Sau khi Báo Phụ Nữ TP.HCM đăng bài Ngang nhiên bán nền hốt bạc dù 14 năm chưa xong khâu giải tỏa (ngày 5/10), nhiều người dân chưa được đền bù tiền giải tỏa đất ở khu vực dự án Khu đô thị thương mại Nam Sài Gòn (xã Phong Phú, H.Bình Chánh, TP.HCM) đã phản ánh đến báo việc dự án “treo” quá lâu khiến họ vô cùng khổ sở.
Dân không đồng ý, vẫn san lấp, bán nền
Theo người dân, khoảng năm 2004, khu vực này được chính quyền địa phương thông báo đã được quy hoạch làm khu dân cư mới. Sau đó, Công ty TNHH Tư vấn đầu tư Phi Long (Công ty Phi Long) - chủ đầu tư dự án Khu đô thị thương mại Nam Sài Gòn - thông báo tổ chức bồi thường, giải tỏa để thực hiện dự án với diện tích hơn 20ha. Đến nay, sau 14 năm, dự án vẫn chưa xong khâu đền bù, do chủ đầu tư đưa ra giá bồi thường không thỏa đáng. Dự án kéo dài quá lâu, nhà cửa, đường sá xuống cấp nghiêm trọng, khiến người dân phải sống chung với quy hoạch “treo”, vô cùng khổ sở.
|
Nhà cửa người dân rách nát sau 14 năm quy hoạch “treo” |
Theo bà Lương Thị Mười (ấp 4, xã Phong Phú), bà có hơn 7.000m2 đất, canh tác gần 30 năm. Từ khi được giao đất làm dự án, nhiều lần Công ty Phi Long cho “cò” vào mua đất nhà bà với giá rẻ bèo (khoảng 1,2 triệu đồng/m2) nên bà không bán. Vài tuần sau, họ ngang nhiên cho người đến san lấp luôn ruộng, vườn nhà bà rồi cắm mốc. “Có lần, gia đình tôi và phía công ty đã xảy ra xô xát khiến con tôi phải hầu tòa vì tội cố ý gây thương tích. Nếu chủ đầu tư làm ăn đàng hoàng, chúng tôi đâu bị rơi vào cảnh này” - bà Mười bức xúc.
|
Bà Lương Thị Mười bức xúc phản ánh vụ việc |
Tương tự, anh Lại Văn Mạnh (ở cùng ấp) có 5.300m2 đất, chưa từng bán cho Công ty Phi Long nhưng công ty vẫn ngang nhiên đổ đất, làm đường và phân lô, bán nền trên đất của anh.
“Họ dẫn khách hàng đến công khai bán đất của tôi, mặc cho gia đình tôi phản ứng. Thậm chí, công ty còn cố tình đào các mương nước cắt đường đi lại của người dân khi không chịu di dời chỗ khác” - anh Mạnh kể.
Bà Nguyễn Ngọc Sang, có nhà ở trong khu vực dự án, cho biết thêm: “Tôi đề nghị công ty làm tới đâu, thỏa thuận mua đất của dân tới đó để đảm bảo cuộc sống cho người dân còn ở lại. Nhưng công ty không làm vậy. Họ chỉ đưa ra giá một lần, ai không chịu, họ đưa máy móc vào lấn chiếm, không thỏa thuận gì thêm”.
|
Sau 14 năm triển khai, dự án Khu đô thị thương mại Nam Sài Gòn phần lớn chỉ là bãi cỏ hoang |
Cách nhà bà Sang khoảng 50m, bà N. có khoảng 1,4ha đất nông nghiệp nằm trong vùng dự án. Năm 2009 - 2010, Công ty Phi Long đưa giá đền bù toàn bộ khu đất khoảng 1,5 tỷ đồng nhưng bà N. không đồng ý. Năm 2013, công ty cho người đến cắm cột lấn ranh, lấp rạch, khiến nước không vào được ruộng lúa của gia đình bà. Một số thửa ruộng khác lại ứ nước nghiêm trọng, phải bỏ hoang.
“Họ còn thông tin với khách hàng rằng, gia đình tôi đã bán đất cho công ty rồi. Tôi còn nghi họ lập hồ sơ giả để chiếm đất của tôi” - bà N. nói.
Chính quyền kiểm tra nhưng “đâu lại vào đấy”
Điều đáng nói, theo người dân, họ nhiều lần khiếu nại đến UBND H.Bình Chánh nhưng chính quyền không giải quyết đến nơi đến chốn. UBND H.Bình Chánh có vài lần tổ chức đối thoại với người dân, rồi hứa sẽ chỉ đạo tháo dỡ hết hàng rào lưới sắt mà Công ty Phi Long dựng không đúng ranh giới, buộc công ty ngừng thi công để phối hợp với cơ quan chức năng cắm ranh giới lại, yêu cầu công ty khắc phục hệ thống dẫn nước của dân... Tuy nhiên, sau đó mọi chuyện lại đâu vào đấy.
|
Một căn biệt thự xây trái phép trong dự án nhưng vẫn không bị xử lý |
Theo tìm hiểu của chúng tôi, Công ty Phi Long có dấu hiệu sai phạm nghiêm trọng bởi đến nay, dự án vẫn chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt, nhưng chủ đầu tư đã san lấp và đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật dự án. Thậm chí, đơn vị này còn san lấp trái phép rạch Bà Lớn và rạch Lưu Linh (xã Phong Phú). Chính quyền nơi đây đã lập nhiều biên bản và ra quyết định xử lý nhưng không ăn thua.
Theo tài liệu chúng tôi có được, dự án của Công ty Phi Long đã nhiều lần bị thanh tra nhưng vẫn không xử lý đến nơi đến chốn. Thậm chí, trong một số lần, chủ đầu tư còn có dấu hiệu chống đối, bất hợp tác với cơ quan chức năng. Chẳng hạn, khoảng giữa năm 2018, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) TP.HCM gửi thư mời đại diện Công ty Phi Long đến họp nhưng sau đó đại diện công ty này không chấp nhận biên bản làm việc với lý do “cuộc họp không có giám đốc Sở TN-MT”.
Tiếp theo đó, Sở TN-MT TP.HCM tiếp tục gửi thư mời đại diện Công ty Phi Long đến làm việc nhưng công ty không cử người dự họp với lý do nhân sự công ty chỉ có... một người và người này đang bận tham dự cuộc họp khác. Ngoài ra, chủ đầu tư còn xây dựng hai căn nhà không phép.
Theo thông tin chúng tôi có được, chỉ riêng năm 2017-2018, Công ty Phi Long đã có gần 100 lần bị thanh, kiểm tra. Không hiểu các cơ quan chức năng đã làm gì sau những lần thanh, kiểm tra đó mà sai phạm vẫn tồn tại?
Phan Trí - Bích Trần