Khu phố xanh: Xanh từ nhà ra ngõ

26/12/2016 - 15:59

PNO - Vào 19g15 mỗi ngày, chung cư Tây Thạnh, Q.Tân Phú, TP.HCM lại rộn rã bởi tiếng rao hỏi “nhà có ve chai không?”, đáp lại là nụ cười tươi rói và món quà rác từ chủ hộ trao tận tay cho các công nhân vệ sinh.

Đó là mô hình “Khu phố xanh” được triển khai từ tháng 7/2015 tại chung cư này. 

Trao rác, nhận quà

19 giờ, chúng tôi có mặt tại chung cư Tây Thạnh chờ các công nhân vệ sinh ở tổ 1, Xí nghiệp Vận chuyển 2, Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị TP.HCM đến gom rác tái chế. Chị Ngô Thị Tươi, Tổ trưởng tổ 1 vui vẻ cho biết, một lô có sáu người thu gom, chia làm ba nhóm, mỗi nhóm hai người, trong đó một người nhận rác, cân ký, người còn lại ghi chép để cuối tháng tổng kết, mua quà cho các hộ dân. Chung cư có chín lô, cứ xoay tua hết một tuần là sạch sẽ. Trước giờ thu gom, chị Tươi phát cho mỗi nhóm một xấp giấy kê khai rõ ràng từng mục gồm tên chủ hộ, ngày thu gom, số lượng nhôm, chai lọ, mủ, đồng và chia nhau đi, đi đến đâu cũng rao hỏi: “Nhà có ve chai không?”.

Mở cửa, trao bịch rác gồm vỏ lon bia, chai nhựa, giấy cạc-tông, cô Trần Thị Nhung, ở nhà I320 cười tươi nói: “Hôm nay chỉ có vậy, chú cân giùm nha”. Cô Nhung chia sẻ: “Mô hình này rất hay, người dân có thể chung tay phân loại rác tại nguồn, giúp môi trường xanh sạch hơn, lại còn có quà hàng tháng. Quà tuy không nhiều, chỉ là chai dầu ăn, chai nước mắm hay một ký đường, nhưng ai cũng vui”.

Chủ hộ I412 là một cô gái trẻ mới dọn về chung cư hơn bốn tháng nay nhưng đã nhiệt tình tham gia mô hình này. Theo chủ hộ, làm được việc gì để môi trường xanh sạch hơn thì gia đình chị đều ủng hộ. Đã vậy, tại chung cư này, cư dân không mất thời gian, công sức gì mà cuối tháng lại còn nhận được quà nên càng vui.

Chưa đầy nửa giờ, chúng tôi đã nhận rác đầy bao, mang xuống điểm tập kết dưới sân chung cư để cả nhóm phân loại tiếp. Chị Tươi chia sẻ: "Lượng rác gom được cũng tùy lúc, có hộ đi làm suốt, không có rác nhiều nên cả tuần mới gom được vài chai lọ; có hộ buôn bán hoặc thường xuyên ở nhà thì lượng rác nhiều hơn. Nhiều hay ít, cứ cuối tháng là công nhân tổng kết quy ra quà, ai thích thì nhận, còn không cứ tích lũy, đổi phiếu đi siêu thị. Có hộ tích cóp giỏi nên tháng nào cũng nhận quà".

Sẽ nhân rộng mô hình “Khu phố xanh”

​Triển khai từ cuối năm 2013 đến nay, mô hình “Khu phố xanh” kiểu mẫu do Đoàn thanh niên Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị TP.HCM phối hợp với báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức đã nhân rộng ra sáu tuyến đường mẫu của Q.Tân Phú gồm Độc Lập, Lê Lư, Lê Khôi, Tân Sơn Nhì, Cây Keo, Trần Hưng Đạo và đến tháng 7/2016, đã nhân rộng ra tiếp chín lô của chung cư Tây Thạnh với tổng số gần 2.000 hộ dân tham gia.

“Ban đầu, khi triển khai thí điểm, mô hình gặp không ít khó khăn do người dân chưa quen việc phân loại rác tại nguồn; hơn nữa, họ chưa thấy rõ ích lợi của mô hình này. Sau nhiều lần kiên trì gõ cửa từng hộ để tìm nguyên nhân, vận động, tuyên truyền, hướng dẫn, tặng thùng rác, túi ni lông, triển khai việc “đổi rác nhận quà”, số lượng hộ dân tham gia tăng lên rõ rệt, đến nay có khoảng 66% hộ dân ủng hộ tích cực” - ông Cao Văn Tuấn, Bí thư Đoàn cơ sở Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM cho biết.

Cũng theo ông Tuấn, việc phân loại rác tại nguồn không chỉ góp phần giảm chi phí trong công tác thu gom, vận chuyển, xử lý rác mà còn làm giảm ô nhiễm môi trường và giảm chi cho ngân sách TP. Rác sau khi phân loại sẽ được tách riêng thành rác hữu cơ - vô cơ và tiếp tục được xử lý để sản xuất phân compost, tái chế, sản xuất những “sản phẩm xanh” thân thiện với môi trường.

Những ngày theo chân công nhân vệ sinh đi thu gom rác, chúng tôi cảm nhận ý thức chung tay bảo vệ môi trường của người dân đã tăng lên rõ rệt. Người dân đã thấy việc phân loại rác tại nguồn thực sự có ích cho môi trường sống. 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI