Những con đường "quen mà lạ" ở Sài Gòn:

Khu phố của người độc thân ngày ấy, bây giờ ra sao?

18/12/2020 - 06:48

PNO - Đường Lê Văn Hưu (quận 1) là một con đường ngắn nối Nguyễn Du và Lê Duẩn. Không chỉ ngắn, con đường này còn nổi tiếng vì chỉ có số nhà chẵn, nơi đây từng có 1 khu phố của những người độc thân hay còn gọi là khu "Mỹ độc thân"

Những con đường "quen mà lạ" ở Sài Gòn

Những con đường trong lòng thành phố, ngỡ đã  thân quen nhưng một lúc nào đó dừng lại quan sát, suy tư, tìm hiểu vẫn thấy còn bao điều chưa biết. Báo PNO sẽ lần lượt giới thiệu với bạn đọc câu chuyện về những con đường "quen mà lạ" Sài Gòn. Hẳn bạn sẽ thêm yêu những con đường mình vẫn đi qua mỗi ngày hoặc chợt thấy con đường quen thuộc bỗng đẹp hơn bởi chính những điều mộc mạc.

Đường Lê Văn Hưu chỉ có số nhà chẵn vì dãy nhà số lẻ bên kia đã lui vào dĩ vãng. Trong ký ức của bà Nguyễn Thị Bảy (83 tuổi), đường Lê Văn Hưu là đường cấm. Không ai được chạy vào con đường này, chỉ có người đi bộ.

Không giống như những con đường khác ở trung tâm thành phố, Lê Văn Hưu thời bấy giờ vẫn còn lề đất.

Ngã ba Lê Văn Hươu - Nguyễn Du hiện tại
Ngã ba đường Lê Văn Hưu - Nguyễn Du hiện tại

Tuy chỉ là một đoạn đường ngắn nhưng đường Lê Văn Hưu chứng biến bao thăng trầm của Sài Gòn.

Từng là nhân viên của Đài khí tượng thủy văn Nam Bộ, bà Bảy cho biết từ ngày thành phố được tiếp quản, đường Lê Văn Hưu là khu phố tập trung cán bộ miền ngoài vào.

Họ sống trong dãy nhà số chẵn từ số 10 đến số 20, lúc trước là một dãy biệt thự của quan chức chế độ cũ. Bên kia đường là dãy nhà của dân nhưng chỉ có 5 số, từ 1 đến 5.

Ngay góc đường Lê Văn Hưu - Nguyễn Du từng là một sân quần vợt, chủ yếu là người Đức đến chơi. Sau nhiều thay đổi theo thời gian, khu vực này được xây dựng thành tòa nhà Kumho Asiana Plaza hiện nay.

Bà Nguyễn Thị Bảy (83 tuổi) sống và làm việc ở đây từ sau năm 1975
Bà Nguyễn Thị Bảy (83 tuổi) sống và làm việc ở đây từ sau năm 1975

Bà Bảy còn cho biết, căn nhà trong hẻm 12 Lê Văn Hưu hiện tại bà đang sinh sống từng là nơi Tổng lãnh sự quán Đài Loan cư trú và làm việc.

Nhiều người dân trong khu vực này còn gọi đùa đường Lê Văn Hưu là đường "Tổng lãnh sự quán" vì từ đầu đường Lê Văn Hưu cắt Lê Duẩn nhìn qua trái là Tổng lãnh sự quán Đức, trước mặt là Tổng lãnh sự quán Mỹ và Pháp, còn ngược lên Mạc Đĩnh Chi là Tổng lãnh sự quán Anh.

Sau lưng đường Lê Văn Hưu là tòa nhà Viện hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam. Theo cô Nguyễn Thị Tuyết (64 tuổi) sống ở đây từ nhỏ đến lớn cho biết, trước đây tòa nhà này còn gọi là khu nhà bồi.

Đây là nơi sinh sống và làm việc của người nước ngoài tại Sài Gòn từ chế độ cũ. Đặc biệt, đa số đều độc thân nên nơi này còn được gọi là khu Mỹ độc thân. 

Cô Nguyễn Thị Tuyết (64 tuổi) sinh ra và lớn lên ở khu vực này
Cô Nguyễn Thị Tuyết (64 tuổi) 

Khi nhắc đến ngã ba Nguyễn Du - Lê Văn Hưu, cô Tuyết cho rằng, có lẽ nhiều người không biết ngã ba nằm sau lưng nhà thương Đồn Đất. Khu vực này vốn hoang vắng, cây cối um tùm.Tuy thời đó đã có đèn cao áp thủy ngân nhưng thường xuyên bị bọn trộm bắn bể, hòng giảm bớt ánh sáng để ẩn nấp. Cô Tuyết còn kể, ngày đó ít ai dám qua khu vực này, kể cả xích lô, có được thuê cũng chẳng ai dám đi.

Vì là đường cấm, đặt barie đầu đường nên đường Lê Văn Hưu không bao giờ có xe cộ đi ngang. Tiếng xe lam lạch bạch nhả khói ngoài đường Thống Nhất (Lê Duẩn) vẫn mãi là ký ức tuổi thơ của cô Tuyết. Trong trí nhớ của cô, hình ảnh Chiếc xe lam "ồn ào" chở đầy người và hàng hóa nhả khói phì phì nhưng tụi trẻ con vẫn cứ thích chạy theo sau hít hà ống khói xe lam.

Vị trí tòa nhà Friendship Tower (tòa nhà Hữu Nghị) bây giờ từng là một công viên nhỏ, có vườn cây kiểng của một ông chú miền Tây. Từ đầu đường Lê Văn Hưu lên Thảo Cầm Viên ngày trước khá vắng vẻ, cây cối um tùm. Nơi này không có chợ nên đa số mọi người đều đi Chợ Cũ, không thì đi xe lam xuống chợ Đa Kao, Tân Định. 

Gần Công ty xổ số kiến thiết hiện tại từng có Trường PTCS Thống Nhất. Mười năm sau giải phóng, khu vực này thường xuyên xảy ra tình trạng cướp giật, đặc biệt, ngã ba đường Nguyễn Du - Lê Văn Hưu với hàng cây cổ thụ còn là nơi tụ họp của những cô gái "ăn sương".

Sau năm 1975, nhiều con đường được đổi tên nhưng khu vực đường Lê Văn Hưu, Mạc Đĩnh Chi và Nguyễn Du vẫn giữ nguyên, riêng chỉ có đường Thống Nhất được đổi thành đường Lê Duẩn sau này.

Tấn Đồng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI