PNO - Vợ chồng ông Nguyễn Thành Tâm và bà Nguyễn Thị Sen - ở khu phố 3B, phường Thạnh Lộc, quận 12, TPHCM - không xây nhà biệt lập mà chọn sống chung trong khu trọ với hơn 400 người thuê. Ở đó, họ đã tạo nên một không gian xanh mát với nhiều cây cối, có cả kệ sách. Ông Tâm là hội viên danh dự của Hội LHPN phường Thạnh Lộc.
“Xanh, sạch, an toàn” là tiêu chí mà vợ chồng ông Tâm đặt ra khi bắt đầu xây dựng khu trọ vào năm 2005. Ông cho biết, khi rời quê (tỉnh Bình Định) vào TPHCM lập nghiệp, ông làm công nhân sản xuất máy mài đá granite rồi chuyển qua làm thợ điện, còn vợ mở tiệm may. Họ từng sống trong những khu trọ lụp xụp, vắng người, mùa nắng thì nóng hầm, mùa mưa thì ngập lụt nên thấu hiểu nỗi vất vả của người lao động tha hương.
Ông Nguyễn Thành Tâm (bìa trái) trang bị các kệ sách với nhiều sách, truyện, tư liệu về Bác Hồ phục vụ nhu cầu đọc của người thuê trọ
“Từ trải nghiệm của mình, tôi thấy nếu không gian sống thoáng đãng, sạch đẹp thì tinh thần mình sẽ thoải mái, làm việc hiệu quả hơn. Tụi tôi mua miếng đất này năm 1994, rộng 3.000m2, xưa là vườn hoa lài, sau trồng xoài cát. Đầu những năm 2000, quận 12 bắt đầu đô thị hóa mạnh, các cụm công nghiệp mọc lên, nhu cầu thuê nhà trọ tăng cao, vợ chồng tôi bàn nhau xây phòng trọ. Tụi tôi xác định ngay từ đầu là mình muốn sống sao thì làm y vậy cho mọi người. Gom góp tiền tiết kiệm, vay thêm tiền ngân hàng, tụi tôi xây được 30 phòng đầu tiên, vợ chồng tôi cùng 2 đứa con sống trong căn phòng sát cổng” - ông Tâm nhớ lại.
Bà Sen cho biết thêm, khi đó, do nền đất thấp nên khu trọ thường xuyên bị ngập. Cứ 1-2 năm, ông bà lại phải nâng nền. Hiện, toàn khu trọ có hơn 400 người thuê, trong đó chiếm 2/3 là công nhân, người làm nghề tự do. Năm 2016, vợ chồng ông Tâm vay ngân hàng 6 tỉ đồng đầu tư nâng cấp toàn bộ các dãy phòng. Họ làm lối đi chính thông thoáng, có hệ thống chiếu sáng và đường vòng, cửa thoát hiểm phía sau. Tự tay ông Tâm thiết kế mái vòm che mưa nắng cho cả khu trọ. Bên dưới mái vòm, từ cổng chính đi vào là những chậu cây kiểng treo trên cao chạy song song nhau trông rất đẹp mắt, còn bên dưới thì cứ 2 phòng là có một chậu cây, hoa lớn. “Ông nhà tôi mê cây, mình ổng lọ mọ quanh năm, tự đúc chậu xi măng rồi ươm, trồng cây quanh khu trọ. Ai vô đây cũng quở sao khu trọ mát mắt quá trời”.
Ông Tâm cũng làm cổng có hệ thống nhận dạng vân tay, thiết kế hệ thống tưới tự động cho cây và trang bị bình chữa cháy cầm tay, camera an ninh dọc các lối đi. Ông Tâm nói: “Tôi chỉ lấy giá thuê từ 1,3-1,7 triệu đồng/phòng, trừ các khoản chi bảo trì hằng tháng thì không còn lời bao nhiêu. Được cái, mọi người sống với nhau như một gia đình lớn, vui vẻ, đoàn kết. Tôi đang nghiên cứu lắp hệ thống nhận dạng bằng khuôn mặt ở cổng ra vào để đảm bảo an toàn cho cả khu trọ. Biết là tốn kém nhưng vợ chồng tôi sẵn sàng chi”.
Ông chủ trọ là hội viên phụ nữ
Cuối tháng 4/2023, ông Tâm được mời làm hội viên danh dự của Hội LHPN phường, còn bà Sen được bầu làm Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ công nhân lao động nhà trọ khu phố 3B.
Hôm tôi ghé nhà, bà Sen báo với chồng rằng, có mấy hộ khất tiền phòng liên tục 10 tháng rồi, ông cười hiền: “Thôi, kệ đi. Đợt này làm ăn khó quá, coi như mình tặng anh chị em căn phòng mơ ước”.
Mỗi năm, vợ chồng ông Tâm tặng “căn phòng mơ ước” cho 1-2 hộ với hình thức không thu tiền trọ cả năm. Phòng này dành cho hộ đặc biệt khó khăn, có người thân mắc bệnh nan y hoặc đau ốm, tai nạn. Ngoài tiền trọ, ông bà còn hỗ trợ thực phẩm. Tính tới nay, ông bà đã tặng “căn phòng mơ ước” cho 10 trường hợp, gần đây nhất là chị Ngô Thị Tiền, ở trọ trong khu này khá lâu, làm nghề tự do, công việc bấp bênh, vừa chăm chồng mắc bệnh nan y, vừa nuôi 2 con ăn học. 1 trường hợp khác là anh Trần Thái Hòa, thuê trọ cùng 2 con, còn vợ ở quê làm thuê. Anh Hòa làm nghề phụ hồ nhưng từ sau đợt dịch COVID-19 năm 2021, công việc bữa có bữa không.
Vợ chồng ông Tâm còn lập quỹ tương trợ trong khu trọ. Theo đó, ông bà kêu gọi mọi người phân loại rác tại nguồn để bán các loại rác tái chế được như ni lông, giấy, vỏ lon, nhập tiền vào quỹ và dùng thức ăn thừa làm phân bón. Để làm được điều này, ông bà trang bị 8 thùng rác loại lớn cho cả khu. Thấy ông bà chủ tỉ mỉ phân loại rác ở thùng lớn, dần dần, người thuê trọ ở mỗi phòng đều tự phân loại rác trước khi đem ra điểm tập kết.
Bà Sen hồ hởi: “Hễ phòng nào có ma chay hay có người thân nằm bệnh viện, thậm chí thiếu tiền đóng học phí cho con là tôi trích quỹ tương trợ ra giúp. Rau trái trong khu này tươi tốt nhờ rác thực phẩm, ai muốn ăn thì cứ hái. Thấy được lợi ích chung nên mọi người tự giác phân loại rác, không xả rác bừa bãi”.
Chị Nguyễn Thị Thu Thảo - làm nghề thêu áo dài - kể: “Mẹ tôi mất do bệnh ung thư gan hồi đầu năm nay. Mấy tháng mẹ tôi bị bệnh, cô Sen trích quỹ ra hỗ trợ thuốc men, còn phụ tôi chăm sóc bà chu đáo. Xưa, tôi lu bu công việc, chuyện tiền nong, cơm nước do mẹ quán xuyến. Trước khi nhắm mắt, mẹ tôi nhắc còn nợ tiền phòng mấy tháng, nhớ gửi cho cô Sen. Nhưng khi tôi ngỏ lời thì cô gạt đi, nói có bao nhiêu đâu mà kể, cứ để đó lo cho con trai ăn học”.
Mẫn Nhi
Người tạo Không gian văn hóa Hồ Chí Minh trong khu nhà trọ
Vừa rồi, cô chú còn bỏ tiền sắm sách, báo, lắp ti vi màn hình phẳng chiếu phim tư liệu về Bác Hồ, giúp Hội LHPN phường xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh ngay trong khu nhà trọ. Rất nhiều cán bộ, hội viên phụ nữ trong phường biết đến vợ chồng cô chú Tâm, Sen. Khu trọ của cô chú ngày thường thì yên tĩnh, cuối tuần lại xôm tụ vì mọi người đều kê ghế ngoài sân ngồi uống cà phê, chuyện trò vui vẻ, thân tình. Tết Nguyên đán hằng năm, cô chú bỏ ra cả trăm triệu đồng làm tiệc tất niên đãi mọi người, có thiết kế tiểu cảnh, sân khấu trình diễn thời trang áo dài rất hoành tráng.
Bà Lê Kim Thanh - Chủ tịch Hội LHPN phường Thạnh Lộc, quận 12, TPHCM