Khu trọ hạnh phúc

24/02/2020 - 07:23

PNO - Tối 19/1, khu trọ 75 phòng của bà Phượng rực sáng ánh đèn. Những món ăn thịnh soạn với gà nấu ngũ quả, cháo, chả giò chiên... được dọn ra.

Khu trọ 75 phòng trên đường Bờ Sông, khu phố 2, P.Tân Tạo A, Q.Bình Tân, TP.HCM như một xóm dân cư thu nhỏ, có đủ người già, thanh niên và trẻ nhỏ. Vào những tối cuối tuần, họ thường vui vầy chuyện trò, chơi game show, nấu nướng với sự hỗ trợ hết lòng của bà chủ Phù Nhật Phượng.

Tối 19/1, lối đi giữa hai dãy phòng trong khu trọ của bà Phượng rực sáng ánh đèn. Những bàn ăn với gà nấu ngũ quả, cháo, chả giò chiên, cơm cuộn, gỏi, bánh bột lọc, trái cây, bánh kẹo… được mang lên. Để có bữa tiệc thịnh soạn này, cả ngày hôm đó, bà Phượng cùng các chị Hà, Đoan, Chung, Thu Uyên, Kim Cương… phải đi chợ từ sớm rồi tranh thủ nấu nướng. Từ các phòng, mọi người í ới gọi nhau ra dự tiệc và chơi game show kiểu nghe nhạc đoán tên bài hát, bốc thăm trúng thưởng. Quà cho cuộc vui là bộ ly, chén, nồi. Kinh phí cho buổi tiệc chiêu đãi toàn thể người ở trọ, cũng là dịp mừng năm mới 2020, do bà chủ nhà trọ bỏ ra. Còn quà thì bà đã mua từ trước. 

Bà Phượng tặng quà tết cho những người ở trọ
Bà Phượng tặng quà tết cho những người ở trọ

Không phải đợi tới dịp đầu năm, cuối năm hay những dịp lễ lớn, ở khu trọ này cứ vào mỗi cuối tuần hay những hôm có đội tuyển Việt Nam thi đấu là anh chị em lại có dịp ngồi lại với nhau, chị em và bà chủ trọ sẽ phục vụ nước trà, cà phê, còn cánh đàn ông thì hùn tiền mua bánh trái rồi cùng cổ vũ đội nhà. 

Nói về bà chủ nhà trọ, chị Trần Thị Đèo, công nhân công ty Pouyuen, khẳng định: “Chỗ cô Phượng là nhất!”. Chữ “nhất” của chị Đèo không hẳn chỉ vì chỗ thuê ở sạch sẽ, thoáng mát, mà còn ở sự ân cần của người chủ trọ.

Năm 1993, bắt đầu kinh doanh phòng trọ, vợ chồng bà Phượng chỉ có 20 phòng, mỗi phòng trên dưới 10m2. Rồi họ chắt chiu xây thêm phòng và sửa sang cho phòng ốc rộng rãi thành khu trọ khang trang như hiện nay. Mỗi dãy phòng đều có gắn camera theo dõi tình hình an ninh, tránh kẻ gian xâm nhập. Bởi vậy, nhiều người đến thuê ở 5 năm, 10 năm, thậm chí 15 năm, vẫn tiếp tục ở chứ không đi đâu. 

Ngày mới rời Long An theo chồng về Sài Gòn, bà Phượng bán tạp hóa. Sau đó, bà nhường lại cho vợ chồng người em trai. Một hôm, vào cuối tháng, chị Thu Hiền, công nhân Khu chế xuất Tân Tạo rụt rè đến mua gạo thiếu. Chị được chủ quán là Nguyễn Thị Minh Nguyệt (em dâu bà Phượng) xúc cho một túi đầy và nói: “Có người trả tiền giùm rồi”. Tình huống ấy khiến chị Hiền ngạc nhiên.

Chị Phượng là một trong sáu cá nhân vừa được Hội LHPN Q.Bình Tân khen thưởng. Chị đã hỗ trợ Hội tổ chức bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng hội nhập đô thị cho nữ công nhân, phối hợp tổ chức ngày Phụ nữ và pháp luật. Ngoài ra, chị còn chủ động liên hệ với Liên đoàn Lao động quận đăng ký cho công nhân khu trọ tham gia văn nghệ và các hoạt động nhân Tháng Công nhân…

Bà Đỗ Thị Thu Cúc Phó chủ tịch Hội LHPN Q.Bình Tâ

Cũng thế, vợ chồng chị Phước - anh Tuấn có con trai bị bướu máu, thường xuyên phải đi bệnh viện. Để hỗ trợ họ chữa bệnh cho con, tháng nào bà Phượng cũng bớt vài trăm ngàn tiền nhà. Rồi các bé trong khu trọ như Duy Khương, Gia Hưng, Thiên Bảo, Như Ý… hay nhận được những bộ đầm, giày dép mới từ bà Phượng. 

“Sống lâu ở đây, chúng tôi mới ngớ ra, người vẫn thường trả giùm tiền gạo, tìm mua cho sắp nhỏ những bộ quần áo, tập sách hay dúi tiền vô tay chị em bị bệnh đột ngột, con cái đau ốm… đều là cô Phượng chớ chẳng phải ai xa lạ. Cô sợ mọi người ngại nên giấu”, chị Đèo nói.

Đến thuê phòng trọ thời còn thanh niên, cảm mến nhau rồi nên duyên vợ chồng, anh Võ Thành Chàng và chị Lê Lý Ngoan từng có những tháng ngày bình yên, hạnh phúc ở khu trọ của bà Phượng. Thế nhưng, sáu năm trước, trong lúc ngược về quê nhà Long An, chẳng may anh Chàng bị tai nạn giao thông qua đời. Mất mát quá lớn này khiến chị Ngoan suy sụp. Những dự tính làm ăn tích cóp để mua nhà rồi đón hai đứa con (đang gửi bà nội) lên của vợ chồng họ cũng dang dở. “Cô Ngoan nhiều lúc cứ như mất hồn. Tôi gợi ý đổi qua phòng khác ở cho khuây khỏa nhưng cô ấy đâu chịu. Tôi tới lui coi nồi cơm, thau đồ, rồi la hoài. Thương chồng, thương con thì phải thương cái thân mình trước để có sức lo cho hai đứa nhỏ”, bà Phượng chia sẻ.

Giờ đây, ngoài chuyện bớt tiền phòng, bà Phượng vẫn thường mua quần áo, tập sách cho các con chị Ngoan.

Khu trọ có gần 200 người ở, đa phần là công nhân các tỉnh xa như Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Trà Vinh. Nhiều nữ công nhân mang thai tới kỳ sinh, không dám về quê vì sợ làm khổ bậc sinh thành, ở lại nhà trọ thì không ai chăm vì chồng phải đi làm, thấy thế bà Phượng lại chạy qua hỏi thăm và giúp đỡ chuyện chợ búa. “Lần tôi nằm cữ, cô Phượng đến phòng hỏi han. Thấy bếp núc lạnh tanh, cô rầy tôi rồi nói “mấy món bí đỏ, đu đủ, thịt bò, trái cây, gạo lứt tốt cho mẹ và bé, cô tìm hiểu rồi đó. Bay thèm ăn gì nói cô đi mua chứ dạ hoài là sao con?”. Tôi vẫn nhớ mãi tấm lòng ấy. Nó làm cho tôi được an ủi và bớt tủi thân” - chị Hồng Oanh, quê Bạc Liêu, tâm sự. 

Mẫn Nhi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI