Tháng 10/2022, trận lũ quét đã cuốn trôi nhà của 55 hộ sống ven khe suối Huồi Giảng, xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An. Trong khi chờ UBND huyện Kỳ Sơn bố trí đất tái định cư (TĐC), các hộ này phải dựng lều lán tạm bợ hoặc đến nhà người thân ở nhờ. Cuối năm 2022, UBND huyện Kỳ Sơn phê duyệt dự án xây dựng cơ sở hạ tầng khu TĐC ở xã Tà Cạ để bố trí đất ở cho hơn 200 hộ bị lũ cuốn trôi nhà và có nguy cơ bị đất đá vùi lấp nhà cửa.
|
Chờ đợi quá lâu, chị Vi Thị Sen đành vay mượn tiền xây lại nhà ngay trên nền nhà cũ đã bị lũ quét cuốn trôi - Ảnh: Phan Ngọc |
Theo phương án được phê duyệt, giai đoạn 1 của dự án được triển khai tại bản Cầu Tám, xã Tà Cạ với kinh phí 35 tỉ đồng. Tuy nhiên, muốn triển khai dự án, UBND huyện Kỳ Sơn phải nộp số tiền này vào ngân sách nhà nước. Do vướng mắc quá nhiều thủ tục, đến nay, dự án mang tính cấp bách này vẫn đang nằm trên giấy.
Do không thể chờ lâu, nhiều người dân ở xã Tà Cạ đành liều quay trở lại vùng bị lũ quét dựng nhà tạm bằng tôn, thậm chí xây nhà kiên cố để ở. Chị Vi Thị Sen - 37 tuổi, ở bản Hòa Sơn, xã Tà Cạ - nói, gia đình phải mượn 200 triệu đồng để xây nhà mới do không thể ở nhờ nhà người khác quá lâu.
Ông Thò Bá Rê - Phó chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn - cho biết: “Kinh phí đã có và cũng đã được đồng ý sử dụng nhưng sau đó, khu đất rộng 8,9ha dự kiến làm nơi TĐC lại được xác định là rừng tự nhiên nên phải trình Thủ tướng Chính phủ cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Trước đây, khu vực này là đất nương rẫy của người dân, nhưng người dân bỏ hoang lâu nay. Sau khi kiểm tra, kiểm lâm thấy có cây rừng phục hồi nên đất này được xem là đất rừng.
Trong khi đó, nhiều khu TĐC dành cho người dân vùng lũ, vùng sạt lở đất ở huyện Hưng Nguyên, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An và huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh lại bị bỏ hoang nhiều năm qua do bị người dân chê.
Năm 2010, UBND huyện Quỳnh Lưu đầu tư xây dựng 2 khu TĐC ở xã Quỳnh Thắng và xã Quỳnh Trang để di dời gần 100 hộ sống trong vùng bị ngập lụt ven hồ Vực Mấu và ven sông Mai Giang. Tuy nhiên, sau khi dự án hoàn thành, người dân không muốn chuyển đến ở và 2 khu TĐC này trở thành nơi chăn thả trâu bò.
Năm 2017, UBND tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt dự án đầu tư xây dựng hạ tầng khu TĐC dành cho 165 hộ ở thôn Trung Tiến, xã Điền Mỹ, huyện Hương Khê - nơi thấp trũng, thường xuyên bị nước lũ cô lập. Khu TĐC này có diện tích 21ha, kinh phí xây dựng hơn 41 tỉ đồng, dự kiến đến năm 2019 hoàn thành. Nhưng do thiếu vốn, mãi đến tháng 1/2023, dự án này mới hoàn thành và bàn giao cho địa phương để đưa dân vào ở.
Trước khi triển khai dự án, 165 hộ dân nằm trong diện di dời được chính quyền địa phương lấy ý kiến và tất cả đều đăng ký nguyện vọng được cấp đất. Tuy nhiên, khi dự án hoàn thành, phần lớn người dân không còn nhu cầu di dời nữa. Ông Nguyễn Đình Nghị - ở thôn Trung Tiến - cho biết, do khu TĐC làm quá chậm nên người dân không thể chờ được. Hầu hết bà con đã cố gắng vay mượn tiền để xây nhà mới hoặc nâng cấp nhà thành nhà vượt lũ. Hơn nữa, điều kiện để được cấp đất TĐC là người dân phải xây nhà ở kiên cố, trả lại đất đang sử dụng nên dân không muốn “đổi”.
Ông Trần Tiến Chương - Chủ tịch UBND xã Điền Mỹ - cho biết, đến nay, mới chỉ có 32/165 hộ nộp hồ sơ cho UBND xã để xin cấp đất trong khu TĐC. Những hộ dân còn lại đều đã chủ động xây nhà tránh lũ nên không còn nhu cầu di dời tới khu TĐC. “Trước mắt, có được hộ nào đăng ký thì chúng tôi cho bốc thăm để họ lên ở ổn định đã. Sau này, nếu vẫn còn tình trạng cha mẹ đăng ký cho con đến ở thì chúng tôi sẽ xin chủ trương cho mở rộng đối tượng, nhằm tránh lãng phí đất dự án” - ông Trần Tiến Chương nói.
Cũng do triển khai chậm, khu TĐC dành cho 100 hộ dân vùng ngập lũ và sạt lở đất phía ngoài đê sông Lam thuộc xã Xuân Lam, huyện Hưng Nguyên bị bỏ hoang suốt 2 năm qua. Dự án khu TĐC này được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt năm 2011, dự kiến hoàn thành sau 24 tháng nhưng do thiếu vốn, phải mất 10 năm mới hoàn thành. Lúc này, những hộ nằm trong diện di dời đã tự xây cao nhà cửa để thích ứng với tình trạng ngập lụt nên khu TĐC bị bỏ hoang.
Phan Ngọc
Dự báo sớm, sẵn sàng ứng cứu khi xảy ra thiên tai Giáo sư, tiến sĩ Hoàng Xuân Cơ - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quan trắc và mô hình hóa môi trường, Trường đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) - cho rằng, để giảm thiểu thiệt hại do thiên tai ở khu vực miền Trung, cần có các biện pháp chủ động dự báo, ứng cứu: “Chúng ta phải nắm được các vùng có nguy cơ thiệt hại cao để có thể nhanh chóng di dân, di tản hoặc neo đậu tàu bè. Quan trọng nhất vẫn là công tác dự báo. Phải dự báo và chuẩn bị trước để chủ động có những biện pháp cụ thể nhằm giảm thiểu thiệt hại”. Cũng theo ông, khi thiên tai xảy ra rồi, các cơ quan phòng, chống thiên tai phải chủ động ứng cứu. Lúc này, cần vận động mọi nguồn lực tại chỗ đã chuẩn bị, kết hợp với những nguồn lực huy động từ bên ngoài. Phải cứu người trước, sau đó mới cứu tài sản. Đó gọi là cứu nạn trước, cứu hộ sau. Theo ông, công tác dự báo đang dần phát triển và ngày càng chính xác hơn. Dù vậy, dự báo cũng chỉ đưa ra những tình huống chung nhất, gần sát nhất, sai số nhỏ nhất. Điều cần làm là đưa thông tin dự báo đến được với người dân, kết hợp với vận động, tuyên truyền để dân kịp thời phòng tránh. Lũ ở đồng bằng sông Cửu Long mang tính chu kỳ rất rõ nên dễ “sống chung”. Còn ở miền Trung, bão lũ bất chợt ào đến trong một thời gian rồi rút đi, mức tàn phá lớn hơn. Do vậy, đối với miền Trung, để giảm thiểu thiệt hại do bão lũ, nhất thiết phải tăng cường công tác dự báo sớm và chính xác, đồng thời ứng cứu quyết liệt, nhanh chóng khi chúng xảy ra. Bảo Khang |