh: The Telegraph

Bệnh Thalassemia (thiếu máu tán huyết di truyền), còn gọi là chứng rối loạn tan máu bẩm sinh, đang làm hao hụt khoảng 30% nguồn dự trữ máu của các nước Đông Nam Á như Lào và Thái Lan. Đó là số liệu do Trung tâm nghiên cứu bệnh tan máu bẩm sinh (TRC) ở Bangkok, Thái Lan cung cấp, được trang The Telegraph dẫn lại trong bài báo ngày 11/10.

Tiến sĩ Kittiphong Paiboonsukwong - Trợ lý giám đốc Trung tâm TRC và là thành viên Đại học Y khoa Mahidol - cho biết bệnh tan máu bẩm sinh hiện ảnh hưởng từ 5-7% dân số toàn cầu. Bệnh này tương đối hiếm gặp ở khu vực châu Âu, nhưng lại phổ biến ở Đông Nam Á, nhất là ở Thái Lan và Lào.

Tiến sĩ Paiboonsukwong dẫn ra trường hợp của Puttinant Rungsunlohakul, bệnh nhân 35 tuổi người Thái Lan phải sống chung với bệnh tan máu bẩm sinh. Từ năm 2 tuổi đến nay, Rungsunlohakul phải đến bệnh viện Siriraj 3 hoặc 4 tuần một lần để truyền máu. “Nếu không được truyền máu, bạn rất dễ tử vong” - người bệnh chia sẻ.

Tiến sĩ Paiboonsukwong cho biết, rối loạn tan máu bẩm sinh do gen bị lỗi gây ra, khiến cơ thể người bệnh không sản xuất đủ hemoglobin, gây thiếu máu nghiêm trọng, mệt mỏi và khó thở, nếu không được điều trị sẽ gây sưng hoặc tổn thương nội tạng. “Có nhiều loại bệnh Thalassemia với mức độ ảnh hưởng khác nhau, trong đó bệnh Thalassemia beta có xu hướng nghiêm trọng nhất” - vị chuyên gia cho biết.

Ông Paiboonsukwong giải thích, đặc điểm di truyền gây bệnh tan máu bẩm sinh trở nên phổ biến ở khu vực khí hậu nhiệt đới vì nó giúp con người chống lại ký sinh trùng sốt rét hút máu. Điều này giải thích sự tồn tại của “vành đai Thalassemia” chạy từ Địa Trung Hải qua Trung Đông và vùng châu Phi cận Sahara, đến tận Nam Á và Đông Nam Á.

Tiến sĩ Paiboonsukwong cho biết: “Nếu cả cha và mẹ đều là người mang cùng kiểu gen, thì có 25% con của họ sẽ mắc bệnh Thalassemia… Ở một số vùng của Thái Lan, có tới 50% người mang gen bệnh”. Ở Lào, có một số khu vực mà tỉ lệ người dân bị bệnh này lên tới 42%. Còn ở Việt Nam, cả 54 dân tộc đều có người mang gen gây bệnh, nhưng tỉ lệ thấp, mức cao nhất cũng chỉ ở 5%, theo số liệu của Trung tâm TRC.

Trường An (theo The Telegraph)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI